Theo các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành bất động sản (BĐS) thì thị trường này đã “đóng băng” vào đầu năm 2010, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, tình hình kinh tế vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều DN thuộc khối ngành này vẫn đang có nguy cơ “chết trên đống vàng”. Do đó, theo nhiều ý kiến, để cứu thị trường BĐS cần cân bằng nguồn cung và cầu…
Ngân hàng góp phần quan trọng làm “ấm” thị trường BĐS (ảnh minh họa).
Theo các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành bất động sản (BĐS) thì thị trường này đã “đóng băng” vào đầu năm 2010, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, tình hình kinh tế vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều DN thuộc khối ngành này vẫn đang có nguy cơ “chết trên đống vàng”. Do đó, theo nhiều ý kiến, để cứu thị trường BĐS cần cân bằng nguồn cung và cầu…
Người mua vẫn đợi giá hạ thấp
Trong tình hình thị trường nhà, đất ảm đạm, giá giảm nhiều so với lúc trước nên chị Trần Hoàng Anh (Long Hồ) tìm mua một khu đất tốt để có thể kinh doanh trong tương lai. Tuy nhiên, một số khu “ưng ý” lại có giá rất cao. Chị cho biết: Một khu gần thị trấn Long Hồ, mặt tiền có giá 3 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nếu so giá trị thực chỉ vào khoảng 2- 2,5 triệu đồng/m2. Lý do chênh lệch giá nhiều là do có tin đồn khu vực này sắp tới sẽ có một trường cao đẳng dời về. “Tôi đã thăm dò nhiều nguồn tin nhưng không có nguồn tin nào khẳng định. Thành ra giá đất bị đồn thổi. Hiện giá đất nhiều nơi còn bán thấp hơn bảng giá đất do Nhà nước quy định. Cho nên một khu đất ưng ý nhưng giá nên giảm đúng với giá trị thực của nó thì may ra mới có người mua”.
Trong khi đó, một số người bán đất cũng đang tính toán xem có nên hạ giá thêm để dễ dàng bán hay không. Anh Nguyễn Ngọc Ng.- có 2 nền nhà nằm gần Quốc lộ 53 thuộc huyện Long Hồ cho biết: Mỗi nền 200m2 giá 200 triệu đồng. Nhưng nhiều người lắc đầu “chê quá mắc”. Mà nếu hạ giá thêm nữa thì coi như đầu tư… lỗ nặng. “Miếng đất của tôi đã nằm đó mấy năm nay rồi. Người thì chờ giá rẻ thêm nữa để mua, người thì không chịu hạ giá để bán. Thành ra mạnh ai người đó đợi nên rốt cuộc đồng tiền thì để đó, đất để đó. Thị trường BĐS thành ra cũng… bất động”.
Đất đai ảm đạm, còn nhà ở cũng không mấy khả quan hơn. Hiện theo nhiều DN, thị trường nhà đất hoàn toàn đóng băng. Một DN kinh doanh BĐS ở Long Hồ cho biết: Nếu mua nhà để ở với giá vài trăm triệu đồng như vài năm trước thì có thể, nhưng chừng 2 năm trở lại đây thì rất… “èo uột”. DN này cho biết, thị trường biến động, đời sống của người dân cũng khó khăn. DN kinh doanh nhà ở dù có hạ giá “chạm đáy” cũng khó tìm được khách hàng. “Dẫu nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, công nhân viên chức nhà nước… thì cũng khó tìm đầu ra. Nhà băng bây giờ không còn dễ dãi như xưa. Dù họ có cho vay cũng chỉ một phần nhỏ. Thử hỏi bây giờ mấy ai dám liều hỏi mượn nợ thêm bên ngoài để mua nhà?”
Tiếp sức từ đồng vốn
Nếu người mua chờ BĐS giá giảm thật nhiều thì các DN kinh doanh trong ngành này cho rằng rất khó. Bởi nếu hạ giá quá thấp sẽ gây nên tình trạng đầu cơ dài hạn- tức người có tiền sẽ thu gom và bán lại khi có giá. Ông Trương Hoàng Hảo- Chủ DNTN Hoàng Hảo (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: Muốn thị trường BĐS được cứu thì rất cần vai trò của các ngân hàng. Ông Hảo cho rằng, nếu dòng vốn được khơi thông, mở ra nhiều gói cho vay kích cầu thì người dân mới có tiền mua nhà, mua đất, DN mới có tiền tái đầu tư… “Đầu ra được khơi thông, thị trường mới ấm lên được”.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các ngân hàng vẫn chưa khai thông vốn cho BĐS. Theo một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng thương mại, các ngân hàng đều “né” cho vay BĐS vì tỷ lệ nợ xấu chủ yếu tập trung vào BĐS, nhưng khả năng thu hồi vốn bằng loại tài sản này rất thấp. “Bây giờ còn cả khối tài sản thuộc BĐS là nợ xấu khó thanh lý. Nếu tiếp tục cho vay thì cả ngân hàng cũng chết theo”.
Tuy nhiên, nói như thế không hoàn toàn “cự tuyệt” với BĐS mà một số ý kiến cho rằng các DN cần tái cơ cấu kinh doanh. Hoạt động sao cho hiệu quả, các dự án đầu tư phải minh bạch về tài chính và tốt nhất là “đi chậm nhưng chắc”, cân bằng giữa cung và cầu, giá thành hợp lý... Nếu ngân hàng xét thấy đó là dự án tốt thì cũng sẵn sàng cho vay, như vậy sẽ tốt cho cả ngân hàng, DN và người có nhu cầu về BĐS...
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin