Ngay khi kết thúc đợt thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vụ hè thu 2012, giá lúa nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL bắt đầu tăng mạnh và hiện ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, hầu hết nông dân trồng lúa không cảm thấy vui vì đã bán hết ngay khi thu hoạch lúa giá thấp. Nay giá lúa tăng nông dân không còn lúa, trong khi doanh nghiệp và thương lái “ôm đầy kho”. Một lần nữa,
Ngay khi kết thúc đợt thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vụ hè thu 2012, giá lúa nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL bắt đầu tăng mạnh và hiện ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, hầu hết nông dân trồng lúa không cảm thấy vui vì đã bán hết ngay khi thu hoạch lúa giá thấp. Nay giá lúa tăng nông dân không còn lúa, trong khi doanh nghiệp và thương lái “ôm đầy kho”. Một lần nữa, việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo bộc lộ nhiều bất cập, trong đó nông dân luôn chịu thiệt.
Giá tăng, ai hưởng lợi?
Hiện lúa phẩm cấp thấp IR 50440 tại ĐBSCL đang ở mức 5.000 - 5.200 đồng/kg (tươi), lúa khô lên đến 5.700 - 5.800 đồng/kg; lúa hạt dài chất lượng cao từ 5.900 - 6.000 đồng/kg... Giá gạo nguyên liệu các loại tại chợ gạo Cái Răng, Thốt Nốt (Cần Thơ); Sa Đéc (Đồng Tháp); Cái Bè (Tiền Giang)… cũng lên đến 7.600 - 7.900 đồng/kg.
Ông Liêu Phương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), chuyên thu mua lúa ở các tỉnh ĐBSCL về xay xát bán gạo cho doanh nghiệp, giải thích: “Giá tăng cao nhưng hiện lúa hè thu trong dân gần như đã hết nên mua không được nhiều. Một số vùng ở Sóc Trăng, Kiên Giang mới có lúa thu đông sớm đang thu hoạch giá cao nhất 5.200 đồng/kg do lúa đẹp và thuận lợi vận chuyển”.
Đến nay, hầu hết 1,6 triệu ha lúa hè thu tại ĐBSCL đã thu hoạch gần xong, đa phần nông dân bán hết lúa ngay tại ruộng để có tiền trang trải cuộc sống, trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu, đầu tư vụ thu đông… Nay giá lúa tăng cao, nông dân chỉ còn biết tiếc rẻ.
|
Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng thu nhập người trồng lúa thuộc loại… nghèo nhất! |
Nông dân Nguyễn Văn Bé Hai (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) bộc bạch: “Gia đình tui trồng 4ha lúa hè thu. Lúc thu hoạch xong vì cần tiền trả nợ và không có điều kiện dự trữ nên bán hết tại ruộng chỉ có 4.000 đồng/kg. Với giá hiện nay, mỗi ký lúa bị mất từ 1.000 - 1.200 đồng”. “Vua” sản xuất lúa giống Dương Văn Châu, (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh) phản ánh, hiện lúa tươi IR 50404 được thương lái mua giá 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa khô 5.900 - 6.000 đồng/kg. Nhưng tiếc một điều, nông dân đã bán lúa hết ngay từ khi mới thu hoạch chỉ có 3.800 - 3.900 đồng/kg. Trong khi đó, những thương lái có vốn dự trữ lớn và doanh nghiệp hốt bạc vì đã gom lượng lúa rất nhiều từ khi còn giá thấp, ế ẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp còn được hưởng chính sách ưu đãi về vốn, hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ”.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng lâu nay người dân ĐBSCL không có điều kiện tạm trữ lúa tại nhà, nhất là vụ hè thu hầu như nông dân không còn lúa bán. Đa số lúa nằm trong tay thương lái và doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8 vừa qua, từ 40 - 45 USD/tấn. VFA khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vội vã ký hợp đồng bán gạo giá thấp, do thị trường đang có nhiều thuận lợi.
Trông “bạn” mà nghĩ đến ta!
Trên thực tế, trong thời gian các doanh nghiệp đang thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vụ lúa hè thu, theo chủ trương của Chính phủ nhưng giá lúa vẫn ở mức thấp. Nông dân bán được 4.200 - 4.500 đồng/kg lúa tươi, 5.000 - 5.200 đồng/kg lúa khô. Trong khi đó, chi phí sản xuất vụ hè thu tại ĐBSCL từ 4.000 đồng/kg trở lên. Rõ ràng một lần nữa, đa phần nông dân trồng lúa chưa được hưởng lợi hoặc hưởng rất ít từ chính sách thu mua tạm trữ của nhà nước…
Hiện nay, Thái Lan tập trung thực hiện chính sách trợ giá lúa gạo cho nông dân. Về vấn đề này, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Chính sách trợ giá cho nông dân đã làm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng cao, có thể mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thái Lan có thể đứng sau Việt Nam trong xuất khẩu gạo, nhưng nông dân của họ được hưởng lợi từ chính sách trợ giá. Còn Việt Nam tuy đứng đầu nhưng giá thu mua lúa thấp hơn năm trước nên không giúp nông dân cải thiện thu nhập. Vừa qua, Cục Lúa gạo Thái Lan sang thăm Viện Lúa ĐBSCL và họ chia sẻ rằng Thái Lan không quan tâm đến vị trí nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo, vấn đề quan trọng là nông dân được hưởng lợi”.
Ông Dương Nghĩa Quốc thông tin thêm, trong chuyến công tác vừa qua tại Thái Lan, các quan chức, chuyên gia ngành nông nghiệp của họ khẳng định: “Thái Lan đang vận động liên kết với các cường quốc xuất khẩu gạo cam kết giữ giá lúa gạo, không bán giá thấp, phá giá. Từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, hài hòa chuỗi giá trị…”.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học… gắn bó lâu năm với ĐBSCL cho rằng không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay thứ nhì trong xuất khẩu gạo, cần dành sự quan tâm đến chính sách phát triển dài hạn và lợi ích lâu dài của nông dân. Vị trí nhất hay nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc, đó có thể là một cái bẫy với nhiều ảo tưởng và mang lại nhiều rủi ro. Lợi ích trong dài hạn phải thuộc về nông dân, bảo đảm tốt nhất cho an ninh lương thực quốc gia…
Việc phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay không hợp lý. Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam rất lớn nhưng thu nhập của người trực tiếp trồng lúa vẫn thấp, thuộc loại nghèo nhất. Theo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nông dân sản xuất lúa chủ yếu bán cho thương lái và chỉ nhận được 22,3% tổng thu nhập trong toàn chuỗi; lợi nhuận bình quân của người trồng lúa chỉ tương đương 316.250 đồng/người/tháng. Trong khi ngưỡng nghèo hiện nay là 400.000 đồng/người/tháng. Kết quả so sánh mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của hạt lúa từ ĐBSCL, do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy các nhiệm vụ: Ổn định lương thực quốc gia, cải thiện quan hệ quốc tế, khắc phục thiên tai, phát triển giao thương quốc tế… đạt từ 6 đến 10 điểm. Trong khi nhiệm vụ cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa chỉ đạt 5 điểm. |
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin