Đảm bảo vấn đề an ninh lương thực tại Việt Nam

07:06, 29/06/2012

“Nền sản xuất lúa gạo Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất mạnh, ấn tượng trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân trồng lúa hiện nay vẫn bấp bênh, không được đảm bảo. Việc đề xuất những chính sách an ninh lương thực bền vững hướng đến người trồng lúa, người nghèo là hết sức cần thiết”.

“Nền sản xuất lúa gạo Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất mạnh, ấn tượng trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân trồng lúa hiện nay vẫn bấp bênh, không được đảm bảo. Việc đề xuất những chính sách an ninh lương thực bền vững hướng đến người trồng lúa, người nghèo là hết sức cần thiết”. Đó là lời phát biểu khai mạc của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn tại hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, Chính sách và Triển vọng” tổ chức sáng 28-6 tại Hà Nội.

Vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam luôn được gắn với vấn đề đảm bảo nguồn cung và cân bằng cung/cầu lúa gạo. Trong vòng 25 năm qua, sản lượng lúa gạo của Việt Nam đã tăng trưởng rất đáng kể và ổn định. Việt Nam đang ở trong nhóm dẫn đầu các nước đang phát triển trong sản xuất lương thực tính theo đầu người và xuất khẩu lương thực.

Những thành công lớn

Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu gần 1/3 sản lượng gạo của mình và đang đóng góp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trên thế giới. Theo phân tích của Tiến sĩ Steven Jaffee, Điều phối viên Chương trình hợp phần Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới, mặc dù có các vấn đề ở từng địa phương về hạn hán, sâu hại và dịch bệnh, những giai đoạn ngập úng kéo dài hoặc tình trạng bị xâm mặn, mô hình sản xuất lúa quốc gia của Việt Nam vẫn ổn định và nhất quán, hoàn toàn trái ngược với các nước sản xuất lúa gạo lớn khác ở châu Á. Trong vòng 20 năm qua, chỉ có hai năm 2001 và 2005 là sản lượng lúa cả nước bị sụt giảm so với các năm trước đó, mức độ sụt giảm cũng không lớn, khoảng 300.000 và 400.000 tấn (tương đương với 0,8% và 1,3%).

Các chính sách an ninh lương thực hướng đến những nông dân trồng lúa. Nguồn: Internet.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được hoặc vượt qua các mục tiêu của mình về nguồn cung lương thực, hiện đang là nước sản xuất gạo và lương thực có mức thặng dư lớn. Tính về khối lượng, Việt Nam đang chiếm khoảng 22% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới.

Những thành công trong tăng năng suất lúa và sản xuất lúa trên toàn quốc trong quá khứ đóng vai trò then chốt tạo ra những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong giảm nghèo, đói và suy dinh dưỡng trong suốt giai đoạn từ cuối những năm 1980 đến giữa những năm 2000. “Câu chuyện thành công” của ngành lúa gạo Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng giúp Việt Nam chuyển từ một quốc gia thu nhập thấp sang một quốc gia có thu nhập trung bình.

Tiêu thụ gạo trên đầu người tại Việt Nam có xu hướng giảm

Tuy nhiên, gần đây, vai trò của lúa gạo như là động lực của phát triển nông thôn và giảm nghèo đã giảm xuống. Theo số liệu của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), tỷ lệ đóng góp của gạo vào trong tổng lượng ca-lo người dân Việt Nam có được từ bữa ăn đạt đỉnh cao nhất vào giữa năm 1975 và 1985 khoảng 75%.

Tiến sĩ Steven Jaffee trình bày tại buổi hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra rằng, mặc dù có dư thừa cung lương thực lớn theo mùa và hàng năm, nhưng gạo lại đóng góp tương đối ít vào những thành công trong giảm thiểu suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng như lợi ích của người nông dân.

Theo nhận định của Tiến sĩ Steven Jaffee, tiêu thụ gạo trên đầu người và tổng tiêu thụ của Việt Nam bắt đầu giảm và nhiều khả năng sẽ giảm nhanh. Ông khẳng định: “Nhiều gạo không còn đem lại an ninh lương thực tốt, mà còn xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng ở chính những nơi sản xuất gạo”. Tỷ lệ thiếu cân quốc gia (dưới 5 tuổi) chiếm 19,8%, còi cọc là 31,8%. Lý giải nguyên nhân về vấn đề này, Tiến sĩ Steven Jaffee cho biết, về căn bản không phải do thiếu ca-lo, mà liên quan nhiều đến thành phần bữa ăn, thiếu hụt dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, bệnh tật, tập quán nuôi con bằng sữa mẹ và cung cấp nước sạch…

Cũng trong buổi hội thảo, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đã đưa ra những giải pháp, chính sách về vấn đề an ninh lương thực tại Việt Nam. Đặc biệt, ông đề ra những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa để bảo vệ và phát triển đất lúa: hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước, hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho đối tượng sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ lúa nương không theo quy hoạch.

Ngoài ra, cần áp dụng rộng rãi hơn trang trại theo hợp đồng giữa các nhóm nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, tăng cường chiến lược đa ngành để giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực ở hộ gia đình và giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, chính phủ cần định hướng lại trọng tâm từ các chức năng thương mại sang tập trung vào các mục tiêu xã hội… là những chính sách được các đại biểu đưa ra hướng đến những người trồng lúa, người nông dân nghèo hiện nay.

Theo QĐND Online

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh