Kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long- chặng đường 20 năm nhìn lại

06:06, 10/06/2012

Ngày 26/12/1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 đã có quyết định chia tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh: Vĩnh Long và Trà Vinh. Tỉnh Vĩnh Long được tái lập từ đầu tháng 5/1992. Sau 20 năm tái lập tỉnh đến nay, nền kinh tế Vĩnh Long đã từng bước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trong những năm cuối của thập niên 80, bước đầu đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng trưởng

Ngày 26/12/1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 đã có quyết định chia tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh: Vĩnh Long và Trà Vinh. Tỉnh Vĩnh Long được tái lập từ đầu tháng 5/1992. Sau 20 năm tái lập tỉnh đến nay, nền kinh tế Vĩnh Long đã từng bước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trong những năm cuối của thập niên 80, bước đầu đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng trưởng kinh tế ngày càng ổn định và bền vững, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Là một tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu; có diện tích tự nhiên nhỏ nhất trong khu vực song mật độ dân số lại khá cao (diện tích tự nhiên là 1.505km2 và dân số có đến ngày 1/1/2012 là 1.028.550 người; mật độ dân số trên 683 người/km2), thuộc tỉnh có mật độ dân số cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (chỉ sau TP Cần Thơ) và cao gấp 3 lần mật độ dân số chung của cả nước.

Thế nhưng vùng đất Vĩnh Long hội tụ rất nhiều lợi thế được thiên nhiên ưu đãi và lại là vùng đất phù sa nước ngọt, khí hậu thuận hòa, ít bị lũ lụt, hạn hán như các tỉnh khác trong vùng; có Quốc lộ 1 đã được nâng cấp chạy qua tỉnh, cầu Mỹ Thuận xây dựng và đã đi vào hoạt động từ năm 2000, cầu Cần Thơ đã được xây dựng hoàn thành và thông giao vào tháng 4/2010, các tỉnh lộ và các quốc lộ 53- 54- 57- 80 nối các tỉnh trong khu vực cơ bản hoàn thiện và đang được nâng cấp cùng với hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi tạo nên cho tỉnh một vị thế quan trọng trong việc giao lưu và hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng trưởng kinh tế phải lấy chất lượng, hiệu quả kinh tế- xã hội làm mục đích, lấy tăng trưởng kinh tế để giải quyết các vấn đề xã hội. Thực hiện phương hướng đó, kể từ khi tái lập, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã vận dụng và thực hiện một cách sáng tạo, sinh động; đã lãnh đạo quân dân tỉnh nhà không ngừng phấn đấu vươn lên, chủ động sáng tạo để khắc phục khó khăn trong quá trình xây dựng và hội nhập, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng tích cực.

Gốm mỹ nghệ xuất khẩu trở thành thương hiệu của tỉnh nhiều năm qua. Ảnh: VINH HIỂN

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) năm 2011 (tính theo giá so sánh năm 1994) đạt 8.596 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,8 lần so với năm 2000 và gấp hơn 5 lần so với năm 1992. Nhịp độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm qua đạt 8,74%/năm; trong đó, giai đoạn 1992- 2000 đạt 7,35%/năm và giai đoạn 2001- 2011 là 9,89%/năm. Riêng giai đoạn 2006-2011 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,32%/năm; là giai đoạn đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 1976- 1985 là 5,67%, giai đoạn 1986- 1990 là 4,98%). GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 28,24 triệu đồng tương đương 1.346 USD; so với năm 1992 (khi vừa chia tách tỉnh) cao gấp 13 lần nếu tính theo đồng Việt Nam và gấp 7,6 lần nếu quy đổi ra Dollar Mỹ.

Cơ cấu kinh tế luôn chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành được thể hiện rõ nét là tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ không ngừng tăng lên, tỷ trọng khu vực nông ngư nghiệp giảm đi một cách tương ứng trong khi vẫn duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ở tất cả các ngành kinh tế.

Cơ cấu kinh tế (Tổng số bằng 100%)


Khu vực I

(Nông lâm- thủy sản)

Khu vực II

(Công nghiệp- xây dựng)

Khu vực III

(Các ngành dịch vụ)

Năm 1992

68,00

9,56

22,44

Năm 2000

59,20

11,93

28,87

Năm 2005

55,55

14,08

30,37

Năm 2011

50,37

16,24

33,39

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 1991- 2000 và giai đoạn 2001- 2010, Vĩnh Long đã cùng cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, trước nhất là công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng, phát triển nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhìn lại thời kỳ 1992- 2011, nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long đạt được những kết quả trên các lĩnh vực chủ yếu sau:

Về sản xuất nông, lâm, thủy sản: Kết quả sản xuất trong 20 năm qua cho thấy ngành nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển khá. Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh) hàng năm đều tăng so với năm trước: Năm 1992 tăng 4,56%, năm 2000 tăng 2,97%, năm 2005 tăng 5,68% và năm 2010 tăng 5,74%. Giá trị sản xuất năm 2011 (giá cố định 1994) đạt 6.396 tỷ đồng, tăng gấp 2,85 lần so năm 1992 và 1,76 lần so năm 2000; tốc độ phát triển bình quân hàng năm trong 20 năm là 5,61%.

Năm 2011, Vĩnh Long sản xuất trên 1 triệu tấn lúa, góp phần tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG MINH


Về lĩnh vực trồng trọt: Sản xuất lương thực là thế mạnh và cũng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh. 20 năm qua nhờ được tập trung đầu tư nên sản xuất lương thực của tỉnh nhà đã có bước phát triển hơn trước. Nếu như năm 1992, sản lượng lương thực quy thóc của tỉnh chỉ ở mức 714,7 ngàn tấn (trong đó lương thực có hạt 698,9 ngàn tấn) thì đến năm 1998 vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn (đạt 1.011,34 ngàn tấn). Bất chấp khó khăn do thiên tai, dịch hại và tác động tiêu cực do tình hình giá cả và thị trường làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nhưng hàng năm sản xuất lương thực vẫn duy trì ở mức cao. Năm 2005 sản lượng lương thực quy thóc đạt mức 1.027,8 ngàn tấn (trong đó lương thực có hạt 974,6 ngàn tấn); đến năm 2011 đạt mức 1.121 ngàn tấn (trong đó lương thực có hạt trên 1 triệu tấn), tăng 12,8% so với năm 2010 và gấp 1,57 lần so với năm 1992. Bình quân hàng năm giai đoạn 1992- 2011 sản lượng lương thực tăng lên 2,12%, trong đó sản lượng lương thực có hạt tăng 1,83%/năm. Do tốc độ tăng sản lượng lương thực tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số nên sản lượng lương thực bình quân đầu người cũng tăng từ 728 kg/người năm 1992 lên 927 kg/người năm 2001 và năm 2011 đạt mức đỉnh điểm cao nhất trong 20 năm qua là 1.090 kg/người (trong đó lương thực có hạt 1.007kg).

Với thắng lợi trên, ngành nông nghiệp không những đã góp phần cùng cả nước giải quyết vấn đề an ninh lương thực mà còn cung ứng một lượng gạo đáng kể cho lĩnh vực xuất khẩu tạo nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà.

Cây lâu năm mà chủ yếu là cây ăn trái là thế mạnh thứ 2 của tỉnh trong ngành trồng trọt. Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện đề án cải tạo vườn tạp đến nay đã có sự phát triển vượt bậc và tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và giá trị sản phẩm. Giá trị sản xuất cây lâu năm của tỉnh năm 2011 đạt 1.982 tỷ đồng (giá cố định 1994), bằng 8,7 lần năm 1992, bình quân trong 20 năm tăng 12,1%/năm; trong giai đoạn 2006- 2011 cung cấp cho thị trường hàng năm từ 250- 350 ngàn tấn sản phẩm hàng hóa (không tính cây dừa), trong đó có nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế cao như: nhãn, cam, bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng, bòn bon,...

Về lĩnh vực chăn nuôi: Mặc dù đã trải qua biến động thăng trầm do tác động của quy luật cung cầu về giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nhưng nhìn chung tình hình chăn nuôi vẫn có bước phát triển khá cao. Giá trị sản xuất năm 2011 (giá cố định 1994) đạt 985 tỷ đồng, bằng 3,43 lần 1992, bình quân trong 20 năm qua tăng 6,94%/năm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2011 đạt 87,21 ngàn tấn; bình quân mỗi năm tăng trên 3,1 ngàn tấn.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh của tỉnh, nhất là nuôi cá tra thâm canh cho xuất khẩu, trong những năm qua cũng được chú trọng và phát triển. Bình quân trong 20 năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng hàng năm 12,33%, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng hàng năm 17,82%. Các mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai rộng khắp các địa phương.

Nông nghiệp phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tăng cường hợp tác và giao lưu kinh tế trong và ngoài nước. Trên lĩnh vực xuất khẩu, nếu như năm 1992 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cả năm chỉ đạt 19,63 triệu USD thì đến năm 2011 đã đạt 384,24 triệu USD; trong đó riêng mặt hàng gạo xuất khẩu đã tăng từ 60,5 ngàn tấn năm 1992 lên 440,3 ngàn tấn năm 2011 góp phần thu về cho tỉnh một lượng ngoại tệ đáng kể.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp:

Trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ IV (1991- 1995) do điều kiện mới chia tách tỉnh, xuất phát của ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) tỉnh nhà còn ở mức thấp, công nghiệp chế biến và TTCN còn nhỏ bé, trình độ công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp,... Quán triệt đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ Đại hội VIII của Đảng đề ra cho đến nay và thực hiện tốt các nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội của Đảng bộ Vĩnh Long qua các giai đoạn, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long với thế và lực mới, đã đạt được những kết quả đáng tự hào.

Sản xuất CN-TTCN chung toàn tỉnh đã từng bước vươn lên với tốc độ tăng bình quân hàng năm trong 20 năm qua là 16,15%. Giá trị sản xuất CN- TTCN năm 2011 (theo giá cố định 1994) đạt 6.474 tỷ đồng, gấp gần 17 lần năm 1992.

Các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thủy sản; sản xuất trang phục, dược phẩm, gạch ngói, gốm sứ xuất khẩu; chế biến gỗ; cơ khí chế tạo,... ngày càng tăng lên về quy mô và số lượng cơ sở. Bên cạnh đó các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực- thực phẩm,... được phục hồi và phát triển ở các địa phương. Ngoài ra, một số ngành công nghiệp mới hình thành như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giày thể thao, sản xuất dầu nhờn,... với quy mô khá lớn. Năm 1992 chỉ có 3.012 cơ sở sản xuất CN- TTCN thì đến năm 2011 đã tăng lên 12.104 cơ sở. Từ năm 2003, Khu công nghiệp Hòa Phú- khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh vừa xây dựng hạ tầng kỹ thuật vừa đón tiếp các nhà đầu tư; đến nay toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp và 1 tuyến công nghiệp thu hút 24 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 2.289,2 tỷ đồng Việt Nam và 97,51 triệu USD. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang chiếm tỷ trọng 34,3% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá thực tế), tạo việc làm ổn định cho trên 13,7 ngàn lao động, góp phần đáng kể vào tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh nhà.

Hoạt động thương mại- dịch vụ:

Từ năm 1992 đến năm 2011, các cơ sở kinh doanh thương mại- dịch vụ có bước phát triển khá, đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa của nền kinh tế. Nếu như năm 1992 trên địa bàn tỉnh có 7.625 cơ sở thì đến năm 2011 đã phát triển lên được 48.350 cơ sở, tốc độ tăng bình quân về số cơ sở là 10,2%/năm. Mạng lưới chợ nông thôn phát triển mạnh, nhiều trung tâm thương mại- dịch vụ được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Hoạt động du lịch phát triển khá theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội từ năm 1992- 2011 tăng bình quân hàng năm là 23,66%, đến năm 2011 đã đạt 20.971 tỷ đồng. Mức bán lẻ bình quân đầu người từ 555,6 ngàn đồng năm 1992 tăng lên 20.389 ngàn đồng/người năm 2011.

Các giải pháp kiềm chế lạm phát; chống đầu cơ, chống hàng gian hàng giả được triển khai đồng bộ giúp lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Bên cạnh đó do thực hiện tốt việc phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp cho giá cả hàng hóa ngày càng ổn định, chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp,... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.

Một số lĩnh vực khác:

- Cơ sở hạ tầng: Đạt được những thành tựu về mặt kinh tế như trên một phần là nhờ vào việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trong 20 năm qua. Bằng nhiều nguồn vốn kết hợp, tỉnh Vĩnh Long hàng năm đều dành một khoản vốn đầu tư rất lớn để ưu tiên cho việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Tính đến cuối năm 2011 toàn tỉnh đã có 100% số xã, phường, thị trấn (107/107) có đường ôtô đến được trung tâm xã trong 2 mùa mưa nắng; phần lớn các xã có đường liên ấp được nhựa hóa và bê tông từ 50% trở lên. 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế và trường tiểu học. Trong 94 xã khu vực nông thôn có 31,9% (30 xã) có điểm bưu điện, 98,9% (93 xã) có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, 96,8% (91 xã) có điểm bưu điện văn hóa xã. Có 74,5% số xã, phường, thị trấn (70/107) có chợ. Hệ thống lưới điện đã được phủ khắp từ thành thị đến nông thôn. Đến nay đã cung cấp điện lưới quốc gia cho 100% số ấp, khóm trong toàn tỉnh; đưa tỷ lệ hộ có sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất từ 11,9% năm 1992 lên 98,9%; sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người tăng gấp 14 lần.

- Đời sống dân cư: Với sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà trong 20 năm qua đã kéo theo đời sống dân cư cũng được cải thiện rõ nét, thu nhập của người dân đều tăng hàng năm. Nếu như mức thu nhập bình quân đầu người năm 1992 chỉ có 1,13 triệu đồng/người thì đến hết năm 2011 đã tăng lên 18,85 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo tập trung thực hiện mạnh các chính sách giúp người nghèo được vay vốn, đào tạo nghề để tự phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ giúp cho họ tự tìm kiếm thu nhập và vươn lên thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn hiện hành của từng giai đoạn) giảm từ 12,8% năm 1992 xuống còn dưới 8% năm 2011.

Do thu nhập của người dân tăng lên cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách về đầu tư phát triển nhà ở thu hút các thành phần kinh tế tham gia, cho vay xây dựng và sửa chữa nhà ở,... giúp cho điều kiện sinh hoạt của người dân được cải thiện rõ rệt. Nhà ở của dân cư được đầu tư xây mới và sửa chữa khang trang hơn trước; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố tăng lên, nhà tạm bợ giảm đi một cách đáng kể. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ các hệ thống cấp nước tập trung tăng lên đến 78% ở khu vực thành thị và 32% ở khu vực nông thôn. Xu hướng mua sắm trang thiết bị, đồ dùng lâu bền cho sinh hoạt của hộ gia đình ngày càng tăng từ thành thị đến nông thôn; nhiều hộ gia đình ở nông thôn trang bị tiện nghi sinh hoạt không thua kém những hộ khá giả ở thành thị.

Tóm lại, với những thành tựu đạt được như trên là một nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, chặng đường phát triển cho những năm tới vẫn chưa hết những khó khăn, thách thức. Vì vậy, trong điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, là tỉnh đất hẹp người đông, đất đai ít và manh mún, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện ở mức cao, trình độ dân trí thấp, sản xuất phát triển còn chậm,... nên cần tập trung mọi tiềm lực để phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Với những thành tựu mà kinh tế Vĩnh Long đạt được trong 20 năm qua, những tiềm lực hiện có, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa sẽ làm tăng thế và lực cho việc phát triển kinh tế của tỉnh nhà nói chung và khu vực nông thôn nói riêng cả về vốn, khoa học công nghệ, con người, cơ chế chính sách. Đảng bộ tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện 6 chương trình hành động chuyên đề thực hiện Nghị quyết XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX với tinh thần dám nghĩ, dám làm và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân sẽ kết chặt với nhau thành một sức mạnh tổng hợp, tăng tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ổn định chính trị xã hội chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tiền đề và điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà trong những năm tới.

NGUYỄN HỒNG NGƠN (Cục trưởng Cục Thống kê)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh