Cần nhiều giải pháp để phát triển bền vững

07:05, 04/05/2012

Con cá tra mấy năm gần đây được Chính phủ nhận định là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam, từng bước hội nhập quốc tế và đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới.


Doanh nghiệp chế biến cá tra cần xác định doanh nghiệp sống còn là nhờ
 người nuôi cá tra. Ảnh: VINH HIỂN

Con cá tra mấy năm gần đây được Chính phủ nhận định là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam, từng bước hội nhập quốc tế và đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, do sản xuất tự phát, thiếu hỗ trợ của Nhà nước về kế hoạch nuôi, không cân đối được cung cầu, lại thêm chất lượng không được quản lý, công tác xúc tiến thương mại dường như thả nổi, tình trạng tranh mua tranh bán ở các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu diễn biến phức tạp nên thời gian gần đây ngành nuôi cá tra liên tục gặp nhiều khó khăn. Để mở lối cho cá tra phát triển bền vững, cần có nhiều giải pháp...

Ngày càng lộ rõ yếu kém

Nằm trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết quý I/2012 của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 450 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, có các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đạt sản lượng cao như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ,… Theo nhận định của giới chuyên môn trong nước, sự liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo… là nguyên nhân dễ dẫn đến các hậu quả tiềm ẩn không tốt đối với ngành nuôi cá tra. Nhiều khả năng sản lượng cá tra nguyên liệu cả năm 2012 sẽ không đạt như kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Hơn nữa, sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người trực tiếp sản xuất ra cá tra nguyên liệu.

Bên cạnh đó, sự thiếu thông tin về thị trường, thống kê và dự báo trong sản xuất, tiêu thụ nên sản xuất chưa gắn với thị trường. Một số doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ mà cạnh tranh không lành mạnh, tìm mọi cách hạ giá xuất khẩu để dành hợp đồng, sau đó lại ép giá người nuôi. Như vậy, vấn đề liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến rất lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, phần lớn là mâu thuẫn,… để rồi cuối cùng đa phần thua thiệt lại thuộc về người nuôi. Ngoài ra, Chính phủ chưa có cơ chế quản lý đầu ra của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên tình trạng chào bán phá giá lẫn nhau rất dễ làm tổn thương thương hiệu cá tra Việt Nam.

Mở nút thắt cho cá tra Việt Nam

Tình trạng giá cá nguyên liệu luôn bấp bênh khiến cho người nuôi rất khó tái đầu tư sản xuất. Chẳng hạn, giá cá nguyên liệu gần đây đã giảm 3.000- 4.000 đ/kg, chỉ còn ở mức 22.000 đ/kg. Với giá cá như hiện nay, người nuôi cầm chắc cái lỗ trong tay khoảng 2.000 đ/kg. Đạo lý người Việt Nam chúng ta có câu “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Với giá cá mà hiện nay các nhà máy chế biến mua của người nuôi cá hiện nay không khác nào người hái trái cây xong rồi… đốn cây. Vì mua cá với giá này không khác nào “giết chết” người nuôi cá. Đây là một điều rất là nhức nhối mà lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cần quan tâm.

Chúng tôi thấy rằng lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cần vào cuộc ngay để lập lại trật tự, để cứu vớt ngành nghề nuôi cá tra vì ngành nghề sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện nay như một dàn nhạc mà không có nhạc trưởng, như một giao lộ ngã tư đông người mà không có tín hiệu giao thông.

Trong lĩnh vực thủy sản, nếu đem so sánh với Na Uy, một đất nước cũng có ngành thủy sản mạnh, với hơn 4,5 triệu người dân, kim ngạch xuất khẩu cá hồi (sản phẩm chính của ngành thủy sản Na Uy) của họ đã đạt mức 5 tỷ USD năm 2011, so với Việt Nam 1,8 tỷ USD. Nói như thế không có nghĩa là chối bỏ kết quả mà ngành cá Việt Nam đạt được, nhưng cốt lõi là để người quản lý vĩ mô về lĩnh vực nuôi cá tra Việt Nam ta suy nghĩ…

Vào những năm 1991, ngành cá hồi Na Uy cũng bị phá sản hàng loạt từ người nuôi đến người chế biến. Do bối cảnh sản xuất giống như Việt Nam hiện tại. Thời điểm đó, ngành cá hồi ở Na Uy ở tình trạng sản xuất tự phát, tranh mua, tranh bán, chất lượng và uy tín đều thấp… Sau đó, Nhà nước Na Uy đã can thiệp vào ngành cá hồi để vực dậy ngành này. Họ đã thành lập Hội đồng quản lý xuất khẩu để quản lý từ kế hoạch nuôi, chế biến đến xúc tiến thương mại nên giá cả ổn định cân đối được cung cầu và sản xuất bền vững.


Người nuôi cá tra hy vọng sẽ mau qua cơn “sóng gió”. Ảnh: VINH HIỂN

Có lẽ chúng ta cũng cần phải học tập kinh nghiệm của họ để góp phần vào sự ổn định ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng. Vào ngày 10/4 vừa qua, tại An Giang đã họp ban chỉ đạo về việc chuẩn bị Đại hội Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Qua đó, hiệp hội sẽ là đầu tàu để điều phối một cách hợp lý tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra. Thêm nữa, đề xuất thành lập Hội đồng quản lý xuất khẩu cá tra để quản lý chặt chẽ về chất lượng, thị trường… nhằm đảm bảo thương hiệu cá tra Việt Nam. Để làm được điều này trong bối cảnh khó khăn, nguồn kinh phí của Nhà nước hạn hẹp, thiết nghĩ mỗi người nuôi cá tra nên đóng góp một phần kinh phí để có thể tổ chức đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ngoài ra đây sẽ còn là nguồn quỹ để phát triển nghề nuôi cá tra (sẽ thăm dò ý kiến người nuôi cá dựa trên lợi ích của sự đóng góp mang lại). Ví dụ người nuôi cá đóng góp 100 đ/kg cá tra thông qua các nhà máy chế biến. Nguồn quỹ này sẽ là nguồn kinh phí hoạt động của hiệp hội cá tra, Hội đồng quản lý xuất khẩu; phí quản lý về chất lượng của thức ăn, con giống, cá tra chế biến; phí cho xúc tiến thương mại... tìm đầu ra xuất khẩu cá tra; phí cung cấp thông tin trong lĩnh vực cá tra trên thị trường thế giới.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Người nông dân nên hiểu rằng qua đóng góp 100 đ/kg cá tra nguyên liệu cho quỹ phát triển thì người nuôi cá tra sẽ không mất 2.000– 4.000 đ/kg. Và chắc chắn người nuôi sẽ không bị lỗ. Trước tình hình khó khăn của ngành nuôi cá tra, với các ý kiến thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thành lập Hội đồng quản lý xuất khẩu cá tra, góp quỹ phát triển,… để phần nào giải quyết tình trạng manh mún thì vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng.

Do đó, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cũng có một số kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương như sau: Kiến nghị Bộ Công thương quy định mức phí xuất khẩu và cơ chế sử dụng quỹ phát triển xuất khẩu; tránh tình trạng tranh chấp, gian lận thương mại. Cần có giải pháp để bình ổn giá các yếu tố đầu vào; chấn chỉnh lại phương thức thu mua nguyên liệu, xây dựng giá sàn đảm bảo có lãi cho người nuôi. Có kế hoạch cụ thể để giữ ổn định thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thị trường mới; Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Chính phủ cho ra đời Nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra… Bên cạnh đó, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tháo gỡ khó khăn đối với điều kiện vay, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi cá tra ĐBSCL.

Thiết nghĩ, những khó khăn vướng mắc, yếu kém còn tồn tại đã và đang làm suy yếu ngành sản xuất và xuất khẩu được xem là thế mạnh của nước ta. Cho nên, những ý kiến, kiến nghị được triển khai sớm chừng nào thì người nuôi, nhà máy chế biến và toàn ngành cá tra Việt Nam càng sớm vượt qua khó khăn và sẽ phát triển bền vững trong tương lai.

HỒ VĂN VÀNG (Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long)

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh