Tìm cơ hội trong khó khăn

06:10, 12/10/2012

Là những người “đứng mũi chịu sào” lèo lái con thuyền doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn khó khăn, không chỉ giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định công ăn việc làm cho người lao động, mà còn đưa ra những quyết định táo bạo, đúng thời điểm, đưa DN vững vàng vượt lên. Đó là những doanh nhân luôn tìm ra và nắm bắt từng cơ hội trong lúc khó khăn nhất.

Là những người “đứng mũi chịu sào” lèo lái con thuyền doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn khó khăn, không chỉ giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định công ăn việc làm cho người lao động, mà còn đưa ra những quyết định táo bạo, đúng thời điểm, đưa DN vững vàng vượt lên. Đó là những doanh nhân luôn tìm ra và nắm bắt từng cơ hội trong lúc khó khăn nhất.

Sóng gió vẫn vững tay chèo

Bước vào năm 2012 với bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng nhiều đến Châu Á và Việt Nam cũng không tránh khỏi điều đó. Hệ quả có thể thấy là số lượng các DN đóng cửa, phá sản ngày càng nhiều. Những DN còn lại cũng gặp nhiều khó khăn...

Biểu hiện rõ nhất, theo ông Điền Hòa Tâm- Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí- Thương mại- Xây dựng Mười Tâm: “Sau kỳ nghỉ tết làm lại mà đến gần 3 tháng công việc hầu như không có. Trong lịch sử 20 năm của DN, đây là năm khó khăn nhất, vì thường thời điểm này đơn hàng dồn dập làm cả năm không hết”. Để công nhân có việc làm, DN tận dụng thời gian này để sắp xếp lại nhà xưởng, bố trí kho bãi theo hướng khoa học, hợp lý. Vừa giúp việc quản lý hàng hóa “nhìn vô biết liền”, vừa tiện lợi cho xe nâng lấy hàng ra– cất vào, nhanh chóng và dễ dàng. Kinh nghiệm mách bảo ông rằng: thời khó khăn phải giảm giá thành, tăng chất lượng. Muốn vậy, phải có máy móc thiết bị chuyên dùng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm, giảm chi phí. Nên DN tiếp tục đầu tư máy cắt dây tự động CNC, máy chấn sắt 300 tấn, mới đây là máy chặt sắt dày 13 li (giá 800 triệu đồng).


Ông Điền Hòa Tâm: Nắm bắt cơ hội rất quan trọng, khi mình tận dụng nó thì mới phát huy được lợi thế.

Bước tạo đà này giúp nhanh chóng bắt nhịp nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, khi nhu cầu đầu ép bún tăng mạnh, DN đã nắm bắt cơ hội và trở thành địa chỉ tin cậy cho khách hàng trong tỉnh và khu vực ĐBSCL đặt hàng. Bên cạnh, DN cũng xác định hướng đi “cái gì cũng làm”, không chuyên một sản phẩm nào mà “thị trường muốn gì phải làm cái đó. Nghề cơ khí ở tỉnh lẻ phải đa dạng sản phẩm mới trụ nổi. Ngoài các khách hàng lớn từ các công ty lớn ở Vĩnh Long (Biofeed, Thiết Lập, Tỷ Xuân, Bohsing, Acecook, Capsule, Phú Quý, Dược Cửu Long…), khách hàng lẻ yêu cầu làm cửa, cầu thang... đặt gì làm đó”- ông Điền Hòa Tâm nói.

Đa dạng sản phẩm cũng là giải pháp mà các doanh nhân chuyên ngành nước chấm ở Vĩnh Long chứng tỏ sự năng động và sáng tạo của mình, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Mới đây, trong 7 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh do Sở Công thương tỉnh bình chọn, có tới 3 sản phẩm nước chấm. Doanh nhân Đặng Thị Hồng- Chủ DNTN Sản xuất nước chấm Hòa Hiệp, cho biết: “Kinh nghiệm người tiêu dùng cảnh giác với nước tương có 3MCPD, DN đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và quyết định tung ra sản phẩm nước tương protein “không có 3MCPD”. Nước tương protein và nước mắm 60 độ đạm là 2 sản phẩm của DN được bình chọn tiêu biểu của tỉnh”.

Nước mắm Gia Hỷ 60 độ đạm của DNTN Hồng Hương cũng được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu. Theo doanh nhân Nguyễn Minh Vũ- Chủ DN: “Đó là kết quả của quá trình mạnh dạn đầu tư quy trình sản xuất hiện đại, cải tiến mẫu mã và chất lượng, theo quy trình ISO 22000. Các DN sản xuất nước chấm ở Vĩnh Long đã cùng nhau xây dựng thương hiệu, giữ uy tín, nên được người tiêu dùng tin cậy. Chúng tôi tự tin với sản phẩm của mình sản xuất theo phương pháp truyền thống, nói không với phụ gia và chất bảo quản”.


DNTN Hồng Hương đầu tư cơ sở, dây chuyền sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn ISO 22000

Khẳng định thương hiệu

Sự tự tin của doanh nhân Nguyễn Minh Vũ là thực tế, bởi theo ông: “Nước mắm 60 độ đạm là sản phẩm mới, không phải ai cũng sản xuất được. Người tiêu dùng ngày càng coi trọng sức khỏe, đòi hỏi bữa ăn phải chất lượng. Đây là sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ăn ngon, ăn an toàn của họ”. Bà Đặng Thị Hồng thì cho rằng: “Sản phẩm nước mắm, nước tương sản xuất theo quy trình truyền thống. Mình ủ đúng thời gian, chủ động chọn nguyên liệu, cho ra sản phẩm từ những bồn cá tốt nhất. Người tiêu dùng ăn đúng giá trị của nó”.

Hiện nay, bên cạnh thị trường truyền thống ở khu vực ĐBSCL, các sản phẩm này đã có mặt trên kệ của các siêu thị lớn như Co.op Mart, Citi Mart… đến với bữa ăn nhiều gia đình khắp cả nước.


Doanh nhân Đặng Thị Hồng giới thiệu sản phẩm nước mắm 60 độ đạm của Hòa Hiệp.

Nhưng phía trước còn nhiều thách thức, đối với DNTN Hồng Hương, ông Vũ nói: “Tôi lo dữ lắm. Sản phẩm của mình kiên quyết nói không với chất phụ gia- được coi là đột phá lớn, chất lượng tốt nhưng mùi vị mặn hơn, nên người tiêu dùng chưa chú ý lắm”. Thực tế, sản phẩm nước chấm truyền thống từng bị rúng rính vì sản phẩm nước chấm công nghiệp mạnh về quảng bá, nhưng những người tâm huyết vẫn giữ phương pháp sản xuất truyền thống. Nói như bà Hồng: “Nhiều người nói với tui nước mắm phải mặn, chứ lạt nhách ăn sao được. Vì là sản phẩm không chất bảo quản, không phụ gia, nên có thể không bằng các sản phẩm cùng loại khác, nhưng chất lượng luôn đảm bảo. Sản phẩm 60 độ đạm đã được thị trường chấp nhận, đó là một quá trình khó khăn, nhưng tôi tự tin vào lợi thế truyền thống của mình”.

Mở một lối đi riêng trong sản xuất kinh doanh giai đoạn khó khăn đã khó, để đi đúng hướng giữ vững sản xuất và được thị trường chấp nhận lại rất nhiều thách thức. Ông Điền Hòa Tâm đúc kết một kinh nghiệm: “Nắm bắt cơ hội rất quan trọng, khi mình tận dụng nó thì mới phát huy được lợi thế”.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC – TẤN ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh