Vùng trọng điểm du lịch ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Mỗi năm khu vực này chiếm trên 70% lượng khách và doanh thu của ngành du lịch đồng bằng. Từ năm 2012, mô hình liên kết này sẽ bắt đầu được mở rộng, tạo nên những bước phát triển vừa mang tính đột phá, vừa bảo đảm tính ổn định, bền vững cho
Quần đảo Hải Tặc (Kiên Giang) đã được đưa vào tour liên kết “tứ giác du lịch”.
Vùng trọng điểm du lịch ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Mỗi năm khu vực này chiếm trên 70% lượng khách và doanh thu của ngành du lịch đồng bằng. Từ năm 2012, mô hình liên kết này sẽ bắt đầu được mở rộng, tạo nên những bước phát triển vừa mang tính đột phá, vừa bảo đảm tính ổn định, bền vững cho du lịch ĐBSCL.
“Cú đấm mạnh” từ liên kết
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã chủ động xây dựng chương trình liên kết phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm theo tinh thần Quyết định 492 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30/7/2009, lãnh đạo hiệp hội và 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau tổ chức lễ ký kết liên kết hợp tác và thành lập Ban điều phối chương trình (luân phiên làm cụm trưởng hàng năm) với 5 nội dung: liên kết trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, quy hoạch xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xúc tiến quảng bá và đầu tư du lịch, đào tạo nguồn nhân lực.
Qua 4 năm nhìn lại cho thấy, mỗi năm 4 tỉnh, thành này chiếm trên 70% lượng khách và doanh thu của ngành du lịch đồng bằng. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu đạt 1.111 tỷ đồng trong tổng số 2.200 tỷ đồng của toàn vùng, đóng vai trò như một đòn bẩy cho sự tăng trưởng chung của du lịch ĐBSCL. Năm 2008, ĐBSCL đón 1,2 triệu lượt khách quốc tế và 8 triệu lượt khách nội địa thì năm 2011, toàn vùng đón 1,44 triệu lượt khách quốc tế và gần 16 triệu lượt khách nội địa.
Lý giải sự tăng trưởng mạnh của “tứ giác du lịch”, ông Phạm Phước Như- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng: “Trước hết là sự thuận lợi về mặt địa lý, cả vùng nằm trọn ở phía Nam sông Hậu, địa hình tự nhiên hiện diện đầy đủ biển, núi đồi, rừng, sông rạch, đồng nước nổi… Thuận lợi lớn nữa là tiềm lực kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khoảng 42% GDP, gần 45% tổng thu ngân sách cả vùng. Hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong vùng, với 4 đô thị lớn: Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau và Rạch Giá. Vùng đã có bước đột phá về kết cấu hạ tầng như nâng cấp, cải tạo QL1A đoạn Mỹ Thuận- Cà Mau, hoàn thành các cầu vượt sông lớn Cần Thơ, Đầm Cùng… Riêng hàng không đã có 4 cảng là các sân bay: Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế. Bên cạnh đặc trưng sông nước hữu tình phương Nam, vùng này còn đậm đà giá trị bản sắc văn hóa với những kiến trúc đình, chùa, phong tục, tập quán, lễ hội vô cùng phong phú”.
Với những thế mạnh đó, nếu “mạnh ai nấy làm” thì cũng sẽ trở nên manh mún, sản phẩm trùng lắp, đơn điệu, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, “giẫm chân” nhau. Còn khi đã liên kết chặt chẽ dưới Ban điều phối, xác định đặc trưng của từng địa phương thì hình thành nên những chương trình tour phong phú, đa dạng, hấp dẫn và phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Thời gian qua, đã xây dựng tour liên kết dài nhất là 7 ngày 6 đêm và ngắn nhất là 3 ngày 2 đêm, thuyết phục được các hãng lữ hành và hấp dẫn du khách.
“Đây là kết quả bước đầu của chương trình liên kết hợp tác, và là bài học kinh nghiệm quý báu làm tiền đề mở rộng liên kết du lịch toàn khu vực trong thời gian tới”- ông Phạm Phước Như khẳng định.
Để hấp dẫn hơn, bền vững hơn
Đầu năm 2012, có thông tin hết sức phấn khởi và tự hào đối với người làm du lịch ĐBSCL, là Tạp chí Lonely Planet- một tạp chí chuyên viết về du lịch nổi tiếng trên thế giới đã đưa ra danh sách 10 điểm đến có ý nghĩa nhất trong năm 2012. Trong danh sách này, ĐBSCL của Việt Nam đứng ở hàng thứ 9 và Việt Nam được giới thiệu là điểm đến luôn có giá trị.
Có thể nói, với kho tàng các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vô cùng đặc sắc, ĐBSCL có thể xây dựng nhiều điểm dừng chân kỳ thú và hấp dẫn. Vấn đề mà hiện nay các nhà quản lý, các nhà đầu tư đang tìm đáp số đó là làm sao để mở rộng liên kết hợp tác cả chiều ngang lẫn chiều dọc, liên kết song phương, liên kết đa phương để đầu tư khai thác đúng mức tiềm năng du lịch tại chỗ, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo; đáp ứng đủ về số lượng và cả chất lượng theo nhu cầu thụ hưởng của du khách và phát triển du lịch bền vững.
Mùa nước nổi- một đặc sản của du lịch An Giang.
Cũng cần nhìn nhận rằng, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng đã phát huy vai trò trung gian kết nối, điều phối và định hướng của mình. Trong 2 năm 2009- 2010, hiệp hội đã phối hợp với các Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, bình chọn được 9 điểm trong tổng số hàng trăm điểm trong khu vực đồng bằng, hội đủ các tiêu chí quy định để trao danh hiệu: “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. Và sẽ tiếp tục tiến hành bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2012”, với sự điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí mới cho phù hợp. Việc bình chọn này sẽ trở thành nội dung, cơ sở quảng bá hình ảnh du lịch đồng bằng được thuận lợi hơn.
Mới đây, trong vai trò Trưởng Ban điều phối, hiệp hội kết hợp cùng Kiên Giang đang giữ vai trò cụm trưởng năm 2012, tổ chức đoàn famtrip nhằm khảo sát và xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương. Qua đó, gồm: sản phẩm du lịch biển đảo (Kiên Giang); du lịch tâm linh, mùa nước nổi (An Giang), du lịch sinh thái rừng ngập mặn (Cà Mau), du lịch sông nước miệt vườn và du lịch Mice- hội nghị (Cần Thơ). Đồng thời mở rộng liên kết ra tỉnh Bạc Liêu, với du lịch di sản văn hóa.
Tại cuộc họp lần thứ 2 BCH của hiệp hội vừa qua, ông Trần Duy Đạt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng là đại diện đơn vị Kiên Giang cho biết: Tháng 8 tới đây tại Kiên Giang, sau khi họp sơ kết mô hình liên kết phát triển du lịch, hiệp hội sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu đậm nét về các điểm du lịch, các khách sạn đạt danh hiệu tiêu biểu ĐBSCL, các sản phẩm du lịch độc đáo của 4 địa phương vùng kinh tế trọng điểm và tỉnh Bạc Liêu, bằng nhiều loại hình, nhiều kênh thông tin rộng rãi đến các thị trường trong và ngoài nước. Xem đây là một trong những điểm nhấn ấn tượng của du lịch đồng bằng mời gọi du khách phương xa.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin