Trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất ở các doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tuy những tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi nhưng DN cũng rất cần sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và nhất là ngành ngân hàng với các giải pháp căn cơ…
DN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn mặc dù cũng có những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế (ảnh minh họa).
Trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất ở các doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tuy những tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi nhưng DN cũng rất cần sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và nhất là ngành ngân hàng với các giải pháp căn cơ…
DN liên tục gặp khó
Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, tình hình sản xuất của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đạt trên 3.800 tỷ đồng, đạt mới 48% kế hoạch năm. Sở cũng đã tổ chức gặp gỡ nhiều DN để nắm rõ tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và những vấn đề bất cập. Hầu hết các DN cho rằng, tình hình kinh tế suy thoái là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Chi phí đầu vào tăng cao, tình trạng thiếu lao động, nguồn thị trường, thiếu vốn sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động. Mặt khác, một số DN nằm trong diện hết hợp đồng thuê đất nên phải di dời, giải tỏa nên việc đầu tư máy móc, thiết bị không thể triển khai…
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều ngành từng được cho là thế mạnh của tỉnh như sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ xuất khẩu; nuôi trồng và chế biến thủy sản; đóng tàu, xà lan;… liên tục gặp khó. Nhiều DN phải co cụm để có thể duy trì sản xuất. Theo ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long cho biết, ngành thủy sản, nhất là cá tra năm nay như gặp “bão”, giá cả liên tục sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn. Diện tích nuôi ngày càng thu hẹp, người nuôi cá quá “ngán ngẩm”. “Đã có nhiều người ăn nên làm ra từ con cá, bây giờ cũng… chết vì cá. Thậm chí còn mắc nợ, trả tới… đời con cũng chưa hết”. Trong khi đó, một DN chuyên đóng xà lan ở huyện Bình Tân cũng đang tìm cách giải nguy. DN này cho biết, từ đầu năm đến nay chỉ sửa chữa tàu chứ không có một hợp đồng mới nào. DN phải tìm một hướng đi mới để giải quyết việc làm cho công nhân, duy trì sản xuất.
Ngoài việc sản xuất bấp bênh, đầu ra thiếu thì tình hình lãi suất vẫn là nỗi trăn trở của khá nhiều DN. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, đến cuối tháng 7 các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tuy đã điều chỉnh lãi suất về mức tối đa 15%/năm. Nhưng cơ cấu nợ với lãi suất trên 15%/năm vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, với mức lãi 15%/năm, nhiều DN cho rằng vẫn còn cao và chưa thể “cứu” DN thoát khỏi khó khăn. Một DN ở huyện Mang Thít cho biết, ngoài một số nhỏ nợ được cơ cấu hạ lãi thì vẫn còn một số nợ chịu lãi suất rất cao, thậm chí có món lãi 18- 20%/năm. “Với tình hình khó khăn như hiện nay và với lãi suất này, số DN còn trụ được sẽ không còn nhiều”.
Cần có giải pháp căn cơ
Nắm bắt được những khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo nhiều giải pháp để giúp các DN phục hồi. Trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng đã điều chỉnh cho hơn 45.000 khách hàng có hợp đồng tín dụng lãi suất trên 15%/năm về mức 15%/năm. Hiện cơ cấu nợ có mức lãi 15%/năm là 9.400 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng dư nợ (bao gồm nợ được điều chỉnh giảm lãi suất và phần cho vay mới dưới 15%/năm). Riêng các DN vừa và nhỏ thuộc đối tượng ưu tiên trần lãi suất 13%/năm cũng đã được giải ngân hơn 900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều DN thuộc diện nợ xấu, nợ quá hạn cũng được xem xét cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại hoạt động để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng cần có những giải pháp tốt nhằm giúp DN ổn định sản xuất (ảnh minh họa).
Tại một hội nghị trao đổi giữa DN và ngân hàng, bà T.T.K.Mai- Chủ DNTN P.V. (TP Vĩnh Long) cho rằng: Thời điểm hiện tại, các DN đang có những dấu hiệu phục hồi tốt nên rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng. Bà ví dụ, DN nợ xấu 10 tỷ đồng, sau đó đã trả 4 tỷ đồng. Nhưng khi DN cần vay 1 tỷ đồng gấp thì ngân hàng từ chối do còn nợ 6 tỷ đồng. Đây cũng là một vấn đề làm cho đồng vốn kém linh động. Do đó, bà đề nghị ngân hàng nên theo dõi sát sao hơn hoạt động của DN, nếu có hiệu quả thì nên cho vay.
Ngoài ra, các biện pháp kích cầu cũng sẽ giúp các DN giải phóng hàng tồn kho, rút vốn để tiến hành các dự án sản xuất khác. Theo bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương tỉnh: Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN đã cố gắng thay đổi, tiết kiệm và tích cực xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, sức mua giảm đã khiến DN còn hàng tồn kho nhiều. Vốn bị động nên không thể trả nợ ngân hàng hay làm thêm dự án sản xuất khác. Do đó, rất cần có biện pháp kích cầu cho người tiêu dùng như cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp,…
Ngoài ra, nhiều DN cho rằng, ngân hàng không nên quá cứng nhắc trong việc áp dụng các điều kiện cho vay. Nhiều DN hiện nay thậm chí không còn tài sản thế chấp nhưng cũng cần xét lại, vì tài sản đó có giá trị lớn hơn số tiền được vay. Vì vậy, nếu xét trên phương diện hợp tác cùng nhau có lợi giữa DN và ngân hàng thì thời gian tới ngành ngân hàng nên có những điều chỉnh phù hợp.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại chi nhánh Vĩnh Long cho biết, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải hạn chế rủi ro, hoạt động có hiệu quả là điều tất yếu. Tuy nhiên, ngành ngân hàng rất thông cảm với DN. Nếu DN hoạt động hiệu quả, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện thì ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay với nhiều ưu đãi…
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin