Hiện nhiều ngân hàng (NH) đã đồng loạt giảm lãi suất theo chỉ đạo của NH Nhà nước. Bên cạnh đó là nhiều gói ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất, mở rộng kinh doanh. Điều quan trọng là dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả là mấu chốt để các NH “tin tưởng” cho vay, từ đó khai thông nguồn vốn...
Tình hình lúa gạo ở các DN xuất nhập khẩu đang “ấm dần” khi có chương trình thu mua tạm trữ và nguồn vốn ưu đãi từ các NH phát huy được hiệu quả.
Hiện nhiều ngân hàng (NH) đã đồng loạt giảm lãi suất theo chỉ đạo của NH Nhà nước. Bên cạnh đó là nhiều gói ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất, mở rộng kinh doanh. Điều quan trọng là dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả là mấu chốt để các NH “tin tưởng” cho vay, từ đó khai thông nguồn vốn...
Vốn đang sẵn sàng, nhưng...
Cùng với động thái chỉ đạo giảm lãi suất cho vay xuống còn 15%/năm của NH Nhà nước, hiện nay nhiều NH cũng chủ động dành gói ưu đãi cho các DN. NH Đông Á (DongABank) vừa tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho các DN với lãi suất thấp, từ 11,5%/năm trở lên. Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất, còn 15,5%/năm (trước đó là 17%/năm). Vietcombank đưa ra gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng, cho vay với lãi suất 13- 14%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay của Ngân hàng Quân đội (MB) là 13%; HDBank cũng vừa thông báo giảm lãi suất cho cả khách hàng cá nhân và DN, với mức lãi suất từ 12-13%/năm, tùy theo mục đích vay vốn… Ngoài ra, NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ tín dụng xuất khẩu nông- thủy sản cho vùng ĐBSCL. Quy mô hỗ trợ vào khoảng 100 triệu USD, tương đương trên 2.000 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ này gồm 3 chương trình nhỏ: Chương trình hướng tới DN ngành thủy sản với quy mô dự kiến trên 1.000 tỷ đồng; Chương trình hướng tới DN ngành lương thực với khoảng 800 tỷ đồng; Chương trình hướng tới các DN thuộc các ngành nông sản khác khoảng 200 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay đối với chương trình này sẽ thấp hơn khoảng 2% so với lãi suất cho vay thông thường...
Theo báo cáo của NH Nhà nước Vĩnh Long, trong tháng 5, các chi nhánh NH thương mại, quỹ tín dụng cơ sở thực hiện 2 lần điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 4 lĩnh vực ưu tiên gồm: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Báo cáo cũng cho thấy, đến cuối tháng 5, nợ xấu toàn địa bàn tỉnh là 1.348 tỷ đồng, chiếm 9,73% tổng dư nợ, tăng 1,13% so với đầu năm. Nợ xấu tập trung cao một số lĩnh vực cho vay bất động sản, thủy sản, thương mại dịch vụ, cho vay phương tiện vận tải... Điều này chứng tỏ nhiều DN vẫn có thể được xem xét cho vay vốn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có khá nhiều DN không có khả năng trả nợ, đồng vốn cho vay mang nhiều rủi ro. Đây được xem là “bệnh” ở một số DN khi luôn đòi hỏi được vay vốn nhiều nhưng hiệu quả của dự án đạt thấp. Từ đó khó có khả năng trả nợ, làm tăng nguy cơ nợ xấu ở các NH nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, nhiều lãnh đạo NH cũng nhận định, khả năng làm dự án của các DN trên địa bàn tỉnh khá yếu kém. Các NH cũng chỉ là một loại hình DN, cũng phải tính toán lời lỗ để duy trì hoạt động. Trong khi dự án không thấy được hiệu quả nhiều mà muốn được vay nhiều, “đòi thả lỏng nguồn vốn” thì khó có thể chấp nhận. Vì vậy, hiện NH dẫu có “tâm lý” sẵn sàng cho vay nhưng đa số DN chưa đáp ứng tốt điều kiện để có thể vay.
Hiệu quả của dự án: Cái bắt tay phát triển
Hiện nguồn vốn để cho vay ưu đãi khôi phục lại sản xuất, kinh doanh cùng với lãi suất thấp được mong đợi từ lâu đang “sẵn sàng”. Tuy nhiên, để các DN có thể tiếp cận và hấp thụ tốt nguồn vốn này không gì khác ngoài việc thực hiện dự án khả thi. Ngoài ra, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hiện các NH cũng đòi hỏi các DN cần minh bạch tài chính và có kiểm toán, có tài sản thế chấp đảm bảo,… Theo giám đốc một NH thương mại chi nhánh Vĩnh Long thì điều này ngoài đảm bảo hạn chế rủi ro không chỉ cho các NH mà còn “tốt” cho các DN. Bởi vì khi đó, các DN sẽ “tôn trọng” đồng vốn được vay và sẽ “cố gắng” kinh doanh, sản xuất hiệu quả. “Hiện nhiều DN thật sự rất cần vốn để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, họ không đưa ra được mô hình sản xuất kinh doanh mới hay một dự án có tính khả thi lâu dài thì dẫu NH có đầy tiền cũng không… dám cho vay. Có thể nói, hiện tại các NH chọn DN tốt mà hợp tác chứ không dại sa vào DN kém hiệu quả. Bởi khi đó không chỉ DN chết mà ngay cả NH cũng… ngoắt ngoải theo sau”- vị giám đốc này cho biết.
Ngoài ra, theo ông Phan Thanh Hải- Giám đốc NH Thương mại Đầu tư và Phát triển chi nhánh Vĩnh Long cho rằng: Dự án đầu tư khả thi, có hiệu quả sẽ là điểm quan trọng để các NH có thể cho vay. Dự án tốt không chỉ giúp cho DN dễ tiếp cận vốn mà còn giúp mối quan hệ giữa NH và DN thêm gần nhau. Từ đó tạo được sự tin tưởng và làm tăng hiệu quả của nguồn vốn bỏ ra. “DN thì kinh doanh ngày càng hiệu quả, NH cũng đảm bảo nguồn vốn, hạn chế nợ xấu thì còn gì bằng. Điều này thật sự tốt đối với nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi”.
Trong khi đó, dự án hiệu quả cũng là một điểm ngoặt quan trọng để các DN càng trở nên lớn mạnh, hoạt động hiệu quả lâu dài. Theo một nhân viên tín dụng của một NH thương mại chi nhánh Vĩnh Long, dẫu lãi suất đang hạ thấp theo mong muốn của nhiều DN nhưng không phải DN nào cũng được tiếp cận. Chẳng hạn như nhiều DN có tài sản thế chấp đảm bảo nhưng “cũng khó” do dự án kinh doanh không hiệu quả hoặc chưa thấy được hiệu quả. Có thể nói, đây cũng là một bài toán “cộng, trừ, nhân, chia” giữ lại DN có khả năng tồn tại, phát triển…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin