Phát huy tinh thần sáng tạo, đam mê nghiên cứu trong học sinh

05:07, 23/07/2023

Trong những năm qua, các cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, Hội thi Tin học trẻ, Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được tổ chức thường xuyên tạo phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng.

Hội đồng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tiến hành chấm điểm, góp ý cho sản phẩm của học sinh.
Hội đồng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tiến hành chấm điểm, góp ý cho sản phẩm của học sinh.

Trong những năm qua, các cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, Hội thi Tin học trẻ, Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được tổ chức thường xuyên tạo phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng.

Từ đây, các em học sinh được khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy, sáng tạo, thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức được học vào thực tế cuộc sống.

“Bệ phóng” tài năng trẻ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, sáng tạo là yêu cầu cần thiết để phát triển.

Với hàng loạt thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, con người càng cần phải thích nghi nhanh hơn với những thay đổi và phát triển về mặt công nghệ; các quốc gia phải ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào quá trình phát triển để không bị tụt hậu phía sau.

Và thiếu niên nhi đồng với vai trò là những chủ nhân tương lai của đất nước cần xây dựng cho mình tư duy sáng tạo, những kỹ năng, kiến thức cần thiết để có thể tiếp thu nhanh và ứng dụng hiệu quả những thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào học tập và cuộc sống.

Với sản phẩm “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa”, bạn Nguyễn Thị Như An và Nguyễn Ngọc Ngân- Trường THCS Hiếu Phụng (Vũng Liêm) để lại ấn tượng về sự tự tin, thông minh khi giành nhiều giải thưởng cấp toàn quốc và mang sản phẩm giới thiệu tại Malaysia.

Từ thực tế cuộc sống, các em đã nghĩ ra ý tưởng gần gũi, để chính cha mẹ, các bác của mình đỡ cực nhọc hơn. Bạn Nguyễn Thị Như An chia sẻ: “Gia đình em làm nông, từ nhỏ đã thấy cha mẹ vất vả ra đồng.

Em muốn tạo ra sản phẩm này để hệ thống có thể sử dụng camera thu thập hình ảnh và gửi dữ liệu để người nông dân phát hiện ra các loại bệnh sớm.

Sản phẩm cũng tích hợp các chức năng giúp kiểm soát độ mặn, nhiệt độ của đất, đồng thời có thể bơm nước ra vào ruộng điều chỉnh lượng nước hợp lý trong sản xuất nông nghiệp”.

Với sự hướng dẫn của thầy cô, em Nguyễn Đoàn Cao Trí cùng các bạn ở Trường THCS Lưu Văn Mót (Vũng Liêm) cũng có ý tưởng tạo hệ thống canh tác nông nghiệp thông minh.

Hệ thống được quan sát điều khiển bằng máy tính thu nhỏ có màn hình cảm ứng với đầy đủ chức năng được lắp sẵn sim 4G kết nối với điện thoại thông minh.

Hệ thống có thể tưới tiêu tự động, tự động đo độ mặn, tự động đo mực nước, đồng thời tự động xử lý khi nước nhiễm mặn và mực nước vượt ngưỡng cho phép.

Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp chỉ số quan trắc cần thiết cho cây. Hệ thống tích hợp 7 công cụ cảm biến như: đo nhiệt độ đất, độ ẩm đất, độ dẫn điện của đất, pH đất, hàm lượng NPK trong đất.

Thông qua các chỉ số báo về, nông dân kịp thời xử lý, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng vào các thời điểm khác nhau nhằm tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế.

Tất cả các thông số kỹ thuật khi vận hành canh tác đều được lưu trữ nhằm giúp người nông dân thống kê, dự đoán, hoạch định tương lai.

Dự án cũng đã triển khai giới thiệu tại các cuộc hội thảo nông nghiệp ở địa phương và nhận được hưởng ứng cao từ các cô chú nông dân, cũng như cán bộ nông nghiệp mong muốn phát triển, nhân rộng dự án, giúp nông dân tiếp cận với mô hình hiện đại, giảm thời gian, chi phí mà đem lại hiệu quả cao.

Sản phẩm có giấy xác nhận thực nghiệm mô hình của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm tại nhà vườn ông Nguyễn Hữu Hòa.

Cho em thỏa sức sáng tạo

Em Trầm Vương Nhi- Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Vĩnh Long) mày mò tìm hiểu và thử nghiệm để làm thiết bị điện tiện dụng dành cho người cao tuổi.

Tận dụng mạch điều khiển quạt từ xa với giá thành thấp, kết nối với ổ cắm điện bình thường để làm thành ổ cắm điện có thể dùng remote điều khiển tắt/ mở đèn và quạt hoặc các thiết bị sử dụng điện khi cắm vào ổ cắm điện.

Từ kiến thức đã học ở trường, các em sáng tạo áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Từ kiến thức đã học ở trường, các em sáng tạo áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Em Vương Nhi chia sẻ: “Mong muốn của em là tạo ra sản phẩm thiết thực giúp đỡ cho các cụ già. Những ông bà mắt kém, giọng nói không rõ ràng, tay không linh hoạt, khó sử dụng điện thoại thông minh thì đều có thể sử dụng dễ dàng”.

Tuy chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhất, nhưng nhóm bạn Nguyễn Thành Nhân, Lê Ngọc Hân (Trường THPT Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn) vô cùng tự hào khi ngắm thành quả của cả nhóm là sản phẩm áo gù lưng kết hợp massage.

Từ kiến thức đã học, các bạn tận dụng nguyên liệu dễ tìm như vải, dây điện, công tắc tạo nên thiết bị sử dụng năng lượng từ pin dễ dàng thay thế, có thể gấp gọn mang theo mọi nơi, có thể tháo lắp thành 2 sản phẩm riêng biệt là áo chống gù lưng và áo có chế độ massage.

Thầy Trần Trọng Hữu- Giáo viên Trường THPT Trà Ôn, cho biết: “Thông qua những giờ thực hành, các em học sinh có thể phát triển kỹ năng, ứng dụng những gì đã học ở trường học áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Kỹ năng mềm cũng là một phần quan trọng trang bị để các em biết tìm thông tin, xử lý thông tin, biết nghiên cứu, biết tạo ra sản phẩm hoàn thiện và thuyết trình giới thiệu sản phẩm đó.

Phát động các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho các em đam mê nghiên cứu, mỗi lớp hình thành nhóm nghiên cứu, nhờ giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học… hỗ trợ cho các em. Trường sẽ thành lập hội đồng tư vấn, phản biện và phân công giáo viên hướng dẫn
các em”.

Khuyến khích các em học sinh tiếp tục khám phá, sáng tạo, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất đối với ngành giáo dục và nhà trường quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các em hình thành và triển khai, thực hành các ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật; nghiên cứu giảng dạy STEAM cho các em trong các giờ ngoại khóa, các buổi sinh hoạt CLB.

Thông qua đó, các em sẽ vừa tiếp thu kiến thức, kỹ năng và lan truyền cảm hứng sáng tạo. Thầy cô gợi mở giúp các em hình thành thêm nhiều ý tưởng nghiên cứu mới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh