Hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Tại Vĩnh Long, việc tạo lập tài sản trí tuệ được quan tâm, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương.
Thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ của ông Đặng Hoàng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng sáng chế. |
Hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Tại Vĩnh Long, việc tạo lập tài sản trí tuệ được quan tâm, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương.
Chú trọng sở hữu trí tuệ
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực.
Theo ThS Lý Công Danh - Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, hàng năm Sở KH - CN thực hiện hướng dẫn từ 30 - 60 lượt tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính xác lập quyền, gia hạn, sửa đổi, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Đến tháng 6/2022, số lượng các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, sáng chế, chỉ dẫn địa lý đã nộp đơn là 2.122 đơn đăng ký, và được cấp 1.379 văn bằng bảo hộ.
Trong chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, Sở KH - CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho 59 nhãn hiệu, 31 kiểu dáng công nghiệp, nhượng quyền 1 chủ sở hữu nhãn hiệu. Hỗ trợ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể như: dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể chôm chôm cù lao Long Hồ”; dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh”.
Trong ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo của tổ chức, cá nhân được hình thành từ thực tiễn, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Hoàng Sơn đã kết hợp với Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo và thử nghiệm bộ tiết kiệm xăng trên xe máy”. Và “Thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ” của tác giả Đặng Hoàng Sơn đã được Cục SHTT cấp văn bằng sáng chế năm 2017. Ông Hoàng Sơn chia sẻ, SHTT có vai trò rất quan trọng trong việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo nên thương hiệu của riêng mình. Tài sản trí tuệ sẽ được bảo vệ, áp dụng biện pháp công nghệ ngăn ngừa xâm phạm quyền SHTT, yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Ông Lý Công Danh cho biết, trong thời gian tới, Sở KH - CN tiếp tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký bảo hộ quyền SHTT; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp. Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ…
Nâng tầm thương hiệu đặc sản địa phương
Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, xây dựng thương hiệu góp phần bảo vệ chất lượng, danh tiếng của sản phẩm, tránh sự lạm dụng và giả mạo; đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân, giúp người tiêu dùng bằng cách cung cấp thông tin liên quan đến tính chất đặc thù hoặc xuất xứ của sản phẩm. Thương hiệu sẽ gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín, danh tiếng, chất lượng và thị phần cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội
địa phương.
Trong xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế, các đặc sản của vùng ĐBSCL vẫn chỉ được trồng, sản xuất, kinh doanh ở quy mô nhỏ, manh mún. Các máy móc, thiết bị còn thô sơ, việc ứng dụng công nghệ mới chỉ ở các doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, chất lượng của sản phẩm đặc sản sẽ không đồng đều, thiếu ổn định và sẽ dẫn đến ảnh hưởng uy tín của sản phẩm, tác động xấu đến thương hiệu chung cho đặc sản địa phương. Các sản phẩm đặc sản địa phương mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể… thường là sản phẩm nông sản, mặc dù có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu trong top đầu thế giới như: gạo, chè, cà phê, hạt điều... nhưng thường chỉ là xuất thô, nguyên liệu mà không hề có dấu ấn của thương hiệu Việt Nam vì các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh còn ít quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu cho chính doanh nghiệp mình, chứ chưa nói cho thương hiệu địa phương, vùng miền hay thương hiệu quốc gia.
Ông Trần Giang Khuê nhấn mạnh, để xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương, về phía các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền SHTT. Đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền SHTT nói chung và đặc biệt là cho đặc sản địa phương nói riêng để nâng cao nhận thức cộng đồng; giúp cho các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản yên tâm đầu tư, sản suất; tránh hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể làm giảm uy tín thương hiệu đặc sản địa phương.
Chú trọng Sở hữu trí tuệ để có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. |
Về phía các nhà sản xuất, kinh doanh, gốc rễ của xây dựng và phát triển thương hiệu chính là việc đảm bảo giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, điều này không ai có thể làm thay cho doanh nghiệp. Vì thế, các nhà sản xuất, kinh doanh phải duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định; thường xuyên trao đổi kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc sản. Cần tập trung tổ chức sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể… tức là không còn bán hàng thô, hàng nguyên liệu nữa mà bán sản phẩm có gắn nhãn mác hay thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền và quốc gia. Đồng thời tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để tăng cạnh tranh trên thị trường và cũng giúp giải quyết các sản phẩm tồn đọng tránh “được mùa thì rớt giá”…
Xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương, thực thi quyền SHTT có vai trò hết sức quan trọng. Chú trọng SHTT để có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin