Kinh tế tập thể- hướng tới phát triển bền vững

06:07, 26/07/2012

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), KTTT ở Vĩnh Long đã có đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống của xã viên và người dân nông thôn.


Đầu ra là vấn đề đáng quan tâm không chỉ riêng đối với KTTT.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), KTTT ở Vĩnh Long đã có đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống của xã viên và người dân nông thôn.

Thành tựu nổi bật

Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 99 hợp tác xã (HTX) và 2 liên hiệp HTX (tăng 102% so với năm 2001). Trong đó, ở lĩnh vực nông nghiệp có 32 HTX và 1 liên hiệp HTX, thủy sản có 6 HTX và 1 liên hiệp HTX, 17 HTX giao thông, 14 HTX xây dựng, 20 HTX công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, 6 HTX thương mại- dịch vụ và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Các HTX, liên hiệp HTX đã thu hút trên 6.700 lao động, giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động. Tổng vốn hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX trên 239 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 119 tỷ đồng (tăng gần 20 lần so với năm 2001). Tổng doanh thu trong 10 năm qua đạt trên 1.233 tỷ đồng, tăng bình quân trên 15,23%/năm. Riêng năm 2011, giá trị sản xuất, kinh doanh đạt trên 357 tỷ đồng, lợi nhuận gần 39 tỷ đồng, thu nhập của xã viên trên 38 triệu đồng/người, nộp ngân sách hơn 33 tỷ đồng và lập trích quỹ trên 15 tỷ đồng.

Các tổ hợp tác được đánh giá: tuy quy mô có nhỏ hơn nhưng cũng đánh dấu vai trò quan trọng của mình trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 2.229 tổ hợp tác với gần 49.000 tổ viên, trong đó có 2.167 tổ hợp tác nông nghiệp với trên 47.000 tổ viên. Ngoài ra, các HTX, tổ hợp tác sản xuất còn phát triển 2 hội, hiệp hội ngành nghề với 191 hội viên và 7.051 tổ hợp tác dưới hình thức hợp tác vay vốn, tương trợ vốn xoay vòng, CLB với trên 88.000 tổ viên. Tổng vốn vay, vốn tương trợ xoay vòng trên 191 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,54%/năm. Năm 2011, KTTT đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (GDP) là 0,41%.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2012, các tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp đã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Mô hình tổ hợp tác sản xuất kết hợp giữa trồng lúa với các dịch vụ phục vụ sản xuất, mô hình trồng màu với trồng lúa đang hoạt động có hiệu quả. Diện tích trong tổ hợp tác được nhân lên, bình quân 25,5 ha/tổ. Tổ viên áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản lượng, chất lượng được nâng lên, chi phí sản xuất giảm, thu nhập, đời sống tổ viên khá lên.

Tìm hướng đi bền vững

“KTTT ở Vĩnh Long đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cần có định hướng phát triển hợp lý và lâu dài, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và quan tâm đến những chính sách thật cụ thể để thu hút xã viên hiệu quả”- ông Nguyễn Đồng Tiến- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên BCĐ Phát triển KTTT Trung ương đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long mới đây.

Ông Nguyễn Đồng Tiến cũng cho rằng: Vĩnh Long có số lượng HTX, tổ hợp tác lớn, nhưng chất lượng chưa cao và không đồng đều, chưa xây dựng được những mô hình điển hình tiên tiến, do đó KTTT chưa tạo được sức thu hút mạnh.


Các thành phần của KTTT đã có đóng góp tích cực vào nền kinh tế địa phương.

Ngoài ra, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là trình độ của các ban quản lý không đảm bảo, nông dân tự đứng ra thành lập rồi quản lý, thiếu chuyên môn, chủ yếu làm việc trên tinh thần tự nguyện, không có thù lao hay trợ cấp, do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của KTTT.

Ông Huỳnh Hữu Đức- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, lo lắng: Các HTX hiện vẫn còn nhiều yếu kém, tính ổn định chưa cao. Có những HTX đang hoạt động tốt thì vài tháng sau nghe báo là đã giải thể. Sự biến động này gây khó khăn trong khâu quản lý, ảnh hưởng đến lợi ích của xã viên. Cũng theo ông Huỳnh Hữu Đức, không nên phát triển ồ ạt các mô hình KTTT trong khi chưa có quy hoạch cụ thể. Thay vào đó, mỗi địa phương nên chọn ra 1 HTX để tập trung đầu tư, hoàn thiện, làm điểm cho các nơi khác học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng. Có như thế KTTT mới đạt hiệu quả cao và cũng cần quan tâm xây dựng KTTT tại các xã nông thôn mới.

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng vốn và trình độ chuyên môn là vấn đề cần đặc biệt quan tâm nhằm giúp KTTT phát triển bền vững. Bởi lẽ, nguồn vốn trong các loại hình KTTT chủ yếu là vốn góp, tuy nhiên nguồn vốn này không lớn. Do đó, KTTT muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là rất khó khăn, cũng chính vì thế mà những người có điều kiện thì họ làm ăn riêng chứ không mặn mà với KTTT.


Để có sức hút xã viên đối với KTTT, Nhà nước nên có những chính sách ưu đãi và cụ thể.

Ghi nhận những khó khăn của tỉnh, ông Nguyễn Đồng Tiến yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Long trước mắt cần có những chính sách tín dụng ngân hàng hợp lý, tạo điều kiện cho các thành phần KTTT có điều kiện tiếp cận. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động trong quần chúng nhân dân cũng hết sức quan trọng, cần có sự vào cuộc của các bộ ngành, từng bước tạo lập vị thế mới đưa KTTT phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Thịnh- Lê Sơn

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh