“Lách” khó, đón gió mới

06:06, 05/06/2012

Đầu tư không dàn trải mà theo sát nhu cầu thị trường, gói ghém đầu vào đẩy nhanh đầu ra, ổn định chất lượng… Những cách làm khá hiệu quả mà nhiều doanh nghiệp (DN) đã áp dụng, để “luồn lách” qua giai đoạn khó khăn.


Dự án nhà ở Khu phố Hoa Lan đang tiếp tục thi công.

Đầu tư không dàn trải mà theo sát nhu cầu thị trường, gói ghém đầu vào đẩy nhanh đầu ra, ổn định chất lượng… Những cách làm khá hiệu quả mà nhiều doanh nghiệp (DN) đã áp dụng, để “luồn lách” qua giai đoạn khó khăn.

Tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là thực trạng chung DN hiện nay. Thế nên, từ Nghị quyết 13 của Chính phủ với gói hỗ trợ DN, thị trường, đến các yếu tố tác động khác như giảm giá xăng dầu, đặc biệt lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm… được rất nhiều DN kỳ vọng “liều thuốc” đó sẽ giúp họ phục hồi “sức khỏe”, lấy lại “phong độ”. Từ thực tế ở một số DN, chúng tôi nhận thấy một làn gió mới.

Khéo co thì ấm

Dù có chút băn khoăn “có nhiều dự án nhưng lãi suất cao quá không dám làm. Đầu năm tới giờ sản xuất chỉ tạm ổn thôi!”, nhưng kỹ sư Nguyễn Phước Tiến- Phó Giám đốc Công ty CP Cơ khí Cửu Long, cũng cởi mở chia sẻ với nhà báo về tình hình của DN mình. “Chúng tôi trụ được vì đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu”- kỹ sư Tiến tiếp tục câu chuyện. “Trong lúc khó khăn, chúng tôi tận dụng nội lực là chính. Đầu tư nhanh, dứt điểm từng đơn hàng. Nghĩa là khi nhận đơn hàng, tính toán đầu vào vừa đủ và tập trung nguồn lực “đánh nhanh” sao cho hoàn thành sản phẩm nhanh nhất giao khách hàng. Việc này có nhiều cái lợi, khách hàng luôn muốn đáp ứng nhu cầu nhanh để đưa dự án vào hoạt động, còn DN phát huy tối đa năng suất lao động, thu hồi đồng vốn nhanh”.

Các sản phẩm chủ yếu của DN là bánh máy xới tay, cưa bào liên hợp, máy chế biến phụ phẩm cá tra, nhà xưởng… Vì hiểu được “thời khó khách hàng bỏ tiền đầu tư cần có sản phẩm nhanh, DN phải chú trọng để không làm mất cơ hội của họ”. Cho nên, theo kỹ sư Tiến, “những tháng đầu năm sản xuất cũng tạm ổn, đảm bảo việc làm cho người lao động”.

Trong khi nhiều dự án bất động sản đóng băng đẩy nhiều DN vào tình thế “kẹt cứng” thì tại Khu phố Hoa Lan (Phường 8- TP Vĩnh Long) bên cạnh các dãy nhà phố khang trang “đã có chủ”, dãy nhà ở mới đang thi công rất khẩn trương. Phó Giám đốc Phạm Xuân Giang cười tươi bảo: “Trước giờ, chúng tôi không đầu tư dàn trải. Mỗi lần xây dựng 10- 15 căn, bán 50% mới triển khai xây dựng tiếp. Kiểu đẹp, chất lượng đảm bảo, nhiều loại diện tích, giá phù hợp người dân… nên nhà bán rất được”.

Theo ông Giang, có lúc áp lực lãi suất rất lớn, nhưng với chiến lược phát triển chậm mà chắc và tận dụng nguồn vốn tự có hiệu quả, DN đã “luồn lách” được qua giai đoạn khó khăn nhất.

Thị trường cần được “mở van”

Với phương thức thanh toán linh hoạt, khách hàng mua nhà trả trước 30%, 70% ngân hàng (NH) cho vay trong 5 năm. Ông Giang cho biết: “Nhiều khách hàng đã tới tìm hiểu để có cơ hội sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu nhiều người “ngán ngược”. Vì không chỉ ngán lãi suất cao, khách hàng còn lo lãi suất không ổn định. Nên ai có đủ tiền mặt hoặc mượn từ người thân, bạn bè thì mới dám mua nhà lúc này”.

Đây cũng là “tâm tư” của rất nhiều DN. Bởi nói như lãnh đạo một DN: “Chủ trương, chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho DN đã có, nhưng chưa sâu, chưa sát nhu cầu. DN nào cũng mong muốn phát triển, tạo công ăn việc làm cho công nhân. DN mạnh muốn mạnh thêm. DN yếu thì muốn hồi phục. Vì thế rất cần sự đồng hành, cởi mở hơn từ NH”. Nhiều DN cho rằng, liều thuốc tốt nhất để cứu DN bây giờ không chỉ giảm lãi suất, mà làm cách nào để DN tiếp cận được vốn vay.


Bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN, cũng cần “mở van” tín dụng “kích” người tiêu dùng.

Chị T.D.- nhân viên tín dụng một NH thương mại ở Vĩnh Long cho biết, DN thuộc đối tượng ưu tiên (sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa…) theo Thông tư 14 của NH Nhà nước, vẫn phải đáp ứng một số điều kiện khác như phải có kiểm toán độc lập, không nợ quá hạn… nên không phải đối tượng ưu tiên nào cũng vay được. “Nhiều DN nộp hồ sơ ở NH tôi, nhưng rất ít DN đủ điều kiện”- chị T.D.
cho biết.

“Mở van” tín dụng cho DN, cho tiêu dùng, theo nhiều DN, là giải pháp tích cực. DN “sống lại” nhờ đồng vốn, còn người tiêu dùng “có điều kiện” mua hàng, thì đời sống của thị trường sẽ trở lại sôi động hơn.

Phó Giám đốc Nguyễn Phước Tiến đưa ra một tín hiệu đáng mừng, khi lãi suất giảm, DN được tháo gỡ nhiều nút thắt theo Nghị quyết 13, khách hàng đã yêu cầu gửi bảng báo giá nhiều hơn. Thật ra, dự án của họ đã sẵn sàng, chỉ chờ “lãi suất NH ok” là triển khai ngay!

Bài, ảnh: T.PHƯỚC- T.HIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh