Bài 1: “Vương quốc” gạch, gốm- cầm cự được bao lâu?

07:05, 08/05/2012

Tình hình sản xuất kinh doanh trì trệ, hoạt động cầm chừng, hàng hóa không bán được. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào tình cảnh khó khăn: nợ tín dụng, nợ tiền thuế chồng chất. Nhưng đó mới chỉ là vài nét của bức tranh kinh tế chưa mấy lạc quan. Với việc lãi suất ngân hàng cao và không thể tiếp cận được nguồn tín dụng đã khiến DN phải “kêu trời”. Vì nếu không nhận được hỗ

Tình hình sản xuất kinh doanh trì trệ, hoạt động cầm chừng, hàng hóa không bán được. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào tình cảnh khó khăn: nợ tín dụng, nợ tiền thuế chồng chất. Nhưng đó mới chỉ là vài nét của bức tranh kinh tế chưa mấy lạc quan. Với việc lãi suất ngân hàng cao và không thể tiếp cận được nguồn tín dụng đã khiến DN phải “kêu trời”. Vì nếu không nhận được hỗ trợ từ chính sách như tín dụng, thuế… một cách nhanh chóng, kịp thời, thì nhiều DN “khó sống nổi”.


Nhiều doanh nghiệp sản xuất gốm chỉ loe hoe vài công nhân.

Không còn hình ảnh nhộn nhịp và thịnh vượng của “vương quốc” gạch, gốm- từng là làng nghề truyền thống chủ lực của tỉnh trước đây. Những lò gạch, gốm lạnh queo, nhà xưởng vắng hoe, công nhân thưa thớt, chủ lò than vắn thở dài- là những gì đang diễn ra ở thì hiện tại.

Méo mặt “đầu vào”

Khách đến tự bước vào cánh cổng sắt khép hờ, rỉ sét, cạnh đó một mảng tường rào ngả nghiêng. Nhà xưởng rộng rãi chất đủ loại đồ gốm, nhưng chỉ có vài ba công nhân làm khuôn, kéo gốm. Thật im lìm. Lát sau, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Viên ở Mang Thít- ông La Văn Cắn, mới ra tiếp khách. Vẻ mặt rầu rĩ, ông nói: “Vài năm trước, do mở rộng sản xuất nên vay vốn ngân hàng lại gặp lúc kinh tế khó khăn, chất đốt biến động, lò không hoạt động đúng thời gian giao hàng nên bị phạt trễ hạn hợp đồng. Doanh thu ngành gốm liên tục giảm do các cơ sở cạnh tranh giá bán, làm gạch ống không có ăn, bán công trình thiếu lên thiếu xuống”. Phải bồi thường hợp đồng, lãi suất ngân hàng tăng cao, DN đã bán đất, vay thêm đầu này đắp đầu kia. Tuy “gốm giúp tui ăn nên làm ra từ hai bàn tay trắng”, nhưng theo ông Cắn đã “dỡ bớt lò cất trại nuôi gà hơn 2 năm nay”. “Nhờ gà đỡ cho gốm, DN vẫn có điều kiện hoạt động nhưng giờ vẫn đóng lãi suất cả trăm triệu đồng/tháng thì tìm đâu vốn đầu tư tiếp cho 2 trại gà?”- giọng ông chùng xuống.

Sản xuất không hiệu quả, chi phí đầu vào tăng cao và khó “đầu ra” đã khiến hoạt động của nhiều lò gạch, DN trở nên… “đắm đuối”. Riêng ngành gốm, chỉ 5% DN hoạt động có hiệu quả, 40% hoạt động cầm chừng và 55% rất khó khăn.
Đó là tình cảnh không của riêng DN ông Cắn, tại cơ sở gốm Hòa Hiệp cũng tương tự. Cơ sở có 4 miệng lò, có đến 50- 60 lao động làm việc thường xuyên, giờ chỉ loe hoe vài người. Khu nhà trọ cất cho công nhân ở cũng trở nên vắng vẻ do “công nhân đi hết”. Chủ cơ sở- ông Đào Văn Tâm vẻ mặt buồn hiu: “Nguồn hàng ít, DN chỉ giữ lại thợ có tay nghề, cầm chừng làm lai rai, sống không nổi phải chuyển nghề. Mà giờ cái gì cũng tăng cao quá trời quá đất. Trấu từ 2 triệu vọt lên trên 10 triệu đồng/ghe. Nhân công 120.000 đ/ngày, nhưng không dễ kiếm. Nặng nhất là lãi suất ngân hàng quá trời cao, DN phải bươn chải mới đủ tiền đóng lãi”.

Đầu vào- đặc biệt là trấu, cũng “xiết” các ngành sản xuất gạch “muốn nín thở”- như cách nói của bà Hai Hạnh- một chủ lò ở xã Mỹ Phước. Theo bà, “miếng gạch tàu 3.600- 3.700đ bán ra chẳng lời lóm gì” nên bà tỏ ra chán nản. Thay vì hỗ trợ người mua chuyên chở như trước, bây giờ “tui chỉ bán tại lò, ghe cộ gì đó tự lo nghen”. Không chỉ bà Tư Hạnh, nhiều cơ sở cũng phản ứng như vậy. Chú Tư Kỉnh ở tuyến kinh Thầy Cai thì nhất định “50 đồng cũng hổng bớt”. Chú tỉnh: “Để coi, trấu lên dữ à, từ 7,1 triệu nhảy lên 9, rồi 11 triệu một ghe. Mà sụt chỉ năm ba trăm đồng. Một kỳ lò un tới 2- 3 tháng, 1 năm 3 kỳ. Phải vay tiền mua mê, đốt trấu. Lỡ ra gạch xấu, gạch bê… cũng chết”.

“Đầu ra”… đắm đuối

Sản xuất gạch theo kiểu lò nung truyền thống và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu trấu, nên ngành gạch gốm nhiều phen lao đao do giá “thăng thiên” thất thường. Chính vì vậy giá thành sản xuất ra một viên gạch ống, gạch tàu giá rất cao, khó cạnh tranh với nơi khác. Ví dụ, giá thành viên gạch ống ở Vĩnh Long khoảng 800đ, trong khi từ miền Đông chở tận nhà bán chỉ 800- 900 đ/viên. “Gạch mình thua là chắc”- một chủ cơ sở ấm ức.


Ngành sản xuất gạch đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng đó chỉ là chuyện trước mắt, nếu nhìn xa hơn, chú Tư T.- chủ một DN ở Mang Thít nói rằng: “Gạch làm sao lên nổi, khi mà bất động sản bị xiết thì ai mà mua gạch? Tui nghỉ sản xuất, tài sản nhà cửa cũng đủ để trả nợ, chỉ sợ công nhân thất nghiệp, đi ăn trộm ăn cắp”.

Vĩnh Long hiện có trên 2.000 lò gạch, chủ yếu ở 2 huyện Mang Thít và Long Hồ, giải quyết hàng ngàn lao động địa phương. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều lò gạch ở các xã Nhơn Phú, Mỹ Phước… đã ngưng hoạt động hoặc các chủ lò thu hẹp sản xuất. Anh Chênh- chủ ghe cung cấp trấu cho các lò gạch nói: “Chủ lò ngưng hoạt động, tụi tui cũng phải “lên bờ”. Mà lên bờ thì biết làm gì ngoài việc nhậu”. Lò gạch lạnh queo, tắt ngấm và khi nào mới nhóm lên, nhiều chủ lò lắc đầu cho biết “còn hên xui”.

Trong khi đó, ông Tâm cho biết: “Gốm rất khó tiêu thụ, phụ thuộc hết vào công ty xuất khẩu ở Bình Dương. Đầu ra không ổn định, DN cũng bó tay. Hiện nguồn hàng rất ít, chỉ làm hàng đón, cầm chừng”. Chú Tư T. so sánh: “Gốm bây giờ mỏi mòn rồi, chỉ lao xuống như chim lá rụng thôi. Bởi, trong giai đoạn này, người ta lo no cái bụng
đã mệt”.

Ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai cho biết: “Sức mua của ngành gốm đã giảm trên 60%, giá bán lại thấp. Nhiều lần đàm phán chỉ nhích lên được 10- 20%, trong khi đầu vào tăng gấp 10 lần. Làm không có lời. Gốm giờ chỉ làm cầm chừng cho khách hàng truyền thống, cốt sao phá huề để giữ nghề mà thôi”.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh