Về Mang Thít thăm làng nghề gạch ngói trong thời gian gần đây, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Cái cảnh nhộn nhịp, sôi động của làng nghề dường như “ngất lịm”. Nhưng nhiều chủ lò vẫn kiên quyết bám nghề, làm sống lại làng nghề theo một cách mới, một cách riêng…
Về Mang Thít thăm làng nghề gạch ngói trong thời gian gần đây, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Cái cảnh nhộn nhịp, sôi động của làng nghề dường như “ngất lịm”. Nhưng nhiều chủ lò vẫn kiên quyết bám nghề, làm sống lại làng nghề theo một cách mới, một cách riêng…
Làng gạch ngói ở kinh Thầy Cai một thời vang bóng, nay chỉ còn lác đác vài ngọn khói lò…
Suốt tuyến Đường tỉnh 902 hướng về Mang Thít, cảm nhận đầu tiên là làng nghề gạch ngói đã hết rồi thời hoàng kim. Nhiều miệng lò còn mới đỏ au nhưng pha lẫn những gam màu tối vì không còn nghi ngút khói lửa…
Nhắc lại thời “ông hoàng”
Vùng đất Mang Thít từ xưa vốn được xem là có nhiều tiềm năng về đất sét. Do nằm giữa hai con sông lớn là Cổ Chiên và Mang Thít nên có nhiều thuận lợi cho cả đường thủy, đường bộ. Người dân trong vùng đã tận dụng các điều kiện trên để hình thành và phát triển làng nghề gạch ngói có thể nói là lớn nhất nhì trong nước. Thời hoàng kim, có khi đến trên dưới 2.000 miệng lò, làng nghề được ví như một cụm công nghiệp thu hút hàng chục ngàn lao động, đồng thời được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, làng nghề gạch ngói Vĩnh Long hình thành hơn 150 năm qua. Những ngày đầu mới hình thành, chỉ có một vài miệng lò hoạt động nhỏ lẻ, năng suất cũng không cao. Tuy các huyện Long Hồ, Vũng Liêm cũng có nhiều cơ sở sản xuất gạch ngói hoạt động song không nhiều, không tập trung như ở Mang Thít. Có lúc, chỉ riêng số lò ở Mang Thít cũng đủ cung cấp lượng gạch ngói cho nhu cầu xây dựng cả vùng đồng bằng, thậm chí là “vi vu” lên tận Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và cả các tỉnh miền Trung,…
Cảnh “xế chiều” làng nghề
Chúng tôi trò chuyện với ông Sơn trong một buổi chiều mưa rả rích, bầu trời tối sầm. Nhìn miệng lò đang cháy đỏ rực, ông nói: Lò này đốt cho “đỡ ghiền” chứ ra mẻ này chắc phải bán cả tháng mới hết. Ngoài kia còn mấy chục muôn gạch (1 muôn bằng 1.000 viên) chưa bán được. Có khi nằm dài trên võng uống chục bình trà mỗi ngày cũng không thấy ai ghé hỏi mua. Không chỉ riêng gia đình ông, cả một “xóm lò” ở khu này đều như thế. Có lò đã đăng ký lên doanh nghiệp sản xuất thì xin “rút” lại còn cơ sở, còn nếu là cơ sở thì có khi đã ngừng hoạt động luôn…
Nói về cái “đang chết” của làng nghề, ông Thắng- chủ một cơ sở sản xuất gạch ở xã An Phước thở dài, nói tỏn gọn một câu: “Cạnh tranh không lại”. Đó là cạnh tranh về giá cả chớ theo ông, gạch “của mình là tốt nhất”. Ông trăn trở: “Thời gian gần đây, gạch ngói Mang Thít chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại gạch từ Tây Ninh, Đồng Tháp do giá của họ rẻ. Về đến tận vùng này mà còn thấp hơn đến vài ba trăm đồng một viên. Bỏ qua chất lượng, người có nhu cầu hễ ở đâu rẻ thì họ mua. Kết quả, gạch mình nằm dài chất thành đống không ai hỏi, gạch xứ khác có đơn đặt hàng liên tục, gọi là có xe chở tới nhà…”
Lò gạch hoffman đang được xây tại Mang Thít. Ảnh: HÙNG HẬU
Trong khi đó, cô Kim Anh- chủ lò gạch ở xã An Phước than thở, giá trấu mấy năm gần đây liên tục “trở chứng”, có khi đội lên hơn 1.000 đ/kg. Cô tính nhẩm, giá mỗi viên gạch sống khoảng 300đ, cộng tiền trấu, công thợ, hao hụt,… giá thành khoảng 1.400 đ/viên. Trong khi gạch từ nơi khác tới chỉ 900 đ/viên. “Bán thì lỗ, không bán thì ôm cục vốn không hồn. Chủ lò gạch còn khó huống hồ chi công nhân? Từ đó mới có chuyện công nhân bỏ đi làm cho công ty, xí nghiệp. Không biết bằng công nghệ gì mà gạch từ nơi khác có giá thấp hơn mình đến thế…?”
Hiện làng nghề gạch ngói Mang Thít có: Làng nghề truyền thống sản xuất gạch- gốm xã Mỹ An với 160 cơ sở; làng nghề truyền thống sản xuất gạch- gốm xã Mỹ Phước với 236 cơ sở; làng nghề sản xuất gạch xã Hòa Tịnh với 150 cơ sở; làng nghề sản xuất gạch xã Nhơn Phú với 510 cơ sở; làng nghề sản xuất gạch- gốm xã An Phước với 122 cơ sở; làng nghề sản xuất gạch xã Chánh An với 31 cơ sở. |
Do đặc điểm của làng nghề là nằm dọc theo những con sông lớn nên sử dụng phương tiện ghe xuồng là chính. Trong khi đó, mấy năm gần đây, do nhu cầu nhanh, gọn nên người mua thường chọn khâu vận chuyển bằng đường bộ. Gia đình bác Năm Em (xã Nhơn Phú) nhớ lại, nhà có 2 chiếc ghe trọng tải lớn dành cho đi gạch sống bán cho lò, rồi chở gạch chín bán lại cho người có nhu cầu, ăn ở luôn dưới ghe. Song, giờ cả nhà dọn lên bờ sống.
Nhìn cảnh chiều tà trên bờ sông Nhơn Phú mà nhớ lại thời vàng son một thời của vùng gạch ngói nơi đây…
Kỳ 2: Điều cần cho làng nghề
Bài, ảnh: KHÁNH DUY- NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin