Đổi mới sáng tạo hướng tới Netzero- Sở hữu trí tuệ là nền tảng

05:07, 01/07/2024

Hành trình hướng tới Netzero khẳng định tính cấp thiết trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất của doanh nghiệp (DN) nhằm góp phần thực hiện cam kết tại COP26.

(VLO) Hành trình hướng tới Netzero khẳng định tính cấp thiết trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất của doanh nghiệp (DN) nhằm góp phần thực hiện cam kết tại COP26.

Một dây chuyền sản xuất tự động hóa.
Một dây chuyền sản xuất tự động hóa.

Sở hữu trí tuệ là nền tảng

Việt Nam với cam kết Netzero vào năm 2050, theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề này không chỉ ở tầm quốc gia mà còn đặt ra cho từng ngành, từng DN.

Để đạt mục tiêu đặt ra, cần tạo ra các cơ chế chính sách tác động trực tiếp tới DN trong hành trình hướng tới Netzero. Ngoài ra, các DN cần chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ, lấy sở hữu trí tuệ (SHTT) làm đòn bẩy trong chiến lược phát triển để thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng xanh và thân thiện với môi trường.

Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân nhấn mạnh sản xuất thông minh, sản xuất xanh cùng với đổi mới sáng tạo (ĐMST) không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố then chốt để các DN thành công trong kỷ nguyên số.

Nhờ sự kết hợp giữa công nghệ hoạt động và công nghệ thông tin, sản xuất thông minh, sản xuất xanh đã giúp các DN gia tăng hiệu quả, tối ưu hóa quy trình sản xuất xanh, nâng tầm vị thế cạnh tranh.

“Cam kết Netzero là chìa khóa để các DN chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững. Đây cũng là tiền đề để mỗi DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Cam kết phát triển bền vững của các DN, áp dụng công nghệ số là tiền đề quan trọng thực hiện mục tiêu đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0”- ông Nguyễn Quân cho biết thêm.

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Theo ông Lưu Hoàng Long- Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH-CN), ở mỗi quốc gia, SHTT mang lại cả thách thức và cơ hội cho hoạt động ĐMST, trực tiếp tác động tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, chính sách, pháp luật về SHTT đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu về bảo hộ các kết quả của hoạt động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT góp phần thúc đẩy ĐMST dựa trên quyền SHTT, nâng cao năng lực khai thác quyền SHTT giúp việc sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý về SHTT cũng như thi hành các cam kết về SHTT trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam và châu Âu tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển, chú trọng phát triển xanh, hướng tới Netzero- thực hiện cam kết của Việt Nam đến năm 2050.

Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sáng chế đối với phát triển kinh tế- xã hội dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và ĐMST, nhiều tỉnh, thành phố và các trường ĐH, viện nghiên cứu, DN lớn đã có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, khuyến khích tạo ra, bảo hộ và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới.

Qua đó, góp phần tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục SHTT và số lượng bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích do Cục SHTT cấp ra đều có xu hướng tăng.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Cục SHTT đang từng bước thực hiện các biện pháp quản lý và hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ĐMST; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, chú trọng việc quản lý cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp. Các công cụ tra cứu cần được xây dựng tạo thuận lợi cho người dùng và việc hướng dẫn tra cứu, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp được thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển.

Hiện Việt Nam có cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp phong phú nhưng nhiều thông tin hữu ích chưa được khai thác hiệu quả, chưa tới được đúng địa chỉ áp dụng.

Trong khi đó, cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp cũng như các thông tin hữu ích khác cần được tích hợp và kết nối tới DN bằng cách thiết lập một “thị trường giao dịch tài sản trí tuệ”.

Việc vận hành một cách chuyên nghiệp, hiệu quả giúp các tài sản trí tuệ được ứng dụng tạo thu nhập cho chủ thể sáng tạo, thúc đẩy ĐMST cũng như giải quyết được các vấn đề cấp bách cho xã hội như: xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, cải thiện khí hậu và gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

VY ANH (Nguồn: TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh