Hiểm họa từ biến thể mới của virus SARS-CoV-2

12:05, 14/05/2022

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các biến thể phụ của Omicron với nguy cơ lây nhiễm cao đang ngày càng phổ biến, làm gia tăng số ca mắc Covid-19 ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. 

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: news.gsu.edu/vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: news.gsu.edu/vietnam+)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các biến thể phụ của Omicron với nguy cơ lây nhiễm cao đang ngày càng phổ biến, làm gia tăng số ca mắc Covid-19 ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Sự "biến hình" không ngừng của virus SARS-CoV-2 là mối đe dọa thường trực, thúc giục các nước phải thận trọng, cảnh giác và chủ động ứng phó với mọi kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Theo WHO, biến thể phụ BA.2 của Omicron đang là dòng gây bệnh chủ đạo trên thế giới và khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng tại hơn 50 quốc gia.

Các biến thể dòng phụ là BA.4 và BA.5 cũng nằm trong diện bị cảnh báo. Khoảng 700 ca nhiễm dòng phụ BA.4 được phát hiện ở ít nhất 16 quốc gia và 300 ca nhiễm BA.5 được phát hiện ở 17 quốc gia.

Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, dù hai dòng phụ này không gây nguy hiểm hơn so với biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn. Một dòng phụ khác là BA.2.12.1 cũng đã xuất hiện ở 23 quốc gia, với hơn 9.000 ca nhiễm.

Do tốc độ lây nhiễm cao cho nên biến thể Omicron có nhiều điều kiện để đột biến, dẫn tới sự xuất hiện của hàng loạt biến thể phụ. Tuy nhiên, nguy cơ về làn sóng dịch mới không chỉ đến từ các biến thể phụ của Omicron.

Mới đây, các nhà khoa học Israel đã gióng hồi chuông cảnh báo về khả năng gây bùng phát dịch trở lại của biến thể Delta, biến thể từng "làm mưa làm gió", để lại hậu quả nặng nề tại nhiều châu lục.

Mức độ nghiêm trọng của các biến thể phụ vẫn còn là ẩn số, cần được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu kỹ càng.

Song chắc chắn rằng, sự bùng phát của những làn sóng dịch mới sẽ kéo lùi thành tựu phục hồi mà toàn thế giới đã phải rất vất vả mới đạt được sau hơn hai năm đương đầu với dịch bệnh.

Nhờ hiệu quả của chiến dịch "phủ sóng" vaccine và các biện pháp phòng dịch, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới.

Nhịp sống dần quay trở về trạng thái bình thường. Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trở thành nhu cầu cấp thiết của các quốc gia sau quãng thời gian dài gián đoạn mọi hoạt động.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đã tăng hơn hai lần vào tháng 1 năm nay so cùng kỳ năm 2021. Châu Âu và châu Mỹ là hai khu vực có "ngành công nghiệp không khói" tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

UNWTO cho biết, hầu hết các khu vực trên thế giới đang chào đón du khách trở lại. Tại châu Âu, rất đông du khách đến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... Các nước Nam Mỹ và vùng Caribe với những bãi biển du lịch đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Tuy nhiên, WHO khuyến cáo, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. WHO khuyến nghị các quốc gia trang bị cho mình những "bộ công cụ" hữu hiệu để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Hội nghị cấp cao toàn cầu lần thứ 2 về đại dịch Covid-19 mới diễn ra đã nhận được những cam kết đóng góp tài chính mới cho cuộc chiến chống Covid-19, với tổng giá trị là hơn 3 tỷ USD.

Trong đó, hơn 2 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các hoạt động ứng phó trực tiếp với dịch bệnh, khoảng 962 triệu USD được dùng để phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai, bảo đảm an ninh y tế toàn cầu.

Mỹ hiện đang thúc đẩy nghiên cứu vắc-xin thế hệ thứ hai. Giới chuyên gia nhận định, tuy các loại vaccine ngừa Covid-19 thế hệ thứ nhất đã giúp giảm đáng kể số ca tử vong, bệnh nặng hay nhập viện, nhưng các loại vaccine này có thể không còn hiệu quả trong ngăn ngừa sự lây lan của các biến thể mới. Bởi lẽ đó, việc nghiên cứu vắc-xin thế hệ thứ hai đóng vai trò quan trọng.

Một số quốc gia như Peru, Colombia… gần đây triển khai chương trình tiêm mũi vaccine thứ tư để tăng khả năng miễn dịch trong cộng đồng, trong khi Cuba tập trung nghiên cứu về tính an toàn của vaccine đối với trẻ sơ sinh.

Trong hơn hai năm qua, virus SARS-CoV-2 từng biến đổi nhiều lần, dẫn đến sự xuất hiện của ngày càng nhiều biến thể mới. Con đường đi đến kết thúc đại dịch Covid-19 vẫn còn dài và nhiều chông gai, đòi hỏi các quốc gia không được phép lơ là, chủ quan khi nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới luôn hiện hữu.

Theo ĐỖ QUYÊN/Báo điện tử Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh