
Theo các nhà kinh tế, lạm phát góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển- nếu ở mức “nhè nhẹ”. Nhưng khi lạm phát vượt qua mức 2 con số, sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Còn hiểu đơn giản, lạm phát là vào thời điểm này với cùng một số tiền, người mua chỉ còn mua được một món đồ ít hơn món đồ hồi… năm ngoái.
Người tiêu dùng vẫn ăn gạo giá cao trong khi nông dân bán lúa giá thấp (ảnh minh họa).
Theo các nhà kinh tế, lạm phát góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển- nếu ở mức “nhè nhẹ”. Nhưng khi lạm phát vượt qua mức 2 con số, sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Còn hiểu đơn giản, lạm phát là vào thời điểm này với cùng một số tiền, người mua chỉ còn mua được một món đồ ít hơn món đồ hồi… năm ngoái.
Với những lỗ hổng trong quản lý thị trường, phải chăng lạm phát cao có phần lớn nguyên nhân từ chuyện mua rẻ, bán đắt?
Mua rẻ vẫn bán đắt
Trước nhất những mặt hàng thường nằm trong cảnh mua rẻ- bán đắt hiện nay là hàng nhập khẩu, chẳng hạn như sữa, vàng, cả xăng dầu.
Động thái “nước lên thuyền lên” nhưng nước xuống thuyền… không chịu xuống là diễn biến thường thấy ở thị trường trong nước. Chính vì vậy, giá vàng trong nước (sau khi trừ chi phí nhập khẩu, thuế…) luôn cao hơn giá thế giới, thậm chí từng có thời điểm cao hơn tới 4- 5 triệu đồng/lượng. Chưa kể mức giá mua vào- bán ra của doanh nghiệp cũng chênh lệch lớn, có lúc lên tới 3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, theo các công ty kinh doanh vàng lớn, mỗi ngày số vàng bán ra lên đến vài ngàn lượng. Như vậy, có thể thấy, dù thu nhập chỉ vào mức “trung bình chót” của thế giới, nhưng người dân Việt Nam đã chi ra một số tiền nhiều hơn để mua cùng một sản phẩm.
Cũng tương tự, sữa là mặt hàng mà người tiêu dùng luôn “la làng” vì giá chót vót trên cao, trong khi sữa nguyên liệu người chăn nuôi bò bán được vẫn ở mức thấp. Tại thời điểm giá sữa tươi nguyên chất không đường trên thị trường đã vượt qua mức 21.000 đ/lít, trao đổi với chúng tôi, đại diện một nhãn hàng sữa lớn tại Việt Nam cho biết giá sữa nguyên liệu tốt nhất vẫn ở mức 15.000- 16.000 đ/lít. Tất nhiên, còn phải trừ hàng loạt chi phí về giá điện, khấu hao tài sản, nhân công, thuế.v.v… nhưng theo các nhà kinh tế, mức chênh lệch lên tới vài ngàn đồng/lít sữa vẫn là quá lớn.
Giá sữa bột bán lẻ trên thị trường cũng luôn giữ mức 180.000- 200.000 đ/hộp 900g (sữa nội) và 350.000- 450.000 đ/hộp 900g (sữa ngoại), thậm chí, nhiều loại sữa lên tới 700.000- 800.000 đ/kg. Trong khi đó, theo khảo sát, giá sữa nguyên liệu nhập hồi đầu năm, dù đã tăng cao nhưng cũng chỉ ở mức 80.000- 90.000 đ/kg, cộng thêm chi phí vỏ lon, chất bổ sung,… thì cũng chỉ vào khoảng 130.000 đ/kg sữa. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng giá sữa đã tăng lên vài ba lần. Thậm chí, khi giá sữa nguyên liệu giảm, giá sữa trong nước vẫn “ngược chiều”. Cũng vì vậy, Việt Nam luôn là một trong những nước có giá sữa cao nhất trong khu vực. Và đây, chính là ngõ ngách để lạm phát “chui vào”, mỗi ngày một tăng dần trên chỉ số CPI và bòn rút túi tiền của người dân.
