
“Doanh nghiệp (DN) đang thật sự gặp khó khăn”- đây là đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, qua đợt khảo sát thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của các DN. Nhiều kiến nghị đã được đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN kịp thời.
Tính toán của Chính phủ, khoảng 16.000 tỷ đồng tiền vốn sẽ được để lại cho doanh nghiệp từ các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế.
“Doanh nghiệp (DN) đang thật sự gặp khó khăn”- đây là đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, qua đợt khảo sát thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của các DN. Nhiều kiến nghị đã được đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN kịp thời.
Lắng nghe “hơi thở” DN
Với mục đích tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách, nghĩa vụ thuế của DN, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã thu hoạch được rất nhiều từ đợt khảo sát (3- 4/5/2012) vừa qua. Bởi không chỉ nắm bắt nguyên nhân khiến DN gặp khó khăn, mà còn đến gần hơn, lắng nghe “hơi thở”, tâm tư của DN để đề xuất giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Tuy không có điều kiện tiếp cận tất cả DN, nhưng qua khảo sát 5 DN: gia công may mặc, gạch- gốm, chăn nuôi gia cầm, xây dựng, bất động sản… tiêu biểu, có thể thấy được “sức khỏe” của các DN hiện nay. Đó là “hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đang thật sự gặp khó khăn, quy mô sản xuất thu hẹp, lao động cắt giảm. Do lạm phát còn ở mức cao, DN khó tiếp cận nguồn vốn, hàng hóa khó tiêu thụ. Đầu vào tăng cao, tồn kho lớn”, báo cáo kết quả giám sát nhận định. Từ đó, nhiều DN ngưng hoặc hoạt động cầm chừng. Một số DN bế tắc muốn chuyển đổi ngành nghề, tái cơ cấu sản xuất nhưng hết vốn, hết tài sản thế chấp, kéo theo nợ thuế và tiền phạt chậm nộp thuế tăng.
Kết quả giám sát cũng ghi nhận lãi suất ngân hàng cao và thủ tục vay vốn phức tạp, đã làm khó DN. Giá trị tài sản thế chấp thấp, DN phải huy động vốn từ nhiều nguồn: vốn tự có, gia đình, bạn bè, kể cả vay nóng. Mặt khác, khi gặp khó khăn, DN bung ra đa ngành nghề, nhưng công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị điều hành kém, tay nghề công nhân hạn chế… Mặt khác, làm ăn theo phong trào, thiếu chiến lược phát triển nên không hiệu quả.
Mặt khác, tuy Chính phủ có chính sách miễn, giảm, giãn thuế, nhưng thời điểm này các DN hoạt động cầm chừng hoặc làm không có lãi nên khó khăn vẫn còn… khó khăn. Hạ tầng giao thông chậm nâng cấp cũng là một trong những trở ngại…
Trong khi đó, nợ tiền thuế và tiền phạt nộp chậm càng khiến nhiều DN “khó thở” hơn. Theo ngành thuế, tiền phạt nộp chậm của nhiều DN từ 40- 50%, có DN lên 70%, thậm chí vượt 100% so nợ thuế. Mặc dù các DN khẳng định sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng rất dè đặt “hiện tại thì chưa thể”. Và kiến nghị: “Giãn thuế dài hạn và không phạt nợ thuế quá hạn để DN có cơ hội phục hồi sản xuất”.
Cần giảm lãi suất, khơi thông đầu ra
“Cần giảm ngay lãi suất”- đây là mong mỏi lớn nhất của nhiều DN. Giảm lãi suất và tiếp cận nguồn vốn giá rẻ là điều kiện để DN tái đầu tư, tăng sản xuất lên. Bởi “hiện tại dù làm giỏi bao nhiêu cũng không đủ đóng lãi ngân hàng”- một DN nói.
Đồng cảm với DN, trong kiến nghị với Chính phủ, đoàn giám sát nêu: Ngoài việc hạ trần lãi suất hợp lý, ngân hàng cần tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng và thực hiện các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi cho DN vừa và nhỏ. Tăng định mức cho vay, đánh giá tài sản thế chấp đúng với giá trị thực để DN vay được nhiều hơn. Giãn nợ thuế dài hạn, ngừng phạt chậm nộp thuế đối với DN thật sự khó khăn.
Doanh nghiệp rất cần những giải pháp kịp thời đủ mạnh để vực dậy hoạt động.
Ngoài ra, để DN yên tâm phục hồi sản xuất, đối với các dự án đang khó khăn cần xem xét giãn các khoản phải nộp cho địa phương, tạo thuận lợi cho DN. Việc xử lý nợ thuế tại các DN cần phân loại DN để có chính sách phù hợp, kiên quyết với những DN lách thuế hoặc cố tình chây ì, chiếm dụng thuế. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng tỉnh, rà soát năng lực hoạt động của DN, để có hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho DN tái đầu tư, cơ cấu lại ngành nghề.
Ông Nguyễn Văn Lượng- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, với lãi suất hiện nay thì không kích thích được sản xuất. Đẩy nhanh lộ trình giảm lãi suất tín dụng, nhất là đối với các ngành nghề khuyến khích đầu tư là rất cần thiết. Bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ của mình với DN, ông Nguyễn Văn Lượng cũng mạnh dạn đề xuất: “Tỉnh nên tạm ngưng thông báo nợ và thu phạt nộp chậm hàng tháng, giúp DN yên tâm sản xuất, để họ dễ thở hơn”!
Chính phủ đã nhìn nhận một số nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn: Đầu tư và tiêu dùng giảm do chịu ảnh hưởng của việc áp dụng chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất huy động vốn cao và kéo dài, giá các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như xăng, dầu, điện tăng làm chi phí sản xuất kinh doanh của DN tăng, trong khi giá một số mặt hàng chủ lực như nông sản giảm. Nhiều DN kinh doanh dàn trải, đa ngành nghề, phụ thuộc nhiều vào vốn vay, không đủ năng lực hấp thu vốn, giá trị gia tăng thấp. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin