Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn

Cập nhật, 22:24, Thứ Sáu, 27/01/2023 (GMT+7)
Người dân thực hiện dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long.
Người dân thực hiện dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long.
Tỉnh Vĩnh Long đang quyết tâm chọn chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Người dân cũng đã bắt đầu đón nhận và sử dụng những giá trị do chuyển đổi số mang lại.
 
Khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến
 
Nói về việc giải quyết thủ tục cấp phép thủ tục hành chính, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Công ty Quảng cáo Vĩnh An, Phường 1 - TP Vĩnh Long) vui vẻ cho biết: “Nhờ thực hiện các thủ tục hoàn toàn qua mạng, nên rất thuận lợi cho đối tác cũng như cho công ty của tôi”. Đăng nhập vào hệ thống dịch vụ công của tỉnh, có hơn 150 thủ tục được công ty này thực hiện ở mức độ 4 trong năm 2022.
 
Chị Thùy Dương cho biết, việc thực hiện trực tuyến không chỉ tiết kiệm chi phí đi lại mà còn rất dễ dàng so với trực tiếp. Thay vì phải gửi bản giấy thì bây giờ bên đối tác chỉ cần scan (quét) các loại giấy tờ, sau đó bên công ty làm thủ tục, sau khi đăng nhập, thao tác vài phút là gửi xong hồ sơ. Trên đó, mình có thể dễ dàng theo dõi hồ sơ, 5 ngày là trả kết quả. 
 
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Công ty Quảng cáo Vĩnh An, TP Vĩnh Long) nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 4 tại văn phòng công ty.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Công ty Quảng cáo Vĩnh An, TP Vĩnh Long) nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 4 tại văn phòng công ty.
Chuyên viên Quách Thị Cẩm Hồng tiếp nhận thủ tục hành chính lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch (tại Trung tâm Phục vụ hành chính công) cũng vui vẻ cho biết: “Hiện người dân, doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện nhiều dịch vụ công mức độ cao. Nhiều người dễ dàng gửi hồ sơ qua cổng dịch vụ công của tỉnh và chờ thực hiện thủ tục mà không cần đến đây”. Trong số 124 thủ tục thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đã có 88 thủ tục đạt mức độ 3, 4. Hiện đang tiếp tục đề nghị thêm 12 thủ tục mức độ 4.
 
“Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua mạng để tiện lợi cho đôi bên”- Cẩm Hồng giải thích thêm: Vì khi người dân thực hiện qua mạng, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đi lại mà đôi khi phát sinh vấn đề như thiếu hồ sơ thủ tục, thì bên bộ phận tiếp nhận và giải quyết cũng chủ động thông báo, tiết kiệm thời gian giải quyết thủ tục cho người dân.
 
Chia sẻ về việc thực hiện giải quyết thủ tục qua các ứng dụng cài đặt qua điện thoại di động, Phó Chủ tịch UBND Phường 4 (TP Vĩnh Long) Trần Đăng Khoa cho rằng, nhờ cài đặt và sử dụng các phần mềm quản lý nên chủ động hơn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
 
Các ứng dụng trên di động như Hệ thống một cửa, quản lý văn bản và điều hành không chỉ giúp lãnh đạo theo dõi, nắm được tình hình mà còn có thể giải quyết, xem xét được các hồ sơ, thủ tục,… tránh được tình trạng quá hạn khi giải quyết.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, các ứng dụng chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi.
 
Các nền tảng, phần mềm ứng dụng: Quản lý văn bản, hồ sơ công việc; Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, Hệ thống thư điện tử của tỉnh, Hệ thống thông tin báo cáo, Hệ thống họp không giấy, thí điểm Đô thị thông minh… hoạt động hiệu quả đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.
 
Phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội
 
Theo Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thị Quyên Thanh, tỉnh Vĩnh Long quyết tâm chọn chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
 
Theo đó, tỉnh chủ động xây dựng và ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số. Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình. Người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.
 
Đặc biệt, kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch và dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân. Chuyển đổi số của tỉnh bước đầu mang lại những kết quả, năm 2021 xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số của tỉnh tăng 20 bậc so với năm 2020 (năm 2021: hạng 32/63).
Các đội tham gia diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng năm 2022.
Các đội tham gia diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng năm 2022.
 
Báo cáo của Sở Thông tin - TT cho thấy, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã có cổng/trang thông tin điện tử. Cổng thông tin điện tử của 18 sở ngành, 107 UBND cấp xã đã khai báo và được chứng nhận tín nhiệm mạng do Cục An toàn thông tin cung cấp. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã hoàn thành kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đăng tải 1.714 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó, có 1.215 dịch vụ công mức 4, 45 dịch vụ công mức 3, còn lại 454 đạt mức 2.
 
Bà Đoàn Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Thông tin - TT, cho biết, trong năm 2023 sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng cấp tỉnh; xây dựng đưa vào sử dụng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh;
 
phối hợp triển khai các hoạt động kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng chuyên môn, nghiệp vụ vào Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; tổ chức thực hiện Kế hoạch để thúc đẩy triển khai và sử dụng các nền tảng số quốc gia và của tỉnh; triển khai nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin - TT.
Khen thưởng các cá nhân tham gia diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng.
Khen thưởng các cá nhân tham gia diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng.
 
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông, đồng chí Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu về chuyển đổi số của tỉnh. Trong đó xác định chuyển đổi số với người dân là trung tâm. Phải có tư duy đột phá, phát huy tính chủ động, sáng tạo và huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. 
 
Bên cạnh đó, nhanh chóng xây dựng nền tảng dùng chung sẵn sàng cho việc chuyển đổi phương thức làm việc sang môi trường số, từng bước hình thành chính quyền số, đồng thời tăng cường triển khai các nền tảng số quốc gia tại địa phương và nền tảng số dùng chung của tỉnh.
 
Đặc biệt, quan tâm và đầu tư nguồn lực cho công tác chuyển đổi số và đầu tư nguồn nhân lực chuyên sâu trong cơ quan nhà nước đủ trình độ để định hướng, hướng dẫn cho việc triển khai chuyển đổi số của tỉnh.
 
 
Đặc biệt, trong chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho mạng lưới công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số và khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.
 
Bài, ảnh: TẤN ANH
Các tin khác: