Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng liên tiếp mọc lên; các dịch vụ ăn uống, giải trí, đi lại của con người cũng không ngừng phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Vì thế, người bán hàng cần khéo léo…
Thái độ ân cần, vui vẻ… là một trong những cách giúp chợ tăng sức cạnh tranh.
Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng liên tiếp mọc lên; các dịch vụ ăn uống, giải trí, đi lại của con người cũng không ngừng phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Vì thế, người bán hàng cần khéo léo…
Bây giờ đi chợ, cứ hay nghe tiểu thương than vắn thở dài “chợ ế lắm!” hoặc “không tấp nập như hồi trước”…
Nhiều người còn cho rằng, đã qua rồi thời “trăm người bán, vạn người mua” vì ngày nay chợ có mặt ở khắp nơi: chợ đầu mối, chợ thị trấn, chợ xã,… Nơi nào đông dân cư thì ngoài những chợ “chính thống”, các chợ tự phát, chợ chồm hổm cũng “thi nhau mọc” lên, bất kể “cung” có vượt “cầu”. Bên cạnh là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng đang phát triển với thế mạnh là hàng hóa phong phú- trưng bày bắt mắt hoặc được sơ chế sẵn, cung cách phục vụ chuyên nghiệp… Chưa kể, các tiệm tạp hóa với đủ thứ hàng hóa như một cái chợ thu nhỏ cũng mọc lên khắp nơi.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong những lần đưa hàng Việt về nông thôn thường có chương trình huấn luyện tiểu thương kinh nghiệm bán hàng. Và cũng chính sự cạnh tranh gay gắt của thị trường khiến chợ truyền thống đau đầu tìm biện pháp ổn định thị phần như niêm yết giá, phát động “văn minh thương mại– bán hàng đúng giá”, giao hàng tận nơi…
Anh Nguyễn Vĩnh Hưng- cán sự Ban Quản lý chợ Phước Thọ nói, để giữ khách, các tiểu thương luôn niêm yết giá, giao hàng tận nơi– dù chỉ là những món hàng nhỏ. Bên cạnh, còn áp dụng giá chung từng ngành hàng, tránh cạnh tranh không lành mạnh…
Mặt khác, thái độ vui vẻ, ân cần của tiểu thương là một trong những yếu tố quan trọng để “giữ chân” khách hàng. Nhiều người cho biết, rất thích mua quần áo ở một nơi nào đó không chỉ vì chỗ đó có nhiều kiểu đẹp mà còn vì người bán hàng nhiệt tình, vui vẻ… Lạc Tú Anh– sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long hay mua quần áo ở một shop chợ đêm (Phường 1) nói: “Người bán để mình lựa thoải mái, còn nhiệt tình giới thiệu mẫu mới, thậm chí còn sẵn sàng “cho mượn” về thử, chỉ yêu cầu nhỏ là nếu không hợp thì mang ra sớm sớm để chị bán. Vậy là mình “kết” chỗ đó, mỗi lần mua đồ thường ghé đó trước”. Còn chị Lưu Thị Thùy Linh thì “lặn lội” từ Tân Hội xuống tới Phường 4 (TP Vĩnh Long) mua quần áo cho con vì thích sự vui vẻ, thoải mái của người bán hàng. Chị Linh nói: “Mua hàng ở đây rất thoải mái, không như một số chỗ cứ thấy mình đổi hàng là tỏ vẻ không vui, nên dù đi xa một chút cũng… xứng đáng”.
Tuy nhiên, cũng không hiếm người cho biết, đã đôi lần “nghỉ” mua hàng hoặc “đoạn tuyệt” với một đơn vị vận chuyển hành khách nào đó vì thái độ phục vụ không vui vẻ, thậm chí thờ ơ, bất cần đối với khách hàng… Chị Lành (Tam Bình)– nhiều lần đặt vé xe chất lượng cao P.T. để đi làm. Tuy nhiên chị cho biết, nhiều lần gọi điện thoại, cứ hay nghe nhân viên trực vé nói xẵng giọng, đôi khi đến quầy mua vé mà gọi cả buổi nhân viên vẫn… làm ngơ, có khi bán trước cho người đến sau. Chị thầm nghĩ “mai mốt sẽ đi xe khác”. Còn anh Nguyễn Tuấn An (Lộc Hòa– Long Hồ) kể, có lần vợ chồng anh ghé một quán “nghe nói” là khá ngon ở đường Phước Hậu (Long Hồ) ăn lẩu cá hồi. Khi phát hiện cá không còn tươi, hai vợ chồng nhẹ nhàng nói với người chủ quán, nghĩ rằng sẽ đổi được số cá còn lại. Ai dè, sau khi nếm thử, chủ quán phán luôn: “Cá tươi mà anh chị, tại vị cá này vậy thôi”. Vợ chồng anh tính tiền ra về và không nói gì thêm, nhưng buồn về cách xử sự của chủ quán. Chị Cẩm Tú- vợ anh An nói: “Lần đầu tôi ghé quán đó nhưng chắc chắn… không có lần sau. Còn nhiều quán khác nữa mà”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung– chủ cửa hàng Mẹ và Bé (Phường 4– TP Vĩnh Long) cũng có những khách hàng nghĩ “mình là thượng đế” nên có những yêu cầu quá đáng, lúc đó không chỉ phải khéo léo mà cần cứng rắn. “Có khách mua hàng đem quần áo về sử dụng rồi mang ra muốn “đổi hàng”. Lúc đó, mình phải tìm cách chứng minh nhưng vẫn phải khéo để họ không mất mặt”– chị nói.
Thiết nghĩ, một khi đã có quyền lựa chọn, tất nhiên người tiêu dùng sẽ chọn nơi mà mình thấy ưng ý nhất nên người bán hàng cần khéo léo để không bị mất khách. Bởi lẽ, một khi có sơ sót, nếu người bán hàng có thiện chí khắc phục thì người mua vẫn có thể quay lại lần sau. Nói như chị Ngọc Dung: phải luôn vui vẻ phục vụ khách hàng, xem khách hàng là quan trọng nhất vì khách chính là người đem lợi nhuận đến cho mình.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin