Trái cây nội và nghịch lý tiêu dùng

06:08, 14/08/2012

Ở các chợ từ nông thôn đến thành thị, trái cây ngoại luôn “chễm chệ” trên sạp cao, còn trái cây nội thì khiêm tốn ở một góc. Cái nghịch lý ở chỗ, tại sao trái cây trồng trong nước chưa được người tiêu dùng quan tâm, mặc dù có giá rẻ, nguồn gốc rõ ràng…


Trái cây nội được bày bán ở các vỉa hè, nhường sạp lại cho trái cây ngoại.

Ở các chợ từ nông thôn đến thành thị, trái cây ngoại luôn “chễm chệ” trên sạp cao, còn trái cây nội thì khiêm tốn ở một góc. Cái nghịch lý ở chỗ, tại sao trái cây trồng trong nước chưa được người tiêu dùng quan tâm, mặc dù có giá rẻ, nguồn gốc rõ ràng…

Tâm lý “sính ngoại”

Đến các chợ, các loại trái cây ngoại như táo, nho, bòn bon, kiwi,… được các chủ sạp trình bày đẹp mắt để thu hút khách. Các chủ sạp khéo léo chất các loại này nhẹ nhàng để tránh bị giập, vị trí trưng bày thường nằm ở trung tâm. Còn một số loại trái cây trong nước như nhãn, chôm chôm, sa bô… thì được đặt… gie ra ngoài. Chị Nguyễn Thị Lượm (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trái cây ngoại thường có màu sắc tươi, hình thức đẹp nên người tiêu dùng hay chọn để làm quà biếu, đám tiệc. Cũng có khi mua về để sử dụng, để trong tủ lạnh thấy nó… sang. Ngoài ra, trái cây nội thời gian bảo quản rất ngắn, mua về là phải ăn liền”. Chị Lượm cũng cho biết thêm, tâm lý “khoái” hàng ngoại, hàng “sang sang” như thế không phải ít. Các chủ sạp ngoài chợ cũng nắm được tâm lý đó nên lúc nào trưng bày các loại trái cây ngoại nhập cũng lựa chỗ “trang trọng”, nhằm thu hút khách hàng, dẫu có giá đắt hơn nhiều lần trái cây nội nhưng cũng có rất nhiều người mua.

Thăm dò thị trường trái cây, một chủ sạp ở chợ Long Hồ lý giải, nếu chỉ bán trái cây nội thì không ổn, phải kèm bán trái cây ngoại. Bán lâu ngày, người tiêu dùng dần thích trái cây ngoại hơn. Cho nên, khi được lên sạp thì bản thân trái cây nội phải được chọn lựa kỹ, hàng dạt là ra… ngoài đường hết. Đặc biệt là một số loại như: măng cụt, thanh long, bơ, cam sành… loại 1 mới được chọn. Còn trái cây ngoại nhập không cần tuyển chọn, “miễn mang tiếng hàng ngoại là được”. Ngoài ra, thời gian bảo quản còn là một hạn chế với trái cây nội, chỉ trưng bày vài ngày là hư hoặc héo. Bắt buộc người bán phải hạ giá, đồng lời “bấp bênh” hơn hàng nhập. Cũng vì lý do đó mà các chủ sạp thích nhập hàng nước ngoài về bán.

Các vỉa hè, lề đường nhiều năm qua như là “thánh địa” của trái cây nội. Quy trình của trái cây nội là từ vườn ra đường, ra vỉa hè, chỉ một phần nhỏ là “được… ngồi” trên sạp. Cô Lý- chủ một vườn mận An Phước ở xã An Bình cho biết: “Mấy năm đầu, khi trái mận An Phước nổi lên như một loại trái cây đắt tiền, hạng sang thì người dân còn mừng. Chứ khoảng 2- 3 năm nay, giá rẻ mạt và tràn đầy ngoài đường”. Cô cũng đặt câu hỏi, tại sao các loại táo, trái cây nước ngoài xuất hiện đã lâu mà vẫn được người tiêu dùng chọn, còn trái cây trong nước thì “ba chìm bảy nổi”, điệp khúc được mùa rớt giá,… cứ lặp đi lặp lại. “Tôi đã đốn phần lớn vườn mận để chuyển sang một số loại cây trồng khác. Không hy vọng tốt nhưng cũng mong đừng thảm hại như cây mận”.

Cần lắm những biện pháp

Theo anh Nguyễn Văn Tre- một nhà vườn lâu năm ở huyện Mang Thít, hiện trái cây nội không thể cạnh tranh với hàng ngoại cả về giá lẫn hình thức. Anh ví dụ, bòn bon Thái trồng trong nước tuy hình thức tương đối nhưng về giá bán thì “hơi nhỉnh” hơn so với hàng nhập. Anh cho rằng mức giá trong nước cao hơn do không có quy trình, không có kỹ thuật nên giá thành cao hơn. Nếu muốn “ngắt giá” bằng với hàng nhập thì việc đảm bảo hình thức hàng nội sẽ không bằng, có khi còn xấu hơn rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại trái cây trong nước không thể vào được các trung tâm thương mại, siêu thị hay trên các sạp trái cây. Nếu có cũng chỉ một phần nhỏ. Tuy hiện nay, người tiêu dùng có tâm lý sợ ảnh hưởng sức khỏe nhưng vẫn mua hàng nhập do hình thức đẹp, để được lâu và đặc biệt là thường được dùng làm quà biếu, tặng,...

Cần có những giải pháp để trái cây nội đủ sức cạnh tranh với hàng nhập. Trong ảnh: Trái cây ĐBSCL trong một hội chợ xúc tiến thương mại.

Trong khi đó, theo chị Nguyễn Thị Phương- cán bộ một cơ quan nhà nước, thực tế chất lượng trái cây trong nước ngon hơn nhưng hạn chế vẫn là trong khâu bảo quản. Đồng thời chưa có những biện pháp khuyến khích tiểu thương “bày” trái cây nội lên sạp bắt mắt. Có thể thấy như chợ Vĩnh Long, nơi có các sạp trái cây thì hầu hết đều trưng bày trái cây ngoại nhập, còn “hàng ta” chỉ được loe hoe 2- 3 sạp, chủ yếu là chuối, bưởi. Còn lại từ xoài, cóc, ổi, nhãn,… đều ở vỉa hè, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì mạnh ai nấy “bưng sìa” mà chạy. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý người mua.

Trả lời báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đánh giá: Trái cây nước ta rất phong phú về chủng loại và sản phẩm, nhưng vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu lại rất ít. Chưa có liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp... đã làm giảm thế mạnh của vùng. Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh trái cây với diện tích lớn và các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu trái cây. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thêm thông tin về thị trường tiêu thụ, giá cả để nông dân nắm bắt và có sự điều chỉnh kịp thời về quy trình sản xuất
an toàn.

 Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cho rằng: Việc liên kết giữa nông dân với nông dân trong sản xuất; giữa nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ diễn ra lỏng lẻo dẫn đến những bất lợi cho trái cây. Chính vì vậy mà kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp mỗi năm đạt mức 15,3 tỷ USD, nhưng mặt hàng trái cây chỉ chiếm hơn 400 triệu USD- một con số hết sức khiêm tốn.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh