Các nhà khoa học và các doanh nghiệp (DN) cần đồng hành ngay từ ý tưởng trong nghiên cứu cho đến khi ra sản phẩm cuối cùng để các đề tài dự án kết thúc là sản phẩm được ứng dụng thực tiễn ngay.
(VLO) Các nhà khoa học và các doanh nghiệp (DN) cần đồng hành ngay từ ý tưởng trong nghiên cứu cho đến khi ra sản phẩm cuối cùng để các đề tài dự án kết thúc là sản phẩm được ứng dụng thực tiễn ngay.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn. |
“Bắt tay” ngay từ đầu
Tại “Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ (KHCN) ngành nông nghiệp (NN) với DN, HTX, người dân” do Bộ NN-PTNT vừa được tổ chức, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học và DN đã cùng nhận diện và hiểu rõ những điểm nghẽn, những lý do khiến các sản phẩm KHCN không đến được với người có nhu cầu.
Các đại biểu tham gia diễn đàn đều đồng tình rằng cần có cơ chế tuyển chọn các dự án nghiên cứu theo hình thức đặt hàng gắn sản xuất với thị trường.
Bên cạnh đó, các DN đủ điều kiện cần được tham gia một cách minh bạch và tham gia tài trợ dự án trong đó quy định rõ quyền, nghĩa vụ các bên nhằm huy động nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu.
KHCN đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành NN từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa...
TS Trần Công Thắng- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN nông thôn, chỉ ra rằng hiện nay, Nhà nước có nhiều chương trình KHCN cấp quốc gia, cấp bộ ưu tiên hỗ trợ cho ngành NN.
Vậy thì cần làm thế nào để các nhà khoa học và các DN đồng hành ngay từ khi có ý tưởng trong nghiên cứu cho đến ra sản phẩm cuối cùng, để sau khi đề tài dự án kết thúc là sản phẩm ứng dụng thực tiễn ngay.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn- Giám đốc Viện Khoa học NN Việt Nam, cũng khẳng định làm sao đưa DN và nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu là câu hỏi được đặt ra từ rất lâu rồi.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học, không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất.
“Mỗi DN có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực. Các DN là những đơn vị cần nguồn lực thực sự. Mấy năm gần đây, DN sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu.
Do đó, đặt hàng riêng của DN đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng. Sự “bắt tay” ngay từ đầu là hết sức quan trọng để có được sự thành công”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.
Theo bà Trần Kim Liên- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), DN chính là thị trường của KHCN, bởi mục tiêu của DN là tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường, do đó họ hiểu hơn hết thị trường cần cái gì.
“DN vừa hiểu thị trường cần gì trước mắt cũng như dự báo được sẽ cần gì trong thời gian tới. Những dự báo về sự thay đổi xu hướng tiêu dùng có thể định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học”, bà Trần Kim Liên chia sẻ.
Đổi mới nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp
TS Nguyễn Công Tiệp- Phó Giám đốc Học viện NN Việt Nam, cho biết, để có nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, Học viện NN tăng cường xã hội hóa kêu gọi vốn đầu tư, phối hợp với các HTX; DN, người sản xuất để phục vụ công tác nghiên cứu. Học viện NN Việt Nam hiện đang hợp tác, liên doanh với khoảng 200 DN trong và ngoài nước.
“Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các HTX, DN, nhà sản xuất… hãy đặt hàng học viện để chúng tôi từ nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, từ đó nâng cao giá trị nông sản”, TS Nguyễn Công Tiệp chia sẻ.
TS Trần Công Thắng cho biết Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN nông thôn đã có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn DN cùng tham gia như việc DN đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của DN. Hiện có 18/106 giống theo mô hình này. Có 8 giống được đầu tư từ đầu và 10 giống được đầu tư trong lúc đang nghiên cứu.
Góp ý vào việc tăng cường liên kết giữa DN và các viện, trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Phải có “hàng” thì DN mới đặt. Các viện, trường cần có “hàng mẫu” giới thiệu có thể làm được những sản phẩm gì để DN đánh giá phù hợp hay không để từ đó đặt hàng”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Để thích ứng với nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường KHCN, các nhà khoa học cần bán những gì thị trường cần. Bất kỳ thị trường nào cũng cần sự gặp gỡ giữa cung và cầu. Các nhà khoa học và viện, trường cần hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường, từ đó định hướng nghiên cứu sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế”.
VY ANH (theo Vietnam+)