Sự kiện trái cây Trung Quốc- loại sản phẩm chiếm thị phần lớn ở thị trường Việt Nam- “dính” tới hóa chất bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu là cơ hội tốt để trái cây nội lấy lại lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, theo ý kiến nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp, rất khó để làm được điều này vì sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này rất
Sự kiện trái cây Trung Quốc- loại sản phẩm chiếm thị phần lớn ở thị trường Việt Nam- “dính” tới hóa chất bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu là cơ hội tốt để trái cây nội lấy lại lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, theo ý kiến nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp, rất khó để làm được điều này vì sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này rất thiếu.
Trái cây “made in Vietnam” cần được quan tâm đầu tư về chất và lượng. Ảnh: VINH HIỂN
|
Cơ hội “đánh bật” trái cây Trung Quốc đã lỡ?
Chưa bao giờ trái cây “made in Trung Quốc” lại tung hoành dữ dội tại thị trường Việt Nam như hiện nay. Chỉ trong vòng 2 tháng qua (giữa tháng 6/2012 đến giữa tháng 8/2012), ít nhất đã có 2 vụ lùm xùm (được cơ quan chuyên môn ghi nhận) quanh việc trái cây Trung Quốc liên quan đến chất bảo quản và dư lượng thuốc trừ sâu.
Vào giữa tháng 6/2012, sự kiện táo Fuji Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam bị phanh phui vì được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại. Sau sự kiện đình đám này, người tiêu dùng trong nước đã tẩy chay sản phẩm táo Fuji của Trung Quốc mà theo các nhà chuyên môn, đây là một cơ hội tốt để trái cây Việt Nam quảng bá hình ảnh; lấy lại lòng tin ở người tiêu dùng và tạo thoái quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nội địa.
Khi sự kiện táo Fuji Trung Quốc được trồng bằng công nghệ tẩm thuốc sâu độc hại bị phanh phui vẫn tưởng các nhà quản lý (đặc biệt là quản lý nhập khẩu) sẽ có động thái rõ rệt để bảo vệ cho trái cây nội địa. Thế nhưng, chỉ khoảng 2 tháng sau đó, một lần nữa nho Trung Quốc lại ồ ạt tràn vào Việt Nam và được gắn vào “mác” nho Mỹ để tung ra thị trường với giá bèo, mà sau đó cũng phát hiện có chứa dư lượng thuốc sâu. Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, đã phát hiện 3 mẫu trái cây, rau củ của Trung Quốc có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, từ 3- 5 lần. Trong đó, có 2 mẫu nho Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai phát hiện có chứa chất difenoconazole và 1 mẫu khoai tây nhập khẩu qua cảng Sài Gòn có chứa dư lượng chlorpyrifos ethyl.
Lúc này mới thấy ngành nông nghiệp có động thái: Quả tươi, cây, cỏ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra chặt chẽ kể từ tháng 9 tới. Tuy nhiên, hành động này có ngăn được trái cây kém chất lượng của Trung Quốc vào Việt Nam hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam lo ngại, trái cây Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tràn vào Việt Nam. Ông nói: “Người tiêu dùng nông thôn, người nghèo sẽ còn ăn trái cây Trung Quốc bởi vì người ta không tiếp cận được thông tin về những mối nguy hại của loại trái cây này và người ta rất nghèo. Trái cây Trung Quốc ăn không ngon, không an toàn nên không “đứng” được ở thành thị mà “chạy” về các chợ nghèo ở nông thôn và rất khó để loại bỏ được”.
Quản lý “hỏng”, đầu tư kém
Một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao trái cây Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam nhiều như vậy?” Tiến sĩ Hồ Văn Chiến- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: “Mình không có kiểm tra chất lượng ngay tại cửa khẩu mà chỉ mới có kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu thôi. Cho nên sản phẩm về tới chợ rồi bán ra thị trường, khi kiểm tra, phát hiện sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì cũng quá muộn rồi”. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu thì cho rằng: “Sở dĩ trái cây Trung Quốc qua mình một lượng quá lớn như vậy là vì nó có vùng chuyên canh rất lớn, giá rẻ. Còn mình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, con người đều có hết nhưng không có vùng chuyên canh (ngoại trừ thanh long Bình Thuận, khóm Tân Phước) đã gây cản trở cho sự cạnh tranh của trái cây Việt Nam bấy lâu nay”.
Chính việc thiếu quan tâm đầu tư cho lĩnh vực cây ăn trái là nguyên nhân khiến trái cây nội địa thua kém trái cây ngoại, thậm chí thua ở cả thị trường nội địa, dù được đánh giá là có nhiều trái ngon như: sầu riêng cơm vàng hạt lép, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh… “Vấn đề này viện đã trình bày rất nhiều lần lên bộ- cơ quan chỉ đạo của các tỉnh nhưng mà việc hình thành vùng chuyên canh vẫn chưa có, chưa có vùng chuyên canh thì năng lực xuất khẩu của mình cũng chỉ bấy nhiêu đó thôi, đó là lượng. Còn vấn đề chất, thế giới cũng rất là quan ngại những nước đang phát triển như Việt Nam vì chất lượng của mình thuộc vào nhóm người ta… “hơi quan ngại”- Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cho biết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, chỉ có quản lý nhà nước mới sửa được thôi, còn viện chỉ có việc xây dựng quy trình phòng trừ sâu bệnh, quy trình bảo quản trái cây, giống mới chứ không thể quản lý thuốc bảo vệ thực vật, không có quyền ra chợ kiểm tra, không có quyền qua vùng kế bên tịch thu cây giống (những điểm bán cây giống xung quanh Viện Cây ăn quả miền Nam) dù nó bán cây của viện.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, hình ảnh trái cây Việt Nam có thể tăng lên nếu các nhà quản lý kiên quyết hơn. Chẳng hạn, tuyệt đối không bán thuốc sâu ngoài doanh mục ra thị trường, không bán giống cây trôi nổi. “Muốn cải thiện hình ảnh này thì phải liên kết mạnh mẽ hơn nữa trong nông dân, giữa nông dân với Nhà nước, chứ để cái hướng phát triển như bức tranh hiện nay thì nó cũng có bước tiến nhưng chậm lắm. Phải làm theo kiểu hợp tác xã bởi vì cái sự cộng đồng đó mới mạnh được, mới có nguồn nguyên liệu lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cho biết.
Một khi có sản phẩm an toàn, vấn đề còn lại là đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch vì đây cũng là một trong những yếu tố làm cho trái cây Việt Nam tiêu thụ dễ dàng hơn. “Hương Miền Tây (doanh nghiệp đầu tiên được đầu tư hệ thống xử lý, đóng gói và bảo quản bưởi da xanh xuất khẩu ở Bến Tre) là một trong những cơ sở đóng gói rất tốt đối với bưởi da xanh bởi vì nó làm trái bưởi được nâng cấp một bước, bảo quản lâu hơn. Nếu tỉnh nào cũng có chừng năm ba ông như vậy thì trái cây mình cũng đỡ hơn”- Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu nói.
Trung Chánh (Tiền Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin