Cơ hội có thể đến với tất cả mọi người, nhưng thành công chỉ đến với những ai dám nghĩ, dám làm. Ông Lê Công Danh– chủ nhân Cảng sông Mỹ An (Mang Thít- Vĩnh Long) đã chứng minh điều đó. Nhớ lại đầu năm 2003, người ta còn thấy ông Danh đi quanh quẩn dọc dòng sông Cổ Chiên “ngắm nghía” địa hình rồi ôm ấp ước mơ mở cảng sông ở đây, vậy mà đến cuối năm giấc mơ ấy đã thành sự thật.
Cơ hội có thể đến với tất cả mọi người, nhưng thành công chỉ đến với những ai dám nghĩ, dám làm. Ông Lê Công Danh– chủ nhân Cảng sông Mỹ An (Mang Thít- Vĩnh Long) đã chứng minh điều đó. Nhớ lại đầu năm 2003, người ta còn thấy ông Danh đi quanh quẩn dọc dòng sông Cổ Chiên “ngắm nghía” địa hình rồi ôm ấp ước mơ mở cảng sông ở đây, vậy mà đến cuối năm giấc mơ ấy đã thành sự thật.
Doanh nhân Lê Công Danh- Chủ DNTN Thanh Danh, chủ Cảng Mỹ An thuộc DNTN Huy Danh từng được vinh danh trong chương trình “60s ấn tượng trước công chúng”. Ảnh tư liệu
|
Từ ước mơ mở cảng sông
Cảng Mỹ An nằm ở vị trí khá thuận lợi cho khâu nhập cũng như xuất hàng hóa đi các tỉnh ĐBSCL. Tất cả các phương tiện vận tải biển đi qua Vĩnh Long đều phải đi trên dòng sông Cổ Chiên.
Ông Danh chia sẻ động lực đã giúp mình mở cảng: “Tôi thấy nhu cầu sử dụng xi măng (XM) ở ĐBSCL rất lớn, cung không đủ cầu. Vậy mà XM muốn chuyển về ĐBSCL lại rất “phức tạp”, phải qua khâu trung chuyển tại cảng ở TP Hồ Chí Minh nên tạo ra nhiều cơn sốt XM... Vì thế làm sao vận chuyển được XM “một mạch” từ Bắc về ĐBSCL là câu hỏi cứ thôi thúc mãi”.
Cảng Mỹ An góp phần tăng năng lực vận tải hàng hóa cho ĐBSCL.
|
Nghĩ là bắt tay thực hiện liền. Đã từng học qua đo đạc lại có kinh nghiệm nhiều năm sống ở vùng sông nước, nên ông trực tiếp cùng đội ngũ tư vấn thiết kế tiến hành đo đạc luồng lạch cả tuyến sông Cổ Chiên. Kết quả cho thấy: lòng sông có độ sâu các nơi từ 8-14m, đạt mức lý tưởng cho tàu có mớn nước 5,8m trở lại, tàu 1.000- 3.000 tấn đủ sức cập bến. Khảo sát luồng lạch xong, đến việc chọn địa điểm để m ở bến bãi, ông phát hiện xã Mỹ An có miếng đất dài gần 200m cặp sông bỏ hoang, thế là ông ngỏ ý mua. Ông Danh cho rằng đây là địa điểm khá lý tưởng, dòng nước “hiền”, không có xoáy nước mạnh, độ sâu thích hợp đảm bảo tàu cập cầu an toàn. Bước đầu như thế là tạm ổn. Nhưng rắc rối lại tới khi ông không “rành” thủ tục mở cảng, thế là ông phải tự dò tìm, đi tới đâu cũng gặp phải ánh mắt ái ngại của bạn bè cho rằng: “Lực của tư nhân làm sao đủ sức mở cảng quy mô lớn như thế? Việc làm này quá mạo hiểm, khác gì đem tiền đổ sông đổ biển”. Ông chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng làm, nhờ có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cuối cùng thủ tục công bố cảng đã hoàn thành.
Đến doanh nghiệp kinh doanh vận tải
Cuối năm 2003, Cảng Mỹ An ra đời với tổng đầu tư 15 tỷ đồng, ông bắt đầu mở thêm DNTN Huy Danh với diện tích kho bãi 10.000m2, giao cho vợ quản lý. Mới đầu chỉ có xà lan sông của nhà ông khoảng vài trăm tấn hoạt động. Vài tháng sau, ông đích thân xuôi ngược ra Bắc đặt quan hệ với các chủ tàu lớn với hành trang quan trọng mang theo là bản bình đồ luồng lạch của Cảng Mỹ An, cùng những thông số cụ thể về diện tích, năng lực bốc dỡ, thời hạn nhanh nhất giải phóng tàu, giá cả… rồi chính ông là “hoa tiêu” dẫn tàu ngoài Bắc cập cảng Mỹ An, bốc dỡ hàng hóa an toàn. Hồi hộp chờ đợi sau 10 ngày, cuối cùng 2 tàu trọng tải 1.800 tấn và 1 xà lan 600 tấn cũng cập bến cùng lúc an toàn tuyệt đối. Năm 2004, niềm vui nối tiếp niềm vui, Cảng Mỹ An được Cục Đường sông Việt Nam nghiệm thu, công bố “Cảng chuyên dùng sông Cổ Chiên cấp 1”.
Cảng Mỹ An. |
Đến nay, DNTN Thanh Danh đã có 7 chiếc xà lan tải trọng 300- 1.100 tấn, giải quyết việc làm cho gần 200 công nhân và trở thành nhà phân phối XM chính thức cho các công ty lớn ở phía Bắc, chịu trách nhiệm phân phối XM khu vực Bắc Mekong. Đầu năm 2007, DNTN Thanh Danh còn mở rộng thêm kho chứa 2.000m2.
20 năm thăng trầm với nghề, giờ đây nhìn thấy Cảng Mỹ An đang hoạt động nhộn nhịp từng ngày, ông nghĩ rằng con người ngoài ước mơ thì cần phải có ý chí và quyết tâm cao mới mong ước mơ thành hiện thực. Cạnh tranh trong kinh doanh là điều khó tránh khỏi, nhưng chữ tín phải đặt lên hàng đầu, sản phẩm phải chất lượng luôn tiên quyết, chăm sóc khách hàng nhiệt tâm và đặc biệt chia sẻ lợi nhuận cùng nhân viên và khách hàng chính là tiêu chí để phát triển bền vững.
Bài, ảnh: NGỌC HÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin