Từ một tỉnh thuần nông, trong những năm gần đây, Vĩnh Long đang phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và đặc biệt là xây dựng các khu- tuyến công nghiệp để thu hút đầu tư, nhằm đưa công nghiệp Vĩnh Long phát triển lên tầm cao mới.
KCN Hòa Phú thu hút nhiều nhà đầu tư nhờ lợi thế về vị trí, chính sách ưu đãi.
Từ một tỉnh thuần nông, trong những năm gần đây, Vĩnh Long đang phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và đặc biệt là xây dựng các khu- tuyến công nghiệp để thu hút đầu tư, nhằm đưa công nghiệp Vĩnh Long phát triển lên tầm cao mới.
Thành quả đạt được
Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh hiện quản lý 2 KCN và 1 tuyến công nghiệp (TCN) với 31 nhà đầu tư, tổng số vốn gần 2.960 tỷ đồng và hơn 120 triệu USD. Trong đó nổi bật nhất là KCN Hòa Phú đã có 100% diện tích đất CN với 16 dự án đang hoạt động. Giai đoạn 2 KCN Hòa Phú đang triển khai xây dựng và mời gọi đầu tư. Trong khi đó, KCN Bình Minh đã hoàn thành cơ bản. Nhà máy xử lý nước thải đang được xây dựng với công suất 2.200m3/ngày đêm, sẽ phục vụ 100% nhu cầu xử lý nước thải trong KCN. Riêng tuyến CN Cổ Chiên (Khu IV) đã lấp đầy 100% diện tích đất CN với tổng vốn đăng ký khoảng 1.394 tỷ đồng và 7,4 triệu USD, hiện có 2 dự án đã đi vào hoạt động...
Theo ông Đặng Quang Tấn- Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN, tuy tình hình kinh tế vài năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư vẫn có kết quả khả quan. Theo ông, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, lao động,… nên cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu. Trong 8 tháng đầu năm 2012, Ban Quản lý Các KCN đã tiếp xúc, làm việc với 9 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án ở KCN Bình Minh là Công ty CP Công nghệ Kim Cương Xanh và Công ty TNHH In Mekong, tổng mức đầu tư lần lượt là 14 triệu USD và 20 tỷ đồng.
Bên cạnh, giá trị sản xuất của các DN hoạt động trong các KCN- TCN trên địa bàn ngày càng chiếm tỷ trọng cao trên tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Trong năm 2011, giá trị đã đạt mức trên 2.000 tỷ đồng, tăng 51,4% so năm 2010 và chiếm 47% giá trị sản xuất toàn ngành. Trong 8 tháng đầu năm 2012, cũng đạt hơn 1.972 tỷ đồng. Đặc biệt là giải quyết cho hàng chục ngàn lao động cả trong và ngoài tỉnh…
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN, những tháng đầu năm đã có 10 dự án đăng ký với tổng mức đầu tư trên 1.167 tỷ đồng. Trong đó có 2 nhà đầu tư nước ngoài khoảng 15 triệu USD. Theo ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng những gì làm được là rất đáng trân trọng. Ông cho biết, trung tâm này đã làm rất nhiều việc để giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư về tỉnh. Đặc biệt, hiện nay số lượng nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu tăng hơn so với các năm trước. Đây là dấu hiệu tốt cho sự phát triển kinh tế CN của tỉnh.
Kinh tế CN lên tầm cao mới
Theo quy hoạch định hướng phát triển ngành CN tỉnh, tốc độ tăng trưởng sẽ đạt khoảng 24- 25%/năm (giai đoạn 2011- 2015) và khoảng 22% (giai đoạn 2016- 2020). Trong đó, giá trị sản xuất CN giai đoạn 2016- 2020 sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 31% trên tổng GDP toàn tỉnh. Những năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển nhiều các ngành CN gắn liền với thế mạnh của tỉnh như nguồn nguyên liệu, lao động,… Riêng giai đoạn 2016- 2020 sẽ phát triển các ngành CN có lựa chọn, ưu tiên những ngành có vốn đầu tư lớn, CN có sử dụng nhiều chất xám, ngành CN sử công nghệ cao, các ngành CN phụ trợ,… Hiện các sở, ban ngành đã và đang làm nhiều việc để thu hút mời gọi đầu tư phục vụ phát triển CN tỉnh nhà. Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Ban Quản lý các KCN và các ngành cũng đã thực hiện thẩm tra, điều chỉnh, kiểm tra các dự án đã cấp giấy chứng nhận; rà soát các dự án quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hình thành các khu đất sạch để sẵn sàng tiếp nhận các dự án;…
KCN Bình Minh với vị trí thuận lợi cả đường bộ và đường thủy.
Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch đề ra, tỉnh Vĩnh Long cần phải làm nhiều việc. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thẳng thắn mà nói thì công tác thu hút vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn chưa có DN nào có quy mô lớn, nhất là các DN nước ngoài có công nghệ hiện đại, có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy phát triển các ngành khác. Ngoài ra, thủ tục hành chính tuy đã cải thiện nhiều nhưng vẫn còn chậm và chồng chéo, sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa đồng bộ nên kéo dài thời gian, làm doanh nghiệp phải chờ đợi. Bên cạnh, ông Đặng Quang Tấn cho rằng, quy định luật thuế thu nhập thay đổi làm nảy sinh vướng mắc về ưu đãi thuế hoặc bị truy thu làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Ngoài ra khâu bồi hoàn giải tỏa còn tồn đọng, kéo dài,… cũng khiến cho các KCN trong tỉnh kém sự hấp dẫn. Do đó, các ngành hữu quan cần kết hợp để tập trung giải quyết công tác bồi hoàn giải tỏa nhằm tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, nhất là những hộ còn lại trong KCN Bình Minh, khu IV tuyến CN Cổ Chiên. “Trong những tháng còn lại năm 2012, Ban Quản lý Các KCN phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư. Hiện KCN Hòa Phú giai đoạn 2 có chính sách giảm 10% giá thuê đất cho 3 nhà đầu tư đầu tiên với điều kiện là phải thuê từ 5ha trở lên, thanh toán trả 1 lần cho hết thời gian thực hiện dự án 50 năm.
Ngoài ra, một số ý kiến nhận định, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh CN hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, Vĩnh Long cần nhanh chóng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các KCN- TCN, hạ tầng giao thông,… Đặc biệt, cần có giải pháp phù hợp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm đưa Vĩnh Long vào “bản đồ đầu tư” của các doanh nghiệp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin