Tình hình kinh tế trong năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong những tháng gần đây, chỉ số tiêu dùng (CPI) liên tục giảm và được các chuyên gia cảnh báo tình trạng giảm phát đang bắt đầu. Rất cần những giải pháp cấp bách để tránh cho nền kinh tế rơi vào trạng thái giảm phát.
Tạo việc làm ổn định, tạo thu nhập cũng là một hướng để tăng sức mua thị trường.
Tình hình kinh tế trong năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong những tháng gần đây, chỉ số tiêu dùng (CPI) liên tục giảm và được các chuyên gia cảnh báo tình trạng giảm phát đang bắt đầu. Rất cần những giải pháp cấp bách để tránh cho nền kinh tế rơi vào trạng thái giảm phát.
Đang bước vào giai đoạn giảm phát?
Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước sau nhiều tháng liên tục tăng thì tháng 6 đã bắt đầu giảm 0,26%, chỉ tăng 2,52% so với tháng 12/2011 và tăng 12,2% so bình quân 6 tháng cùng kỳ 2011. Cũng theo Tổng cục Thống kê, 3 nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong “rổ hàng hóa” chung gồm hàng ăn, dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (chiếm trên 10%); giao thông (gần 9%) đều có mức giảm rõ rệt.
Theo Cục Thống kê tỉnh, CPI tháng 6/2012 chỉ tăng 0,41% so với tháng trước và tăng thấp hơn 0,73 điểm % so với cùng kỳ năm 2011. Tính tổng 6 tháng so với tháng 12/2012, CPI chỉ tăng 2,24%, thấp hơn 8,53 điểm % so với cùng kỳ. Bình quân 6 tháng đầu năm tăng 10,93% so với cùng kỳ, thấp hơn số liệu tương ứng năm trước 5,34 điểm %. Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những hạn chế mà chính sách thắt chặt tiền tệ để lại. Theo bà Châu Thu Thủy- Phó Giám đốc Honda Tân Thành, sức mua của người tiêu dùng đã giảm rõ rệt, nhất là trong những tháng đầu năm. Hiện thương hiệu xe máy Honda vẫn chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng nhưng sức mua cũng giảm sút. Nguyên nhân, tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp, người lao động đều hạn chế tối đa nhu cầu. Nếu khúc mắc này không được giải quyết thì cung cầu không thể gặp nhau, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị tồn kho nhiều và rõ ràng không tốt cho nền kinh tế.
Trong khi đó, theo nhiều hộ kinh doanh ở chợ Vĩnh Long, tình hình mua bán cũng không mấy khả quan khi lượt người đến chợ ngày càng vắng. Không phải người tiêu dùng “nhịn ăn, nhịn mặc” nhưng “ngày xưa xài mười, thì bây giờ chỉ xài năm, xài bảy”. Cô Nguyễn Thị Mười- kinh doanh gà vịt sống- cho biết: Hiện sức mua của người tiêu dùng giảm rất nhiều, dù giảm giá mạnh cũng không thể thu hút được.
Còn theo bà nội trợ Nguyễn Thị Lượm (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: Cơm gạo là thứ không thể thiếu nên dù có giá cao hay tăng mạnh gì cũng phải mua. Còn các mặt hàng thực phẩm, may mặc, tiêu dùng khác thì có thể “bớt một nửa”. Hiện chồng chị đã nghỉ việc nên kinh tế gia đình càng khó khăn hơn trước, vì vậy mà mua bất cứ thứ gì cũng tính. Theo chị, hàng xóm cũng thế, kinh tế khó khăn, Nhà nước còn tiết kiệm thì người dân cũng… thắt lưng buộc bụng theo.
Cần có gói kích cầu tiêu dùng
Trong khi đó, hiện chính sách thắt chặt tiền tệ đã phần nào được nới lỏng, các chính sách để vực dậy kinh tế đã được Nhà nước triển khai. Do đó, có thể nói đây là thời cơ để kích thích tiêu dùng nhằm giải thoát cho các doanh nghiệp khỏi hàng tồn kho, vực dậy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Theo nhiều ý kiến, ngoài việc cung cấp các gói trợ cấp cho sản suất, kinh doanh, tháo gỡ nợ xấu ra khỏi nền kinh tế thì cũng cần đến gói kích cầu tiêu dùng. Ông Trương Hoàng Hảo- Chủ DNTN Hoàng Hảo (xã Thanh Đức- Long Hồ) từng cho rằng, sở dĩ nhiều doanh nghiệp tồn kho nhiều là do không có đầu ra, người dân có nhu cầu nhưng lại không đủ tiền. Cũng theo ông, bất động sản sẽ là ngành chịu thiệt nhiều nhất của chính sách thắt chặt tiền tệ và sẽ còn “đau” dài dài nếu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không được khơi thông hay không có động lực để khơi thông. “Ngày xưa các ngân hàng có thể cho vay để mua nhà, sắm đất. Còn bây giờ, hễ nhắc đến nhà đất là rất khó. Do vậy, nếu có gói kích cầu từ chính các nhà băng thì không chỉ doanh nghiệp được lợi, người tiêu dùng lợi, mà ngay cả các ngân hàng cũng hưởng lợi không kém”.
Kích thích sức mua người tiêu dùng góp phần giải quyết hàng tồn cho doanh nghiệp (ảnh minh họa).
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng, gói kích cầu tiêu dùng có thể dùng để tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, cũng cần nhiều chính sách “khuyến mãi, ưu tiên…” để kích thích sức mua. “Phải làm thế nào để người dân có tiền để chi tiêu. Khi đó, doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho và duy trì, mở rộng sản xuất… Chẳng hạn như đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình kích thích tiêu dùng khác từ thị trường đô thị đến tận các ấp, xã vùng sâu.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin