Kỳ 1: Nông dân không còn ví lúa trong bồ

07:07, 25/07/2012

Cánh đồng mẫu lớn trong thời gian gần đây xuất hiện như là một mô hình cánh đồng năng suất, chất lượng và là một mô hình chuẩn cho cách sản xuất lúa ở Việt Nam trong tương lai gần. Ở đó, hình thành chuỗi giá trị thay cho chuỗi cung ứng để tạo ra một thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cánh đồng mẫu lớn vẫn có điều khiến người ta ngạc nhiên.

Cánh đồng mẫu lớn trong thời gian gần đây xuất hiện như là một mô hình cánh đồng năng suất, chất lượng và là một mô hình chuẩn cho cách sản xuất lúa ở Việt Nam trong tương lai gần. Ở đó, hình thành chuỗi giá trị thay cho chuỗi cung ứng để tạo ra một thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cánh đồng mẫu lớn vẫn có điều khiến người ta ngạc nhiên.


Dòng ghe nối đuôi nhau về Nhà máy Xay xát Vĩnh Bình.

Bất ngờ ở cánh đồng mẫu An Giang

Để xem cánh đồng mẫu lớn, tôi đã tìm đến xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cách TP Long Xuyên 35km. Vụ Đông Xuân thu hoạch rộ, máy gặt đập liên hợp đang làm việc hết công suất trên cánh đồng. Một cảnh tượng ghe tàu tấp nập trên một cánh đồng trước kia vốn hoang vắng làm tôi hết sức kinh ngạc. Đó chính là quang cảnh ở nhà máy sấy, xay xát của Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình, trực thuộc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang.

Nhà máy Vĩnh Bình khởi công ngày 19/10/2010 và đưa vào hoạt động ngày 28/2/2011, công suất giai đoạn I là 100.000 tấn/năm. Ông Lê Thanh Phương- Giám đốc nhà máy cho biết: Năm 2006, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) có chương trình cùng nông dân ra đồng, hướng dẫn nông dân sạ lúa né rầy, chống dịch vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa. Để làm được điều đó, công ty tổ chức mạng lưới bạn nhà nông (Farmer’s Friends) gọi tắt là FF. Mỗi FF- đều là kỹ sư nông nghiệp- được cấp xe gắn máy, đồng phục và phụ trách từ 80- 100ha lúa của nông dân. Hiện nay, mạng lưới FF cũng đã có mặt ở Vĩnh Long.


Gặt lúa bằng máy.

Trước đây, khi sử dụng sản phẩm của công ty và lúa trúng mùa, nông dân hỏi bán ở đâu thì công ty không có câu trả lời. Vì thế công ty buộc phải kinh doanh lương thực. Vấn đề đầu tiên là định vị vùng nguyên liệu để xây dựng nhà máy vừa sấy lúa, vừa chế biến đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc này rất khó vì thời gian qua việc hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua không mấy suôn sẻ. Nông dân không tin. “Mấy ổng hứa không thì sợ lắm!” - anh Nguyễn Văn Thiệt ở xã Vĩnh Bình lắc đầu khi có cán bộ đến vận động.

Chương trình của AGPPS đưa ra 4 giống lúa ngon OM 4218, OM 4217, VND 95-20, giống Jasmin 85 làm hợp đồng cung cấp thuốc BVTV, phân, giống,… cuối vụ mới trả tiền và 4 tháng không tính lãi. Tiêu chuẩn lúa thu mua phải đạt 5 tiêu chuẩn: độ ẩm, độ rạn gãy, độ xanh non, độ thuần và tạp chất. Ngày thu hoạch giá thị trường bao nhiêu thì tính ngay giá đó. Nông dân rất an tâm trong thời gian sản xuất đến thu hoạch nhờ có lực lượng FF. FF theo dõi từ tình hình dịch bệnh cho đến xác định thời gian thu hoạch và gần như ăn ngủ cùng nông dân địa phương. Khi có lúa, FF đưa bao bì, đưa phương tiện và công nhân bốc vác đến lấy lúa tươi đưa về nhà máy để sấy. Có thể nói điểm thành công của công ty khi liên kết với nông dân là lực lượng FF. Một câu chuyện vui là nông dân mến FF nên mời đến nhậu nhưng FF bận việc không đến. Thế là họ gọi điện báo FF là lúa đang bị bệnh. FF nhanh chóng đến mới vỡ lẽ ra và mọi người cùng cười vui vẻ.