Một trong những kiểu mua rẻ- bán đắt dễ thấy và dễ dàng nhất trong thời gian qua là kiểu tính lãi của ngân hàng. Trong khi lãi suất huy động được quy định 14% (giảm ít nhất 4- 5% so lúc cao nhất), thì lãi suất cho vay vẫn “từ từ thủng thẳng” giảm rất nhẹ ở mức 0,5 hoặc 1%, nghĩa là ở mức trên 20%. Hầu hết người vay đều “kêu trời không thấu” khi lãi suất huy động vừa tăng thì lãi suất vay ngân hàng đã lập tức tăng ngay từ đầu tháng, nhưng khi lãi suất vay giảm, thì không hề nhận được tin báo giảm lãi vay. Trong khi đó, các ngân hàng mỗi năm đều ung dung báo lãi lớn “lấy uy tín” với khách hàng và chia lợi nhuận với cổ đông.
Có thể nói, chính cách mua rẻ bán đắt này đã “góp phần” đẩy doanh nghiệp trong nước đã khó càng khó thêm. Ngoài ra, cách điều hành giá xăng dầu “lên theo giá thế giới” và giảm theo giá... trong nước thời gian dài vừa qua cũng khiến người tiêu dùng nhiều thắc mắc lẫn bức xúc và đặt ra vấn đề về lợi ích nhóm, đẩy gánh nặng cho nền kinh tế.
Đối với nhiều mặt hàng trong nước cũng không khác gì mấy, nhất là hàng nông sản. Chuyện mua tại vườn rẻ mạt và bán lại giá gấp đôi, gấp ba là “chuyện thường ngày ở chợ”. Anh Văn Minh- một nhà vườn xã cù lao vô cùng bức xúc: Thương lái mua trái cây của nhà vườn chúng tôi không bao giờ cho biết giá. Chỉ cân ký ghi sổ rồi “bán được bao nhiêu tui sẽ tính giá lại cho ông”. Chưa kể cứ mỗi giỏ trái cây đã bị “nộp mạng” cho vựa 1- 2kg “lấy thảo”.
Người chăn nuôi heo cũng từ chết tới… bị thương, vì cứ mỗi khi có tin dịch bệnh thì dù heo mình khỏe mạnh cỡ nào cũng lập tức rớt giá, thậm chí, rớt rất mạnh tới cả triệu đồng/tạ. Nhưng tại chợ, giá thịt bán lẻ vẫn chễm chệ trên cao. Thực tế, giá thịt heo hiện nay vẫn ở mức 80.000- 90.000 đ/kg, nhưng giá heo hơi tại chuồng chỉ trên dưới 40.000 đ/kg. Như vậy, mỗi ký thịt heo đã chênh lệch gấp đôi, dù theo tính toán, chỉ cần chênh lệch 15.000 đ/kg là đã có lời.
Những vấn đề thị trường chênh lệch như vậy, thực tế vẫn diễn ra hàng ngày trong nhiều năm qua, đã khiến cho người sản xuất ngày càng khó khăn, còn người tiêu dùng ngày càng “rỗng túi”. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao.
Rất cần sự quản lý
Lãi suất ngân hàng đang có những bước đi đầy “kiềm chế”. Cụ thể là mức lãi suất huy động tiếp tục giảm, hiện ở mức 12%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng lộ trình hẳn hoi với mức giảm 1%/quý để kéo giảm lãi suất cho vay. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mạnh tay chỉ đạo cho vay lãi suất 15% đối với một số ngành nghề ưu tiên. Đây có thể xem là những hy vọng mới để xóa bỏ chuyện mua rẻ- bán đắt của ngân hàng thương mại.
Còn theo thông tin từ Sở Tài chính Hà Nội, từ tháng 5 này, giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ được “công khai” trên mạng qua trang web ngành để làm cơ sở tính phí, trước bạ cũng như giúp người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn giá hàng mình muốn mua. Tổng cục Hải quan cũng vừa có văn bản nhắc nhở các cục hải quan một số tỉnh thành, về việc quản lý giá sữa nhập khẩu. Đồng thời, thường xuyên nắm thông tin để trong các trường hợp nghi vấn, khi mà doanh nghiệp khai giá sữa nhập cao hơn 15% sẽ chuyển sang khâu kiểm tra sau thông quan để kiểm tra.
Thực tế, người tiêu dùng đang rất cần sự quản lý chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, giá cả chênh lệch được quy định hợp lý, có vậy, mới có thể kích thích người sản xuất trong nước lẫn người tiêu dùng. Đây chính là quản lý thị trường, góp phần kéo giảm lạm phát như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bài, ảnh: NGUYÊN CHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin