Tiểu thương chợ cá Vĩnh Long than ế ẩm

11:10, 26/10/2012

Từ khi có cầu dây văng Bạch Đằng bắc qua sông Long Hồ, nhiều người dân hai bên cầu vui mừng vì đi lại dễ dàng. Phía sau niềm vui đó là sự buồn rầu của đa số tiểu thương chợ cá Vĩnh Long, vì khu chợ bị “xẻ đôi”, bán buôn ế ẩm hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nguyên nhân không chỉ bởi… do cầu.


Khu chợ bán gia cầm thường xuyên vắng khách nên một số tiểu thương bỏ sạp.

Từ khi có cầu dây văng Bạch Đằng bắc qua sông Long Hồ, nhiều người dân hai bên cầu vui mừng vì đi lại dễ dàng. Phía sau niềm vui đó là sự buồn rầu của đa số tiểu thương chợ cá Vĩnh Long, vì khu chợ bị “xẻ đôi”, bán buôn ế ẩm hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nguyên nhân không chỉ bởi… do cầu.

Tiểu thương “chạy sô”, bỏ chợ

Khu chợ cá hiện chia ra 2 phần riêng biệt: một phần nằm sau chợ rau củ, diện tích rộng và có vẻ xôn xao hơn; khu còn lại đa số hộ bán gia cầm thì vắng vẻ, đìu hiu… Cô Nguyễn Ngọc Kiều thở dài: “Bán ế lắm. Tui bán ở đây nhiều năm rồi, lúc trước có gần 20 hộ vẫn đắt, lời từ 100.000- 200.000 đ/ngày, giờ chỉ còn mấy hộ mà kiếm chừng 50.000 đ/ngày còn khó”. Cạnh đó, chị Phạm Thị Bảy cũng nói: “Lúc trước bán ngày gần 20 con gia cầm, còn giờ chưa đến chục con”.

Đồng cảnh ngộ, quầy rắn- rùa của chị Đỗ Thị Thủy cũng lạnh tanh. Chị cho biết: Trước khi xây cầu, có thể bán từ 100- 200 kg/ngày, giờ chỉ còn chừng 50kg. Bởi vậy, giờ không dám nhập hàng “mạnh tay” như trước nữa. Chị tâm sự: “Gần 20 năm buôn bán mới gặp tình trạng thế này. Thiệt nản, giờ chỉ ráng bán cầm chừng”.

Buôn bán ế ẩm khiến nhiều hộ lỗ lã, nợ tiền hàng… nên đành bỏ sạp “chạy sô” hay chuyển qua nghề khác… Gần 5 giờ chiều, anh H. ì ạch dọn hàng ra lề đường 1 Tháng 5 bán tiếp. Anh thừa nhận: “Biết bán lòng đường vầy là sai, bị đuổi hoài nhưng cả ngày ngồi trong nhà lồng đâu có bán được bao nhiêu”. Cô Kiều thì chỉ tay qua quầy bên cạnh, nói: “Quầy của chị Kim Phượng bán lâu năm mà cũng đành đóng cửa vì lỗ kia kìa”.

Cần sắp xếp hợp lý hơn

Theo các tiểu thương khu bán gia cầm, bán buôn ế ẩm là bởi từ khi có cầu, chợ cá bị chia cắt nên đi lại bất tiện hơn. Trong khi đó, khu chợ cá bên kia được sắp xếp đầy đủ các mặt hàng, lại gần chợ rau củ… “Người đi chợ thường chọn bên kia tiện hơn nên bên này mới ế”- một tiểu thương nói.

Tuy nhiên, tại khu phía sau chợ rau củ, nhiều tiểu thương cũng than bán chậm hơn trước rất nhiều. Ngồi từ sáng đến trưa mới bán được 5kg tôm sú, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo nói: “Trước đây, 4 giờ sáng đã bán xôm tụ rồi nên xế xế là hết hàng, giờ sáng ra sớm… ngồi chơi nhưng phải cầm cự tới 7 giờ tối. Vậy mà, trước bán được 20kg/ngày, giờ chỉ còn 10kg, không rầu sao được?” Chị Nguyễn Thị Ngọc Trầm- Tổ trưởng Tổ Cá cho biết: Gần đây chợ cá rất ế. Nguyên nhân do cầu xẻ đôi khiến thông thương bất tiện. Hơn nữa, còn do tình trạng họp chợ tràn lan trên đường 1 Tháng 5. “16 giờ 30 là ngoài đó họp chợ rồi. Rau cải, cá thịt đủ cả nên người đi chợ thường mua ngoài đó cho tiện”- chị nói. Vì thế, theo chị, cần sắp xếp chợ cá hợp lý hơn và cần giải quyết tình trạng buôn bán lấn chiếm trên đường 1 Tháng 5”.

Ông Võ Thanh Mãnh– Trưởng Ban Quản lý chợ Vĩnh Long cho biết: Khu chợ cá Vĩnh Long có diện tích gần 850m2, với khoảng 206 tiểu thương. Trong đó, khu bán gia cầm có khoảng 30 hộ. Trước khi có cầu dây văng, chợ cá thông thương từ đầu đến cuối. Từ khi có cầu, chợ cá bị cắt làm đôi khiến các hộ buôn bán thủy sản, gia cầm bức xúc vì ế ẩm. “Tiểu thương chợ cá đa số là lao động nghèo. Hiện chợ đang lấy ý kiến tiểu thương để tìm ra giải pháp khả thi sắp xếp lại giúp tiểu thương mua bán dễ dàng, ổn định cuộc sống”- ông nói.

Cô Kiều xởi lởi: Khu bán gia cầm đang “rầu thúi ruột”, mong được sắp xếp lại để bán chạy hơn. Nếu được, nên sắp xếp chợ đêm 1 Tháng 5 thành khu chợ riêng biệt và giải quyết chuyện lấn chiếm lề đường để mua bán trên đường 1 Tháng 5.

Bài, ảnh: NAM ANH- THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh