Kỳ 2: Điều cần cho làng nghề

10:09, 13/09/2012

Trong khi làng nghề còn trong cảnh “chiều tà” ảm đạm thì nhiều chủ lò tỏ vẻ lạc quan. Họ tin rằng, thời điểm này có thể gọi là làng nghề “đang chết” nhưng cũng có thể là một bước ngoặt để thay đổi. Thay đổi để tự làm mới, khẳng định nét đặc trưng “của mình”- hễ nói đến gạch là phải gạch Mang Thít…

>> Kỳ 1: Đâu rồi những ngọn khói lò?


Trong khi làng nghề còn trong cảnh “chiều tà” ảm đạm thì nhiều chủ lò tỏ vẻ lạc quan. Họ tin rằng, thời điểm này có thể gọi là làng nghề “đang chết” nhưng cũng có thể là một bước ngoặt để thay đổi. Thay đổi để tự làm mới, khẳng định nét đặc trưng “của mình”- hễ nói đến gạch là phải gạch Mang Thít…


Để lò gạch đỏ lửa và làng nghề tồn tại, cần lắm tấm lòng, sự quý trọng nghề...

“Gạch mình là số một”

Gạch ra lò cả tháng trời bán không được nhưng nhiều chủ lò kiên quyết không hạ giá. Anh Ngọc Tín- chủ lò gạch ở xã Nhơn Phú bộc bạch: Nghề sản xuất gạch ngói là nghề gia truyền, công nghệ và nguồn nguyên liệu đã được ông bà, cha chú đúc kết mà thành. Do đó có thể nói, sản phẩm gạch ngói ở địa phương đảm bảo là hoàn thiện nhất. Nếu do bán không được mà hạ giá thì chẳng khác nào tự mình “nói xấu” mình. Vì vậy, dẫu có ít người mua nhưng vẫn phải giữ giá để khẳng định. “Tuy công nhân đã nghỉ nhiều, không còn ai làm nhưng gia đình vẫn quyết giữ nghề. Coi đó như một món quà tinh thần, lòng đam mê và sự tôn trọng những người khai sinh nghề làm gạch ngói”- anh nói.

Trong khi đó, ông Mười Mai- một người có bề dày kinh nghiệm sản xuất gạch ngói ở xã Chánh An khẳng định: “Gạch mình là số một”. Ông giải thích rõ ràng từng loại lò, từng công nghệ và đem ra so sánh từng sản phẩm. Ông ví dụ, đối với lò đốt một chiều, thời gian đốt ngắn trong thời gian gần đây sẽ cho ra loại gạch có màu sắc gần giống với gạch bản địa. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ sẽ thấy sản phẩm này có… đầu nhỏ đầu to, bản thân viên gạch cũng bị tình trạng “nhiễm gió” (đốt chín đang nóng nhưng đem ra ngoài không khí nhanh, xảy ra hiện tượng nóng lạnh bất thường) nên chất lượng thấp. Còn “gạch mình” sử dụng công nghệ hơn 100 năm kinh nghiệm bằng lò đảo lửa, nguyên liệu đất thích hợp, sử dụng nguyên liệu trấu hiệu quả. Cả 3 yếu tố đó đã làm nên tên tuổi của gạch Mang Thít. “Dù có bỏ xuống nước, xây âm xuống đất bao nhiêu năm cũng không sợ mục,… Đem so sánh giá trị, chất lượng thì khẳng định không nơi nào có thể sản xuất được, không đâu có được chất lượng như gạch mình…”


Làm nghề nuôi nghề và…

Dù khó khăn trong sản xuất, đầu ra cho sản phẩm nhưng nhiều chủ lò vẫn kiên trì chờ đợi, trông mong sẽ có lúc làng gạch ngói sẽ sống lại như xưa. Anh Kha- chủ lò gạch ở xã An Phước cho biết, hiện cơ sở có 2 miệng lò với quyết tâm giữ lại nghề truyền thống của gia đình. Hiện anh ra lò nào thì bán hết lò đó mới đốt lò mới. Nếu nhân công không còn thì mình tự làm. “Làm chủ rồi tự làm công, cũng giống như người nông dân sống bám lấy ruộng đồng. Rồi cũng có ngày nhu cầu sẽ tăng trở lại, người mua lại quay về với gạch Mang Thít, quay về với chất lượng từ lâu đã được khẳng định. Nhiều chủ lò do có lòng tin nên cũng cố gắng làm thêm một nghề mới để “nuôi” lại nghề gạch. Chẳng hạn như anh Chung- chủ lò gạch ở xã An Phước cũng “khéo co” khi phá dỡ một số trại để nuôi gà công nghiệp. Một phần là tăng thu nhập trong lúc gạch chờ người mua. Mặt khác cũng để duy trì cái nghề gia truyền lâu đời trong gia đình.

Theo ông Mai, thời điểm này có thể nói là làng gạch ngói đã chết mà cũng có thể là không. Chết là vì tình trạng ảm đạm mua bán, nhiều cơ sở giải thể, chết là do không còn thu hút lao động, không còn đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Nhưng không chết là ở chỗ, trong làng nghề còn rất nhiều chủ lò vẫn có niềm tin khôi phục, vẫn còn khao khát sáng tạo, hết lòng gởi những đam mê vào trong từng viên gạch. Và đặc biệt, sẽ cho thấy sự đổi mới tư duy trong cách làm và nhất là sẽ khẳng định “một lần nữa” thương hiệu nổi tiếng: gạch Mang Thít. Ông cho rằng, cho dù bất cứ công nghệ nào khác làm ra viên gạch bằng đất sét cũng không bằng gạch Mang Thít. Do đó, cho dù tỉnh, địa phương, từng chủ lò nghiên cứu thêm công nghệ mới, chẳng hạn như lò đốt không khói, để khôi phục làng nghề cũng quyết không từ bỏ “công nghệ do cha ông đúc kết, truyền lại- lò đảo lửa”.

Trong khi đó, cái cần làm cho làng nghề là một sự quan tâm hơn từ các ngành, các cấp quản lý. Cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để đưa “gạch mình” đến với thị trường một cách rộng mở, có khoa học. Theo bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương tỉnh: Tuy làng nghề gạch ngói chưa vào một hội nào nhưng bao nhiêu năm hình thành và phát triển cũng đã đủ khẳng định “thương hiệu”. Tuy nhiên, từ bấy lâu quảng bá sản phẩm vẫn là việc “tự ai nấy làm” nên cho dù chất lượng tốt cũng chưa chắc cạnh tranh nổi. Qua đó để thấy rằng, để giữ được làng nghề, ngoài lòng yêu nghề từ chính những chủ lò, từ chính những tìm tòi học hỏi, nghiên cứu công nghệ mới thì cũng cần có được sự quảng bá rộng rãi. Từ đó sẽ khẳng định lại chất lượng và giá bán là hài hòa, không thể đem so sánh với sản phẩm kém chất lượng hơn. Vị thế của một thương hiệu là thế,…

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nghiên cứu công nghệ mới tránh ô nhiễm môi trường, còn phải tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cũng phải quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất,… thì làng nghề mới có nhiều khả năng khôi phục lại như xưa…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh