Tìm thấy hóa thạch cổ thụ 350 triệu năm tuổi cực hiếm

04:02, 06/02/2024

Hóa thạch thực vật cổ đại vốn rất khan hiếm do chúng tồn tại trước con người hàng trăm triệu năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ vừa tìm thấy 5 di thể cổ thụ đặc biệt, tiết lộ manh mối mới về sự sống trên Trái đất.

Hóa thạch thực vật cổ đại vốn rất khan hiếm do chúng tồn tại trước con người hàng trăm triệu năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ vừa tìm thấy 5 di thể cổ thụ đặc biệt, tiết lộ manh mối mới về sự sống trên Trái đất.

Hóa thạch cây Sanfordiaaulis - Ảnh: COURTESY MATTHEW STIMSON
Hóa thạch cây Sanfordiaaulis - Ảnh: COURTESY MATTHEW STIMSON

Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Current Biology, năm mẫu hóa thạch nói trên được tìm thấy tại một mỏ đá ở tỉnh New Brunswick, Canada. Chúng bị chôn vùi sau một trận động đất xảy ra cách đây 350 triệu năm.

Loài cây này được đặt tên là Sanfordiaaulis, cao khoảng 2,7m, không phân nhánh và có cấu trúc thân khá giống cây dương xỉ hoặc cây cọ.

Chiều cao khi trưởng thành có thể đạt tới 4,6m, đường kính của tán lá là 5,48m và mỗi chiếc lá dài khoảng 1,7m - vươn ra khỏi thân theo hình “xoắn ốc bị nén chặt”.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cấu trúc lá hình xoắn ốc này giúp cây Sanfordiaaulis tối đa hóa lượng ánh sáng mặt trời thu được thông qua quá trình quang hợp.

Ngoài ra, trên ngọn cây còn có hơn 250 chiếc lá mọc chen chúc.

Hình phục dựng 3D của cây Sanfordiaaulis - Ảnh: COURTESY STONE SIFIER
Hình phục dựng 3D của cây Sanfordiaaulis - Ảnh: COURTESY STONE SIFIER

Ông Robert Gastaldo, nhà cổ sinh vật học, trầm tích học kiêm người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng (các khối hóa thạch) là những chiếc hộp lưu giữ thời gian đúng nghĩa, chúng là những ô cửa nhỏ cho phép chúng ta nhìn vào cảnh quan và hệ sinh thái cổ xưa”.

Ông Olivia King và ông Matthew Stimson, đồng tác giả nghiên cứu, đã khai quật được mẫu hóa thạch Sanfordiaaulis đầu tiên vào năm 2017. Bốn mẫu còn lại được tìm thấy trong năm nay.

Mẫu hóa thạch cây Sanfordiaaulis đầu tiên, được khai quật vào năm 2017 - Ảnh: COURTESY MATTHEW STIMSON
Mẫu hóa thạch cây Sanfordiaaulis đầu tiên, được khai quật vào năm 2017 - Ảnh: COURTESY MATTHEW STIMSON

Theo ông Gastaldo, hầu hết các mẫu thực vật hóa thạch được tìm thấy đều có kích thước tương đối nhỏ hoặc chỉ còn một trong các bộ phận như gốc hoặc bộ rễ.

Ông Peter Wilf, giáo sư khoa địa chất học và nhà cổ thực vật học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), nói rằng hóa thạch cây cối hoàn chỉnh còn hiếm hơn cả khủng long.

Thế nên việc tìm thấy năm cổ thụ hóa đá trong tình trạng gần như hoàn hảo đã khiến họ vô cùng ngạc nhiên.

Trong đó mẫu vật hoàn chỉnh nhất được bọc trong một phiến sa thạch (đá trầm tích nguyên sinh với thành phần chủ yếu là cát) có kích cỡ gần bằng chiếc ô tô nhỏ.

“Những hóa thạch mới là cột mốc quan trọng trong sự hiểu biết của chúng ta về cách rừng rậm sơ khai phát triển, từ đó tạo nên nhiều kiến trúc rừng nhiệt đới phức tạp hỗ trợ phần lớn sự đa dạng sinh học trên Trái đất”, ông Wilf nhận định.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cây Sanfordiaaulis chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng phát triển vào đầu kỷ carbon, thời điểm động vật dưới nước bắt đầu tiến hóa để sống trên đất liền (cách đây khoảng 359 - 299 triệu năm trước).

Ông Gastaldo nói Sanfordiaaulis là dấu hiệu cho thấy thực vật, giống với động vật không xương sống thời kỳ đầu, đang tìm cách thích nghi với môi trường sống.

Trận động đất vùi lấp loài cây này cũng cung cấp thêm bằng chứng mới về hoạt động địa chất trên Trái đất ở thời điểm đó.

Theo QUANG NGHĨA/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh