Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (gọi tắt là TTKC-KN) đã có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả. Trong đó, đào tạo nghề theo địa chỉ và hỗ trợ trang thiết bị nhằm thay đổi công nghệ lạc hậu đang cho nhiều hiệu quả tích cực…
Các lớp đào tạo nghề theo địa chỉ như thế này đang mở ra nhiều hiệu quả.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (gọi tắt là TTKC-KN) đã có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả. Trong đó, đào tạo nghề theo địa chỉ và hỗ trợ trang thiết bị nhằm thay đổi công nghệ lạc hậu đang cho nhiều hiệu quả tích cực…
“Học xong là có việc làm ngay”
Giải quyết tình trạng thiếu lao động của các doanh nghiệp (DN), cơ sở luôn được xem là vấn đề rất cần thiết, nhất là nhu cầu lao động có tay nghề. Theo ông Nguyễn Vũ Cường- Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vũng Liêm thì các làng nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tuy có phát triển nhưng vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, tình trạng thiếu lao động đang gây rất nhiều khó khăn.
Nắm được vấn đề này, từ đầu năm 2012 đến nay, TTKC-KN đã mở 5 lớp đào tạo nghề theo địa chỉ cho các hợp tác xã (HTX), DN trên địa bàn, với hơn 175 lao động. Ông Nguyễn Tri Phương- Chủ nhiệm HTX Nhân Trí (ấp Phú Cường, xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) cho biết: Với 35 lao động mới được TT đào tạo sẽ giúp cho HTX thêm nhiều lao động có tay nghề. Lao động được đào tạo chủ yếu là dân tại địa phương và sẽ có việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, giải quyết nguồn lao động nông nhàn.
Theo ông Trần Hoàng Tuấn- Phó Giám đốc TTKC-KN thì hiệu quả nổi bật là công tác hỗ trợ công nghệ máy móc và đào tạo nghề theo địa chỉ. “Trước khi mở các lớp đào tạo nghề, TTKC-KN sẽ liên hệ với DN hoặc cơ sở, HTX để nắm nhu cầu nghề cần đào tạo và yêu cầu phải tạo việc làm cho lao động ngay sau khi học nghề, thời gian hỗ trợ việc làm ít nhất là 2 năm. Bên cạnh đó, lao động được đào tạo sẽ có điều kiện làm việc trong môi trường có tính công nghiệp, từ đó tạo tác phong công nghiệp cho từng lao động, góp phần giải quyết lao động nông nhàn, tận dụng hiệu quả nguồn lao động địa phương”.
Song song đó, hiệu quả từ công tác đào tạo nghề còn được thể hiện ở mức thu nhập cho lao động. Hiện, theo tính toán của TTKC-KN, đời sống của xã viên, người lao động ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 12- 20 triệu đồng/người/năm và có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Đây là cơ sở để khẳng định hướng đi hiệu quả của TTKC-KN.
Dần đổi mới công nghệ lạc hậu
Bên cạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, TTKC-KN còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ máy móc, trang thiết bị nhằm thay đổi dần các công nghệ lạc hậu. Theo ông Tuấn, hiện phần lớn DN, cơ sở sản xuất ở Vĩnh Long đều có quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, trang thiết bị còn rất lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong năm 2012, kinh phí để thực hiện khuyến công địa phương là 400 triệu đồng cho 12 đề án và 600 triệu đồng cho 3 dự án khuyến công quốc gia.
Ông Nguyễn Nhật Ly Đa- Chủ nhiệm HTX Sản xuất Sít Đa (ấp Giồng Ké, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) cho biết: Các trang thiết bị được TTKC-KN hỗ trợ đều mới, tương đối hiện đại và phục vụ rất tốt sản xuất. Hiện HTX cũng vừa được TTKC-KN hỗ trợ thêm 1 máy cưa bào liên hợp, 1 máy cưa lọng bánh đà do Việt Nam sản xuất, trị giá 30 triệu đồng. “Đây chưa hẳn là một số tiền lớn nhưng cho thấy TTKC-KN đã rất quan tâm đến sản xuất của các DN, cơ sở trong điều kiện khó khăn. Mặt khác, từng bước thay đổi những công nghệ lạc hậu nhằm đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất”.
Còn ông Phạm Văn Cường- Giám đốc xưởng đóng tàu CKC (Bình Tân) đánh giá: Hoạt động hỗ trợ trang thiết bị, máy móc của TTKC-KN đã phần nào giúp DN thay đổi công nghệ sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh. Hiện DN cũng đã được TTKC-KN hỗ trợ đề án sử dụng các công nghệ túi khí để hạ thủy tàu…
Ngoài ra, TTKC-KN cũng đã đầu tư máy móc thiết bị mới cho các làng nghề như: hệ thống sấy lục bình cho làng nghề đan thảm lục bình Ngãi Tứ; hệ thống cắt, đóng gói ở làng nghề bánh tráng nem Lục Sĩ Thành; hỗ trợ và xây dựng nhãn hiệu gốm đỏ Vĩnh Long; đề án hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu dưa cải muối chua Tân Định;… dần cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin