Việc ban hành Chỉ thị 25 về phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN) đồng bộ, hiệu quả và hội nhập được coi là "lời giải" cho bài toán "gỡ điểm nghẽn" trong phát triển thị trường KH-CN, đóng góp thực chất cho phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tới.
Người khiếm thị trải nghiệm một ứng dụng hỗ trợ. |
Việc ban hành Chỉ thị 25 về phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN) đồng bộ, hiệu quả và hội nhập được coi là “lời giải” cho bài toán “gỡ điểm nghẽn” trong phát triển thị trường KH-CN, đóng góp thực chất cho phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tới.
Chính sách đúng đắn
Đến nay, thị trường KH-CN dần hình thành, phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Thể chế, chính sách phát triển thị trường KH-CN từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hóa KH-CN ngày càng tăng, kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp (DN) đón nhận.
Nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các DN ngày càng được cải thiện. Các tổ chức trung gian từng bước được hình thành và phát triển, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm KH-CN tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường KH-CN nước ta còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc, “điểm nghẽn” cần được sớm tháo gỡ, khắc phục, như hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung- cầu công nghệ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt; còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài; nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng; DN khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của DN còn yếu; các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu; thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia và kết nối với thị trường quốc tế.
Việc ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả và hội nhập với mục tiêu phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả và hội nhập sẽ giúp thị trường này phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Đồng bộ hóa trong phát triển thị trường khoa học công nghệ
Theo ông Phạm Đức Nghiệm- Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN, việc phát triển thị trường KH-CN luôn đòi hỏi có sự đồng bộ của các chủ thể và thành tố tham gia.
Đối với thị trường KH-CN, không chỉ cần đồng bộ giữa cung và cầu mà còn đòi hỏi sự đồng bộ về năng lực của tổ chức trung gian, hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung.
Trên hết, để phát triển được thị trường KH-CN cần có sự đồng bộ về thể chế chính sách.
Với Chỉ thị 25, Bộ KH-CN có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành liên quan, tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH-CN, đẩy mạnh kết nối Trung ương với địa phương; viện nghiên cứu, trường ĐH với DN và người dân.
Cùng với đó, từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật dùng chung về thị trường KH-CN trong nước và quốc tế để tạo tiền đề đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH-CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ DN, người dân và xã hội để phát triển thị trường KH-CN.
Ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng khi chính sách đã “đồng bộ” thì cần tới sự “hiệu quả” và “hiện đại” trong công tác triển khai, bao gồm hiệu quả trong sử dụng quỹ phát triển KH-CN của DN; hiệu quả trong triển khai các chính sách liên quan đến tiếp cận tín dụng của DN trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực và công nghệ tiên tiến có khả năng tạo giá trị gia tăng cao.
“Thị trường KH-CN Việt Nam ra đời muộn và đi sau thị trường bất động sản, vốn, lao động. Để phát triển đúng như kỳ vọng, chúng ta không chỉ phải phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, kiến tạo các chính sách vượt trội, thiết lập hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy sự vận hành hiệu quả, đúng quy luật... mà còn cần đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế”, ông Phạm Đức Nghiệm nói.
Chỉ thị 25 cho thấy Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách để tiếp tục nối tiếp thành quả đã đạt được và khắc phục tồn tại trong phát triển thị trường KH-CN.
Các bộ, ban, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để thị trường KH-CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Từ đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển thị trường KH-CN đến năm 2030.
Các cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy DN tham gia thị trường KH-CN; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ được tập trung hoàn thiện để phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiện đại và hội nhập.
Thông qua các quá trình đó, thị trường KH-CN, DN KH-CN, dịch vụ KH-CN, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH-CN sẽ được đẩy mạnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các vướng mắc, “điểm nghẽn” sẽ dần được tháo gỡ.
Các chính sách mới hoặc được điều chỉnh sẽ tạo động lực cho nhà khoa học, tạo ra chất lượng, hiệu quả trong nghiên cứu phát triển nói riêng và thị trường KH-CN nói chung.
VY ANH (theo TTXVN/Vietnam+)