Đến nhà máy mùa này, những ghe lúa tấp nập. Nông dân đem lúa đo độ ẩm rồi quy ra thành phẩm, áp giá. Trừ công nợ xong là lấy ngay tiền mặt. Nông dân có sổ tay đồng ruộng, lúa nhập kho có ghi lô. Điều này giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nếu không đồng ý giá lúa thì có thể gởi kho 30 ngày.

“Có đuổi tôi cũng không ra!”

Với cách làm như trên thì diện tích mà mạng lưới FF dần mở rộng. Vụ Đông Xuân 2010, có 464 hộ tham gia với diện tích 1.073ha. Vụ Hè Thu năm 2010 tăng lên 646 hộ với diện tích 1.600ha. Vụ Đông Xuân 2011 có 1.500 hộ tham gia, với diện tích 3.500ha. Vùng nguyên liệu của Nhà máy Vĩnh Bình phát triển chủ yếu ở 2 xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành.

Anh Phương dẫn tôi đi tham quan nhà máy: “Sấy như thế này, nhiệt độ dưới 450C, tỷ lệ “bóc vỏ” (tức xay gạo lứt) đạt 80%”. Chất lượng gạo xuất khẩu tăng 20- 30 USD/tấn. Gạo Jasmin có giá từ 420- 450 USD/tấn. Gạo Bảy Núi của Nhà máy Vĩnh Bình thị trường Hong Kong tiêu thụ mạnh.

Tiếp xúc với những nông dân xếp hàng chờ hút lúa lên kho, mặt ai cũng rạng rỡ. Anh Lê Văn Tấn nói: “Làm lúa giờ khỏe lắm! Ước gì Nhà nước cho chúng tôi vay mua máy gặt đập liên hợp, mua ghe làm dịch vụ cho công ty thì thu nhập của chúng tôi khá lắm! Hiện có 100 ghe làm dịch vụ chở lúa từ đồng ruộng ra nhà máy mà có đủ đâu?”


Đo độ ẩm trước khi nhập kho Nhà máy Vĩnh Bình.

Chú Tư He (Nguyễn Văn He ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Hanh) canh tác 4,2ha nói: “Năm 2006, tham gia chương trình cùng nhà nông ra đồng rất hiệu quả. Nhưng lúa trúng, phơi sấy hụt hơi, chở về nhà ôm đó chờ! Đến lúc Công ty AGPPS hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu, tôi ngờ ngợ. Làm vụ Đông Xuân 2011, tôi đạt sản lượng 38 tấn. Tính ra giá thành 3.100 đ/kg nhưng bán cho công ty với giá 6.950 đ/kg. Ôm gọn 200 triệu tiền lãi. Khỏi phải dang lưng ra phơi cả tháng trời như trước kia. Nay 4,2ha tôi làm mình ên chẳng cần mấy đứa con rớ tới. Bây giờ nhà máy có đuổi tui cũng hổng ra!”

Tôi hỏi vui: “Vậy thì chú không còn ví lúa trong nhà, ăn gạo làm sao?” Chú Tư He cười toe: “Hết gạo cứ chạy vô nhà máy chở một bao gạo Jasmin 85, ăn gạo Hong Kong cho đã!”

Kỳ 2: Cùng nông dân xây dựng chuỗi giá trị

Bài, ảnh: QUANG THẢO (Mang Thít)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh