Chuyên gia thuộc viện Hàn lâm Khoa học Liên bang (LB) Nga khẳng định đối tác quan trọng hàng đầu của Nga ở ASEAN là Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay.
Quang cảnh hội thảo. |
(VLO) Chuyên gia thuộc viện Hàn lâm Khoa học Liên bang (LB) Nga khẳng định đối tác quan trọng hàng đầu của Nga ở ASEAN là Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay.
Tại Viện Trung Quốc và các quốc gia châu Á đương đại (ICCA) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga vừa diễn ra lễ khai mạc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong quá trình hội nhập khu vực: Những thách thức và triển vọng phát triển”.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 17-18/5 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, bao gồm 40 báo cáo tham luận của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thuộc các viện nghiên cứu của Nga, đại diện giới chuyên gia các quốc gia Việt Nam, Lào, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Afghanistan, Indonesia trong 1 phiên toàn thể và 6 phiên thảo luận chuyên đề với các chủ đề “Quan hệ song phương của các nước Đông Dương với các đối tác đối thoại”; “Vai trò của Nga trong khu vực: Tầm nhìn của Moskva và các quốc gia Đông Nam Á”; “Hợp tác tiểu vùng trên bán đảo trong tiến trình hội nhập ASEAN”; “Các khía cạnh kinh tế trong sự phát triển của các nước Đông Nam Á”; “Môi trường công nghệ thông tin trong phát triển của các quốc gia Đông Nam Á” và “Các khía cạnh lịch sử”.
Tham dự lễ khai mạc hội thảo sáng 17/5 có Giám đốc ICCA Kirill Vladimirovich Babaev, Vụ trưởng Vụ châu Á 3, thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga Nikolai Stanislavovich Nozdrev, đại diện Đại sứ quán các quốc gia ASEAN tại LB Nga, các chuyên gia, học giả quốc tế, cùng đông đảo các chuyên gia, học giả hàng đầu nghiên cứu về khu vực châu Á- Thái Bình Dương của LB Nga.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Giám đốc ICCA Kirill Vladimirovich Babaev đánh giá cao việc tổ chức sự kiện lần này vì việc nghiên cứu các tiến trình chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại ở các quốc gia Đông Á, cũng như quá trình hợp tác giữa các quốc gia này với nhau và với Moskva đóng vai trò quan trọng đối với LB Nga trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Babaev, các phiên thảo luận tại hội thảo là cơ hội để cộng đồng chuyên gia của Nga và các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương thấu hiểu nhau hơn, lắng nghe lập trường và quan điểm của nhau về các vấn đề quốc tế quan trọng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nữa.
Về phần mình, ông Nikolai Stanislavovich Nozdrev- Vụ trưởng Vụ châu Á 3 thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga, khẳng định kết quả nghiên cứu của cộng đồng chuyên gia sẽ là nguồn tham khảo quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của LB Nga, khi đã nhận biết được những thách thức và triển vọng trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cũng như trong hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực với LB Nga.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên lề hội thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga Vladimir Moiseevich Mazyrin cho biết tiếp nối thành công của Hội thảo về khu vực châu Á- Thái Bình Dương vào năm ngoái, ICCA muốn tạo diễn đàn thảo luận khoa học thường niên về khu vực.
Ông Mazyrin nhấn mạnh việc lựa chọn thảo luận về chủ đề ASEAN hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của Bộ Ngoại giao LB Nga, khi ông Nikolai Stanislavovich Nozdrev- Vụ trưởng Vụ châu Á 3 thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đã nhấn mạnh châu Á- Thái Bình Dương nằm trong trọng tâm chính sách đối ngoại của LB Nga.
Chuyên gia của ICCA Anton Viktorovich Bredikhin khẳng định đối tác quan trọng hàng đầu của Nga ở ASEAN là Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị khó khăn như hiện nay.
Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, đồng thời cũng là quốc gia đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu, nên sẽ phản ánh các lợi ích của Nga trong khu vực.
Cũng theo chuyên gia Bredikhin, trong bối cảnh đó, Moskva cần thể hiện vai trò rõ hơn trong giải quyết các vấn đề khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông trên cơ sở củng cố hiệu lực của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Chuyên gia Bredikhin đề xuất sáng kiến hợp tác ba bên Nga- Trung Quốc- Việt Nam trong khu vực trên các lĩnh vực khai thác hải sản, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Trong quá trình thảo luận, nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của ASEAN cả về chính trị, kinh tế, khoa học- kỹ thuật trên thế giới và Nga cần quan tâm thúc đẩy quan hệ hiệu quả, thiết thực với các đối tác truyền thống.
VY ANH (theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin