Từ 130.000 đ/chục (12 trái) vào khoảng cuối năm 2011, rồi từ đó giá dừa khô tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL liên tục giảm sâu và hiện chỉ còn… 8.000 đ/chục, nhưng không có người mua.
Từ 130.000 đ/chục (12 trái) vào khoảng cuối năm 2011, rồi từ đó giá dừa khô tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL liên tục giảm sâu và hiện chỉ còn… 8.000 đ/chục, nhưng không có người mua.
Dừa rớt giá, nông dân lẫn thương lái đều ngao ngán.
“A lô, a lô, dừa khô… xuống giá!”
Chứng kiến bà Nguyễn Thị Tế (ấp Phú Sơn- Long Phú- Tam Bình) rưng nước mắt khi bán cả vườn dừa 7 công cho thương lái nhưng cầm trong tay chỉ ngoài 2 triệu đồng mới thấu hiểu sự bi đát của người trồng dừa hiện nay đến mức nào. Bà Tế cho biết, cả vườn của bà có khoảng 200 cây. Trước đây, cứ 2 tháng, bà bán một lần trên 10 triệu đồng. Nhưng kể từ khi dừa rớt giá thì số lần bán đã thưa dần do thương lái không “săn đón” như trước. Không bán được nên số lượng dừa tồn đọng ngày một nhiều. Và mới đây, một thương lái đồng ý mua sô với giá 8.000 đ/chục, sau khi bán trên 3.000 trái dừa tồn đọng, bà Tế chỉ thu trên 2 triệu đồng. “Trồng mấy mươi năm cực khổ, đến khi có trái nhiều thì rớt giá, tình trạng này kéo dài chắc phải đốn toàn bộ vườn dừa để chuyển sang trồng cây khác”- bà Tế cho hay.
Chúng tôi vào vườn dừa trên 20 năm tuổi của bà Nguyễn Huyền Hương (xã Tân Phú- Tam Bình). Trên bờ lẫn dưới mương, dừa khô rụng nằm lăn lóc. Nhiều trái rụng quá lâu đã lên mộng, lá non xanh. Bà Hương trồng khoảng 40 gốc dừa. Thời điểm dừa 130.000 đ/chục, trung bình mỗi tháng bà thu hoạch được gần 500 trái, bán khoảng 8 triệu đồng. Nhưng kể từ khi dừa rớt giá thì vườn dừa gần như không còn huê lợi. Cả tháng nay, thỉnh thoảng vẫn có thương lái đến ngã giá mua dừa nhưng chỉ mua loại trái lớn, còn trái nhỏ thì không mua. Chán nản, bà Hương không chăm sóc nên vườn dừa không còn sai trái như trước, nhiều cây có dấu hiệu suy kiệt.
Bế tắc việc “cứu” cây dừa
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nguyên nhân dừa trái giảm giá là do ảnh hưởng chung suy thoái kinh tế thế giới. Hiện các tỉnh Tiền Giang, Long An, Trà Vinh… có nhiều diện tích dừa đang thu hoạch rộ, trong khi các thị trường Châu Âu, Châu Phi, Bắc Mỹ đã giảm nhập khẩu dừa của Việt Nam.
Nhiều nông dân ở Vũng Liêm trồng ca cao xen vườn dừa nhằm cải thiện thu nhập.
Còn theo anh Nguyễn Văn Bon- một thương lái mua bán dừa ở TP Cần Thơ: Dừa khô được tiêu thụ tại chỗ chỉ một lượng nhỏ, còn phần lớn được chở qua Bến Tre bán cho các thương lái Trung Quốc. Nhưng nhiều tháng qua, kênh tiêu thụ này không còn “ăn hàng” như trước. Mặt khác, do những năm gần đây dừa có giá cao nên nhiều địa phương đổ xô trồng, đẩy sản lượng tăng nên xảy ra tình trạng tồn đọng lớn.
Dừa “lên chợ” giá vẫn cao ngất ngưởng
Tuy giá dừa được thương lái mua tại vườn đang giảm mạnh, nhưng theo nhiều người tiêu dùng, giá dừa tại các chợ vẫn đang ở mức khá cao. Cụ thể, tại chợ Vĩnh Long, ngày 24/6 dừa khô có giá 7.000- 8.000 đ/trái, tùy lớn nhỏ; còn dừa nạo giá khoảng 8.000 đ/trái. Nhiều lái buôn giải thích, giá dừa “lên chợ” cao ngất ngưởng do ảnh hưởng chi phí vận chuyển tăng cao.
|
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 7.400ha dừa trồng phân tán. Năm 2011, tổng sản lượng dừa thu hoạch cả tỉnh trên 104.000 tấn. Huyện Vũng Liêm có diện tích trồng lớn nhất tỉnh, với trên 3.300ha, sản lượng dừa thu hoạch năm 2011 đạt trên 46.000 tấn. |
Bài, ảnh: N.HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin