Vừa qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND đã có buổi làm việc với ngành ngân hàng (NH) trên địa bàn xung quanh tình hình thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ. Lãnh đạo các NH đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong hoạt động. Do đó, buổi làm việc được xem là đã nhắm đúng vào những bất cập để cùng nhau giải quyết…
Vừa qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND đã có buổi làm việc với ngành ngân hàng (NH) trên địa bàn xung quanh tình hình thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ. Lãnh đạo các NH đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong hoạt động. Do đó, buổi làm việc được xem là đã nhắm đúng vào những bất cập để cùng nhau giải quyết…
Doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn với người lao động thì hoạt động ổn định (ảnh minh họa). Ảnh: VINH HIỂN
NH cũng khổ
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) mà ngay cả đến các NH cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức. Ông Phạm Thành Lộc- Giám đốc NH Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương (Vietinbank) chi nhánh Vĩnh Long cho rằng nợ xấu là cái khó nhất hiện nay. Hiện NH cũng đã chủ động họp với khách hàng để tìm hướng giải quyết, áp dụng nhiều giải pháp để tháo gỡ. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, đa số các DN hiện nay chưa thể tìm đầu ra, một số khác thì không dám mở rộng quy mô thì làm sao có tiền để trả nợ. Có thể nói, tình hình của các DN hiện nay đã rất khó khăn, nếu vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà “nhắm mắt” cho vay thì cả DN và NH sẽ đều gặp khó.
Cũng theo ông Lộc, hiện DN cũng rất “ma” khi liên tục “mất vốn”. Vì các DN có quyền mở nhiều tài khoản ở nhiều NH khác nhau. Do vậy mà NH không thể kiểm soát được, đến khi “mất vốn” thì DN cũng không giải thích được nên “đành đánh mất niềm tin” từ phía NH, có muốn cho vay nữa cũng “không dám”.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải- Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng: Một số DN nợ quá hạn, nợ xấu đã được NH tiếp xúc, tái cơ cấu nợ hoặc giúp tái cơ cấu lại toàn bộ. Tuy nhiên, NH thì có rất thiện chí nhưng có “tiếp nhận hay không đều thuộc về phía DN”. Ngoài ra, hiện nay các NH không có quyền gì trong việc giải quyết thanh lý nợ xấu, phải phụ thuộc vào cơ quan thi hành án. Do đó, hiện có cái khó là nếu khách hàng cho bán tài sản để thanh lý thì đưa giá quá cao. Còn khi áp giá thấp thì “người ta cho rằng NH và thi hành án cấu kết với nhau để hạ giá”.
Trao đổi trong buổi làm việc, ông Cao Hồng Sơn- Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho biết: Hiện nay tình hình nợ xấu gây rất nhiều khó khăn cho NH. Ví dụ như lĩnh vực bất động sản, có thể nói 99% nợ xấu rơi vào trường hợp “không hợp tác”. Thậm chí phải xuôi ngược tìm khách hàng về, có khi sang tận… Campuchia. Đây không phải là lỗi của NH mà là thuộc về khách hàng.
Ngoài ra, ông Lương Anh Dũng- Giám đốc Ngân hàng Phương Tây còn cho rằng vấn nạn “chiếm dụng vốn” đang trở thành “mode” và ngày càng phổ biến. Ông trình bày một số trường hợp chiếm dụng vốn của khách hàng nhưng NH không làm gì được và nói: “Có khi NH phải đi một tháng tới 3- 4 lần để đòi nợ nhưng họ cứ hứa rồi để đó”.
Đưa ra hướng giải quyết
Hiện các NH trên địa bàn đã thực hiện cơ bản Nghị quyết 13 của Chính phủ và chỉ đạo của NH Nhà nước. Bên cạnh đó, các NH cũng đã nhận định được khó khăn, từ đó có nhiều kiến nghị, giải pháp cụ thể để hoạt động ngành ngày càng hiệu quả. Theo ý kiến lãnh đạo một số NH, nếu DN “vướng” cùng lúc nhiều NH thì nên có sự trao đổi, phối hợp nhau để tìm hướng giải quyết. Ngoài ra, đề nghị tổ chức buổi hội thảo, gặp mặt giữa NH, DN cùng các cơ quan chức năng có liên quan. Bởi hiện nhiều DN còn vướng mắc về pháp lý, thủ tục, còn NH gặp khó trong thanh lý nợ. Có được sự gặp gỡ thiết thực này, đảm bảo sẽ mang lại nhiều kết quả và hướng giải quyết cụ thể hơn.
Ngoài ra, theo ông Đỗ Trọng Phát- Giám đốc NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho rằng: Kết quả kiểm toán ở một số DN có sự sai lệch không thống nhất. Vì vậy, một số NH nhỏ siết hạn mức lại. Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi thì đề nghị các NH “nới lỏng hạn mức”, nếu ai cũng bóp thì “bóp chỗ này thì sẽ… xì chỗ khác”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Văn Sáu, hiện có nhiều DN cũng cầm cự vượt qua được khó khăn nhưng vẫn còn nhiều DN quản trị yếu kém. Do đó hướng tới, ngành NH trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt Nghị quyết 13 của Chính phủ; cơ cấu lại nợ và thông tin rõ điều kiện để có thể tái cơ cấu nợ; xác định rõ cụ thể từng DN khó ở khâu nào, hàng tồn kho là gì và hướng khắc phục ra sao. Mặt khác, giải quyết nợ xấu cần có lộ trình, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản…
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp cũng đề nghị ngành NH phải quyết liệt, tích cực hơn nữa trong công tác hỗ trợ DN. Ngoài ra, yêu cầu một số NH nhanh chóng hạ lãi suất theo đúng chỉ đạo của NH Nhà nước; khơi thông nguồn vốn, làm tốt vai trò tham mưu, thẩm định dự án để cả NH và DN đều có lợi, đây mới là nhiệm vụ chính và quan trọng. Đồng thời tiếp tục rà soát, xem xét các khoản nợ để có hướng giải quyết cụ thể từng trường hợp.
Tính đến ngày 30/6/2012, tổng số vốn huy động trên địa bàn đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 890 tỷ đồng so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay tính đến 30/6/2012 đạt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 0,87% so đầu năm. Đồng thời nợ xấu là 1.410 tỷ đồng, tăng 258 tỷ đồng so đầu năm và chiếm 10,42%/tổng dư nợ. Trong đó, tập trung ở một số lĩnh vực như: bất động sản, nuôi trồng chế biến thủy sản, vận tải,…
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ đạo để hoạt động ngành NH đạt hiệu quả hơn: Phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của NH Nhà nước về trần lãi suất; cơ cấu nợ và chia sẻ gánh nặng cùng DN; đối với các khoản vay mới cần rà soát kỹ để tránh tình trạng nợ xấu; tập trung tháo gỡ các DN còn vướng pháp lý; quan tâm hơn nữa đến công tác hậu kiểm DN;…
|
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin