
Có thể gọi “ngoạn mục” vì chỉ khoảng 3 năm trở lại đây nhưng nông thôn ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã thật sự “thay áo mới”. Nhiều con đường “nắng bụi, mưa sình” tồn tại hàng chục năm qua nay đã trở thành đường nhựa khang trang và xe 2 bánh, 4 bánh bon bon chạy. Được vậy, tất cả là nhờ sự đồng lòng người dân trong việc hiến đất làm đường.
Có thể gọi “ngoạn mục” vì chỉ khoảng 3 năm trở lại đây nhưng nông thôn ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã thật sự “thay áo mới”. Nhiều con đường “nắng bụi, mưa sình” tồn tại hàng chục năm qua nay đã trở thành đường nhựa khang trang và xe 2 bánh, 4 bánh bon bon chạy. Được vậy, tất cả là nhờ sự đồng lòng người dân trong việc hiến đất làm đường.
Chú Lê Văn Đổng phát quang cây cối để công nhân làm đường.
Hiến đất vẫn vui
Đường liên ấp giữa Ấp 7 (xã Hòa Lộc) và Ấp 8 (xã Mỹ Lộc) thuộc huyện Tam Bình 3 năm trước chỉ là con đường đan nhỏ rộng khoảng 1,6m. Còn hôm nay “đường ta rộng thênh thang…” , được tráng nhựa và ôtô bon bon chạy. Thư viện tư nhân Tứ Hưng của anh Huỳnh Tấn Hưng (Ấp 8) tuy nằm giữa đồng nhưng từ lâu là điểm đọc sách của nhiều người. Đường sá đi lại dễ dàng nên dù đầu năm học mới, phòng đọc sách của anh Tư Hưng vẫn có khá đông độc giả nhỏ tuổi đến đọc sách. Để có được phòng đọc sách này, anh tự nguyện hiến hơn 77m2 đất để xây dựng phòng đọc sách phục vụ miễn phí cho bà con. Không chỉ thế, khi Nhà nước vận động nhân dân hiến đất làm đường nông thôn, gia đình anh còn vui vẻ tự nguyện hiến trên 200m2 đất vườn. Chỉ tay về phía đường nhựa, anh cười hiền: “Xưa ở đây toàn là đường đất, xe cộ đi lại cực lắm. Rồi được đường đan, giờ được đường nhựa, xe 4 bánh chạy tới nhà. Khoảng đất mà vợ chồng tui hiến trước trồng nấm rơm, rau cải, kiếm hơn 6 triệu đồng mỗi năm. Nhưng tui và bà con cùng hiến đất không thấy tiếc, có đường rộng, giao thương thuận lợi, tiện trăm bề”.
Con đường liên xã Mỹ Lộc- Mỹ Thạnh đang ngổn ngang bùn đất, xe ủi đất, xáng cạp,… bởi đường đang được thi công làm lộ tráng nhựa, rộng 3,5m, dài gần 5km. Chú Võ Văn Phố (Bảy Phố, 73 tuổi, Ấp 10) phấn khởi: “Không có bờ bao này thì tới mùa nước tràn, khỏi đi. Học trò phải lội sình đi học, vài bước là có cầu khỉ. Đứa nào bền lắm cũng học hết cấp 2 là nghỉ ráo. Được bờ bao, đường đan đã mừng, vậy mà giờ đây dân tụi tui sắp được đường nhựa đi”. Rồi chú vui vẻ nói: “Tụi tui tranh thủ đốn cây, dọn đường cho mấy ổng (công nhân làm đường- PV) mần. Tháng này mấy ổng mần cực lắm phải theo con nước, có khi mần tới 1- 2 giờ khuya để kịp con nước. Nghe nói xáng cạp đang “cạp” mần móng cầu ở tuốt Mỹ Thạnh Trung. Tui mong lộ nhựa thông thoáng sớm hoàn thành, không những người già như tui mừng mà sắp nhỏ đi học tuốt Cái Ngang khỏe hơn, chứ không phải đi xuồng, lội bộ cực thấy tía luôn”. Còn chú Lê Văn Đổng (59 tuổi, thương binh 3/4 Ấp 10) thì tự nguyện đập hàng rào kiên cố và hiến 500m2 đất để chính quyền địa phương làm đường giao thông. “Mình là bộ đội Cụ Hồ phải tự nguyện hiến đất làm gương cho dân cùng chung tay hiến đất xây dựng nông thôn mới. Đường được làm xong, lưu thông thông thoáng, xe 4 bánh chạy tới nhà thoát cảnh đường đất lởm chởm, lầy lội khi mùa mưa về”.
Kinh nghiệm huy động sức dân
Theo nhận định của BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Lộc, đường nông thôn “xẻ dọc” tận xóm ấp thời gian qua đã góp phần rất lớn vào thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Tính từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã vận động được trên 170 hộ dân hiến 62.140m2 đất, trị giá gần 7 tỷ đồng để thi công 16 công trình giao thông tại địa phương. Có trên 53 hộ hiến từ 100- 500m2 đất, ước tổng giá trị gần 2 tỷ đồng. Trong đó, 4 tuyến đường vận động dân hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng đạt 100% là: đường láng nhựa Ấp 8 đến Ấp 7 (Hòa Lộc); đường từ ấp Cái Sơn đến Ấp 6A; đường từ ấp Cái Sơn đến cầu Số 3 (xã Long Phú); đường Rạch Ranh đến Nông trường Mỹ Thạnh Trung. Bên cạnh, xã Mỹ Lộc còn vận động hàng chục hộ dân hiến khoảng 6.500m2 đất xây dựng đê bao gắn giao thông nông thôn ở rạch Cái Bần (Ấp 6) và 3.000m2 đất xây dựng Trường Tiểu học Mỹ Lộc.
Đường nhựa phẳng lỳ về Ấp 8.
Phấn khởi trước kết quả làm được, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Phan Văn Thế chia sẻ: Trong quy hoạch xây dựng đường giao thông, đa phần hiện trạng các con đường của xã chưa có gì hay có thì đều nhỏ hẹp, trong khi đó kinh phí hỗ trợ của Nhà nước xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội không được nhiều nên cần phải huy động nguồn vốn của địa phương và nhân dân. Vì vậy, với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền địa phương đã tiến hành họp bàn trước nhân dân, đồng thời thực hiện tuyên truyền người dân nhận thức rõ về lợi ích xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông, từ đó tự nguyện tham gia đóng góp. “Ngoài thuận tiện đi lại, chúng tôi còn xây dựng đường giao thông kết hợp thủy lợi nội đồng, vì vậy đến nay có 100% đất sản xuất nông nghiệp của xã được khép kín phục vụ tốt cho sản xuất.”- ông Phan Văn Thế tỏ vẻ hài lòng.
Ông Võ Ngọc Liền- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc từng cho biết: Hầu hết các công trình tại địa phương đều vướng khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy muốn hoàn thành đúng kế hoạch phải tiến hành vận động bằng nhiều cách. “Nếu xã vận động hộ mất đất không được thì nhờ đến người thân, bạn bè. Tuy nhiên, sau đó phải công khai, dân chủ dưới sự giám sát của dân. Ai cũng xem đây là trách nhiệm chung nên rất thuận lợi trong công tác chỉ đạo”- ông Võ Ngọc Liền chia sẻ.
Đến nay, xã Mỹ Lộc đã đạt được 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Phan Văn Thế cho biết, từ nay đến cuối năm BCĐ xây dựng nông thôn mới xã tiếp tục phối hợp đơn vị thi công nhiều tuyến đường, trong đó tập trung xây dựng hoàn thành Đường tỉnh 909 ngang địa bàn xã, đường láng nhựa Rạch Ranh đến xã Mỹ Thạnh Trung và đường láng nhựa Cái Sơn đến Lô 6, góp phần phục vụ đi lại và phấn đấu đạt tiêu chí về giao thông vào cuối năm nay.
Bài, ảnh: T.QUYÊN- H.MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin