Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội. Những năm gần đây, hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều khởi sắc và có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ thu hút đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. |
Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội. Những năm gần đây, hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều khởi sắc và có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
Theo ông Lý Công Danh- Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN), nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, thời gian qua, bảo hộ, quản lý và phát triển SHTT đã trở thành một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được quy định, lồng ghép trong nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội nói chung và phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nói riêng.
Sở KH-CN phối hợp Phòng Kinh tế TX Bình Minh triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến “Đăng ký bảo hộ và khai thác nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp” cho các hộ ở Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa và phát hành 4 tài liệu về SHTT. 16 hộ làng nghề tham dự, được nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản lý, khả năng chủ động khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Trong năm 2023, Cục SHTT đã cấp 34 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, nâng tổng số văn bằng bảo hộ của tỉnh là: 1.441 văn bằng, trong đó: 1.285 nhãn hiệu, 11 giải pháp hữu ích, 7 sáng chế, 137 kiểu dáng công nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý.
UBND tỉnh chấp thuận việc sử dụng địa danh “Bưng Sẩm” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Khóm Bưng Sẩm”. |
Trong năm, tham mưu UBND tỉnh về việc cho phép HTX Nông sản Bưng Sẩm sử dụng địa danh “Bưng Sẩm” để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm khóm tươi và xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh Bưng Sẩm. Kết quả, UBND tỉnh chấp thuận việc sử dụng địa danh “Bưng Sẩm” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Khóm Bưng Sẩm” và bản đồ khu vực trồng khóm Bưng Sẩm ở ấp Hiệp Lợi, xã Hòa Bình, Trà Ôn.
Công tác thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT cũng được đặc biệt quan tâm. Ngành văn hóa-TT-DL đã tổ chức và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 55 cuộc kiểm tra đối với 163 lượt tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Kết quả chưa phát hiện trường hợp vi phạm có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Tại các cơ sở, đoàn kiểm tra tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Đồng thời, ngành nông nghiệp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT, chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại các huyện, thị xã cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nâng tầm giá trị thương hiệu địa phương
Ông Trần Giang Khuê- Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ, xây dựng thương hiệu góp phần bảo vệ chất lượng, danh tiếng của sản phẩm, tránh sự lạm dụng và giả mạo; đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân, giúp người tiêu dùng bằng cách cung cấp thông tin liên quan đến tính chất đặc thù hoặc xuất xứ của sản phẩm.
Từ những dự án về SHTT đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý; nâng cao uy tín và khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và tăng lợi ích kinh tế cho các nhà sản xuất, kinh doanh; góp phần quảng bá hình ảnh các đặc sản của tỉnh; bảo tồn và nâng cao danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản của địa phương…
Thời gian qua, Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực tìm mọi giải pháp, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các loại nông sản có giá trị thương hiệu để tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm với mong muốn tạo ra sản phẩm có giá trị trên thị trường. Như bưởi năm roi được chế biến đa dạng với mứt vỏ bưởi, trà bưởi.
Khoai lang Bình Tân với các sản phẩm như: khoai lang sấy, khoai lang sấy tẩm mật ong, bánh phồng khoai lang, bột khoai lang… Nổi bật gần đây trong Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long lần III năm 2023, khoai lang Bình Tân được xác lập kỷ lục Việt Nam với sự kiện công diễn 100 món ăn, thức uống từ khoai lang Bình Tân.
Các ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng website, mã số vùng trồng, mã vạch và các hoạt động hỗ trợ khác để góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản địa phương.
Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2024, ông Nguyễn Văn Tùng- Giám đốc Sở KH-CN, cho biết, sẽ tuyên truyền về SHTT với nhiều hình thức như: tập huấn, hội thảo, tổ chức sự kiện, hệ thống phát thanh truyền hình... nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT.
Tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về SHTT bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về SHTT để góp phần khuyến khích các hoạt động sáng tạo, khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam giúp nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu khoai lang Bình Tân. |
SHTT được ví là công cụ đòn bẩy thúc đẩy, nâng tầm cho đổi mới sáng tạo. Thực hiện các hoạt động SHTT, khai thác tài sản trí tuệ một cách hiệu quả để xây dựng thương hiệu của tỉnh và góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