
Về Vĩnh Long, sẽ khó quên “dải đất giữa hai sông” được nối liền bờ bằng những công trình thế kỷ. Những cây cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo ở thôn quê ngày nào đã nhường chỗ cho cầu bê tông vững chãi. Hệ thống giao thông nông thôn nối mạch đã biến những “bờ xe”, “đường trâu cộ” lùi vào quá khứ. Sau bao nhiêu năm, Vĩnh Long không ngừng đổi mới, và giao thông đã góp phần quan trọng
Đường giao thông ngày càng vươn tới vùng sâu, vùng xa.
Về Vĩnh Long, sẽ khó quên “dải đất giữa hai sông” được nối liền bờ bằng những công trình thế kỷ. Những cây cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo ở thôn quê ngày nào đã nhường chỗ cho cầu bê tông vững chãi. Hệ thống giao thông nông thôn nối mạch đã biến những “bờ xe”, “đường trâu cộ” lùi vào quá khứ. Sau bao nhiêu năm, Vĩnh Long không ngừng đổi mới, và giao thông đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.
Đổi thay qua từng câu chuyện nhỏ
Câu chuyện nhỏ của bác Hai Trò (Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) cho thấy một sự đổi thay. Dạo trước chưa có đường nhựa như giờ, chỉ đường đất, lại khó đi, xe “dân biểu” cũng ít. Đi chợ búa thường bằng xuồng, nhà khá chút thì đi xe đạp, không thì lội bộ. Có đám tiệc, gần thì băng đường ruộng, xa thì xuống xuồng thay nhau chèo. Mỗi bận đám giỗ ở miệt ngoài, đường sông chỉ mươi cây số nhưng chèo xuồng thì mệt ứ hự, mất cả buổi mới tới nơi.
Lúc đó, mỗi lần đám tiệc có dịp ra lộ cái thì ai cũng kéo ra đường để... dòm xe, hay ngóng bà con ở thành phố về. Mà xe khách thời đó mỗi ngày chỉ một hai chuyến, đợi mỏi cổ mới có một chiếc xe đò chạy qua, có khi ngồi cả buổi cũng không thấy được chiếc nào. Trước đường nhỏ, xe cộ ít, đi bộ giữa lộ cũng không sao. Giờ thì đường rộng, xe đông, chạy vù vù thấy sợ.
Cô Sáu Ngọc (Trung Hiếu- Vũng Liêm) cũng nhớ lại, dạo trước nhà cô có đoạn cầu tàu vắt xuống mé sông, những tháng mùa mưa, tụi nhỏ xóm trong đi học thường ra đây rửa chân, cạy sình bánh xe rồi mới tới trường, có đứa té dọc đường lấm lem quần áo, cặp vở, khóc mếu máo, tội nghiệp. Giờ học sinh đi học khỏe rồi, đường nhựa láng o, không phải xách dép, lội sình như hồi trước.
Chú Bảy Dương (Trung Hiếu- Vũng Liêm) thì kể một câu chuyện khác. Số là 6 công đất gò của chú Bảy cách nhà khoảng 3 cây số đường chim bay nhưng con đường chở lúa về nhà thì cực trần ai lai khổ. Nhờ bà con đông nên mỗi khi cắt lúa thường xúm lại vần công. Vậy mà cắt vụ lúa nào cũng từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới nhà. Thời đó, suốt lúa xong thì thuê trâu cộ hoặc phải vác lúa bao ra kinh lớn, trầm mình đẩy trẹt lúa hơn 2 cây số mới ra tới bờ xe, rồi lấy xe đẩy lúa về nhà. Chưa kể những tháng mùa mưa thì còn trần thân hơn. Nhắc lại còn thấy ngán. Giờ thì đường sá ngon lành, xe vô gần tới ruộng. Thu hoạch lúa chỉ một buổi là xong. Có khi lúa chưa kịp về nhà vì thương lái đến mua luôn tại ruộng. Giờ thì mưa gió cũng đỡ lo, sân phơi, lò sấy gần bên, đi lại cũng tiện.
Anh Nguyễn Văn Khiêm (Trung Hiệp- Vũng Liêm) tỏ ra phấn khởi khi sân phơi lúa bạc tỷ của mình có được vị trí thuận lợi, xe tải vô tới chỗ, bạn hàng mỗi lúc một đông, việc làm ăn cũng khá hơn. Cũng nhờ nằm kề tuyến đường vào trung tâm xã khang trang, anh mới mạnh dạn đầu tư sân phơi lúa bộn tiền này. Thật ra trước khi đưa ra quyết định anh cũng băn khoăn, bỏ ra tiền tỷ để “lượm bạc cắc” thì không biết khi nào mới thu lại vốn. Nhưng với những gì hiện có phần nào cho thấy anh đã quyết định đúng.
Cùng với cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận- công trình thế kỷ tạo sức bật mới cho Vĩnh Long phát triển.
Điểm tựa để phát triển
Theo ông Võ Văn Quan- Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Long), mặc dù mạng lưới giao thông hiện nay chưa thể đáp ứng tiêu chí về nông thôn mới do quy mô nhỏ, năng lực chịu tải thấp, nhưng phải nhìn nhận rằng hệ thống giao thông từng bước được cải thiện và có bước phát triển đột phá.
Trong 20 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư khoảng 6.813 tỷ đồng xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 940km đường ôtô, trên 2.000km đường dân sinh, xây dựng kiên cố 448 cầu. Thời điểm cuối năm 2010, toàn tỉnh có 94 xã (đạt tỷ lệ 100%) có đường ôtô đến trung tâm. Và dự kiến trong vòng 5 năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng cho hệ thống giao thông, đảm bảo xã liền xã, ấp liền ấp, mạng lưới cầu đường đấu nối và tiếp cận các khu đô thị, cụm, tuyến công nghiệp, khu thương mại, làng nghề đảm bảo nhu cầu vận tải hàng hóa, giao thông thông suốt.
Phát triển giao thông- điểm tựa vững chắc để phát triển kinh tế.
Tính đến cuối năm 2011, Vĩnh Long có 1.029km đường ôtô, trong đó có trên 700km qua khu vực nông thôn, 61% số ấp có đường ôtô đi qua địa bàn. Ngoài ra, còn có trên 2.000km đường xóm, ấp nâng tỷ lệ 94% số ấp có đường dân sinh tốt, phục vụ cho xe 2 bánh lưu thông thuận tiện.
Giao thông là điểm tựa hiệu quả trong phát triển kinh tế, là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp từng khẳng định, việc xây dựng hạ tầng giao thông là rất quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, là đòn bẩy để địa phương bật dậy hiệu quả hơn, góp phần to lớn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nhiều địa phương hiện nay.
Vĩnh Long có 5 tuyến quốc lộ “xương sống”: QL1, 53, 54, 57 và 80 hợp cùng các tuyến đường tỉnh huyết mạch, hòa vào hệ thống đường huyện, đường xã, đường liên xóm, ấp, hình thành mạch máu giao thông tỏa rộng, là điểm tựa vững chắc giúp các địa phương rộng đường phát triển kinh tế nông thôn.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, Vĩnh Long được đầu tư xây dựng mới đường cao tốc dài khoảng 30km, cải tạo nâng cấp các quốc lộ như: QL53, 54, 57, 80. Trong đó QL53 mở mới tuyến song hành từ Quang Phú đến Mây Tức, tuyến tránh qua thị trấn Vũng Liêm, 2 đoạn QL54 qua thị trấn Cái Vồn (Bình Minh) và trung tâm xã Tân Quới (Bình Tân) theo quy hoạch đô thị; kết nối các đường ngang từ QL1 đến đường cao tốc, liên thông các đường địa phương ở tỉnh Đồng Tháp gồm: QL53 nối dài, ĐT908, đường khu đô thị Phước Yên; hoàn thành xây dựng mới ĐT907, đường từ QL53 đến Khu công nghiệp Hòa Phú, xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các đường tỉnh như: ĐT 909, 910, 902, 904, 905, 908, 39 đường huyện, các đường đô thị, đường liên ấp cùng nhiều công trình giao thông tại 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tổng mức đầu tư khoảng 8.392 tỷ đồng, trong đó phân kỳ đầu tư giai đoạn 2011- 2015 là 4.987 tỷ đồng và 2016- 2020 là 3.405 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin