
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh (DN, HKD) cần khẩn trương chuyển đổi để tiếp tục hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Mặt khác, còn giúp DN, HKD giữ lại tên giao dịch truyền thống của mình.
Một chủ tiệm vàng đang được cán bộ Phòng ĐKKD tư vấn, hướng dẫn về chuyển đổi theo Nghị định 24.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh (DN, HKD) cần khẩn trương chuyển đổi để tiếp tục hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Mặt khác, còn giúp DN, HKD giữ lại tên giao dịch truyền thống của mình.
Nhiều băn khoăn
Chiều 15/8, các DN, HKD trên địa bàn huyện Tam Bình đã có mặt tham dự buổi triển khai các văn bản vi phạm pháp luật về quản lý và kinh doanh vàng (gồm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Thông tư 16 của NHNN, Chỉ thị số 08 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn). Đây còn là dịp các DN, HKD phản ánh băn khoăn, thắc mắc của mình trong thực hiện chủ trương mới. Theo ông Võ Thanh Lâm- Phó Phòng Nghiên cứu- Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, có trên 80% các DN, HKD tham dự các buổi triển khai, do đây là chủ trương lớn và liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của các tiệm vàng.
Băn khoăn lớn nhất của các chủ tiệm vàng là: “Nếu chuyển từ HKD lên DN phải mở hồ sơ, sổ sách kế toán. Vì trước giờ cơ sở mua bán nhỏ lẻ, làm theo kiểu gia đình quen rồi, sợ thay đổi”. Chủ tiệm vàng N.H. ở chợ Ba Càng (Song Phú) nói: “Tui thấy có nhiều cái khó. Vì trước giờ sản xuất kinh doanh kiểu gia đình, không thuê mướn người làm. Mua bán ở chợ nhỏ, khách hàng… cũng nhỏ, là bà con dòng họ, quen mua lần 1- 2 phân vàng để dành. Ai mua thì bán không ghi sổ sách gì. Quy định mua bán vàng phải lên DN, tui lo không có nhân lực, làm sẽ nhiều sai sót”.
Trong khi đó, nhiều HKD ở Bình Minh nói rằng: Nếu sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ không đủ điều kiện phải ngưng hoạt động. Đối với nhiều hộ, đây là nghề cha truyền con nối, làm ăn gia đình, không thể hạch toán kế toán. Nếu theo quy định thì một số hộ không đủ điều kiện phải mất việc làm”.
Tại các buổi triển khai, các DN, HKD đặt ra nhiều vấn đề từ thực tế. Tiệm vàng có hoạt động cầm đồ, khách hàng đem vàng đến cầm, rồi bán luôn thì có được phép mua? Cá nhân là DN mua bán vàng, có được mua vàng miếng cất giữ làm của để dành? HKD nhỏ, chỉ làm vàng nhẫn bán, muốn đóng dấu tên tiệm vàng của mình vào sản phẩm có hợp lệ? DN mua vàng của người dân không có hóa đơn chứng từ chứng minh đầu vào thì phải làm sao?...
Dù còn nhiều băn khoăn, nhưng hầu hết các DN, HKD đều cho biết sẽ cơ cấu lại hoạt động, để có phương án chuyển đổi phù hợp điều kiện của mình.
Phải khẩn trương chuyển đổi
Ông Võ Thanh Lâm cho biết, sau các đợt triển khai, các DN, HKD đã nhanh chóng thực hiện chuyển đổi. Từ phản ánh của DN, HKD, đã có kiến nghị về trên một số vấn đề như: đề nghị gia hạn thêm thời gian cho các HKD cá thể đăng ký chuyển tiếp đến 31/12/2012. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước quy định rõ thế nào là sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, do địa bàn Vĩnh Long đa số sản xuất nhỏ lẻ và cần hướng dẫn cụ thể DN theo hướng sản xuất công nghiệp.
Các HKD có nguy cơ mất tên giao dịch truyền thống do trùng tên DN khác hoạt động cùng ngành trong cả nước, nếu chậm đăng ký. Trong ảnh: Một góc chợ Vĩnh Long, nơi có nhiều DN, HKD vàng.
Thời gian chuyển tiếp của các DN, HKD vẫn còn khá rộng. Theo quy định, các DN được tiếp tục kinh doanh phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh (ĐKKD) lại với cơ quan ĐKKD; hoàn tất thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước 10/1/2013. DN đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện ĐKKD lại, hoàn tất thủ tục trước ngày 25/5/2013. Cũng từ sau ngày 25/5/2013, các tổ chức đang hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ không thực hiện đăng ký lại không được hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thơm- Phó Trưởng Phòng ĐKKD, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết khoảng 3- 4 ngày gần đây, đã có 30 DN ở các huyện Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ đến phòng ĐKKD để chuyển hoạt động từ cá thể lên DN và 5 DN đăng ký lại. Đến thời điểm này, việc cấp giấy chứng nhận ĐKKD giữa phòng ĐKKD và cấp mã số thuế kinh doanh của ngành thuế đã có sự phối hợp nhịp nhàng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HKD thực hiện việc chuyển đổi.
Ngoài việc khuyến khích các DN, HKD phải chuyển đổi đúng thời gian và hoạt động theo quy định, việc ĐKKD nhanh trong thời gian này là cần thiết. Đối với các HKD, bà Nguyễn Thị Thơm còn lưu ý, việc ĐKKD từ hộ lên DN phải đăng ký tên DN và nếu muốn giữ tên giao dịch từ trước đến nay phải đăng ký nhanh. Vì hiện nay DN đăng ký tên hoạt động đều thể hiện trên hệ thống ĐKKD quốc gia, nếu trùng lắp tên của một DN nào đó trong cả nước thì không đăng ký được. Do đó, nếu DN, HKD không đăng ký sớm sẽ dễ mất tên của DN mình và buộc phải thay đổi tên khác.
Theo Phòng ĐKKD- Sở Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục thực hiện chuyển đổi, ĐKKD lại rất đơn giản. Các DN, HKD chỉ cần có bản sao giấy chứng minh nhân dân (có công chứng) nộp trực tiếp tại phòng ĐKKD. Thời gian hoàn thành 5 ngày (tính theo ngày làm việc). Chi phí hoàn thành 815.000đ, chi phí thay đổi 735.000đ. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin