Ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống

05:01, 09/01/2022

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt, tỉnh Vĩnh Long tạo điều kiện thuận lợi, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để góp sức phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…

 

Nhiều đề tài ứng dụng khoa học công nghệ về cây khoai lang- một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.
Nhiều đề tài ứng dụng khoa học công nghệ về cây khoai lang- một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt, tỉnh Vĩnh Long tạo điều kiện thuận lợi, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để góp sức phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…

Chuyển đổi mô hình cây trồng

Theo bà Phạm Thị Hạnh- Phó Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng các cấp lãnh đạo, chủ nhiệm đề tài nỗ lực vượt khó, tạo điều kiện tốt để nhóm hoàn thành tốt các đề tài nghiên cứu. Trong đó, nổi bật ở đề tài chuyển đổi mô hình những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Cam sành là một trong những cây chủ lực của tỉnh với diện tích 9.804ha. Nhiều nơi đã hình thành những vùng trồng tập trung như: huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, TP Vĩnh Long.

Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ nên nhiều nhà vườn đã chuyển đổi đất lúa sang trồng cam với mục đích thu hoạch trong thời gian ngắn, trồng mật độ dày hơn khuyến cáo- gọi là “cam rau” hay “cam ruộng”. Thâm canh cao, năng suất có thể đạt 60 tấn/ha, lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha.

Việc trồng cây cam sành trên đất lúa là tự phát, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm, sử dụng giống trôi nổi, trồng dày (5.000 cây/ha) và xử lý phân thuốc chưa theo quy tắc 4 đúng, chạy theo lợi nhuận ép cây cho trái sớm dẫn đến cây bị khai thác cạn kiệt trong thời gian ngắn.

Bà Phạm Thị Hạnh cho biết, đề tài “Đánh giá thực trạng canh tác cây cam sành tại tỉnh Vĩnh Long” được thực hiện nhằm ghi nhận những thuận lợi, khó khăn và đánh giá hiện trạng tại các vùng sản xuất chuyên canh của tỉnh.

Đề tài đã chỉ rõ được kỹ thuật canh tác cam sành trên đất ruộng và đề xuất hướng nâng cao hiệu quả, tính bền vững của cây cam.

Cam sành ruộng hiện vẫn được thị trường nội địa chấp nhận. Tuy nhiên chất lượng thấp hơn, bởi trái bị chua, màu sắc kém hấp dẫn, trái nhỏ, dễ bị hao hụt trong quá trình tồn trữ.

Kết quả này là những khó khăn nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận lại và hoàn thiện hơn về chất lượng sản phẩm và thực hiện theo quy trình đã được khuyến cáo từ công trình nghiên cứu.

Khoai lang cũng được xem là cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua sản xuất khoai lang ở Vĩnh Long và một số tỉnh ĐBSCL gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh và giá cả không ổn định.

Việc khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm sẵn có từ nghề trồng khoai lang sẽ giảm đáng kể thách thức về giá cả thức ăn chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phát triển bình thường của vật nuôi.

Đề tài: “Nghiên cứu biện pháp bảo quản dây khoai lang và đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung trong khẩu phần đến năng suất của bò thịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” đã đưa ra được quy trình ủ chua dây khoai lang khá đơn giản, nhằm giúp nông dân có thể khai thác nguồn phụ phẩm này để dự trữ và nâng cao giá trị của nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương để bổ sung vào nguồn thức ăn cho bò.

Phòng chống dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp, đồng hành cùng các chuyên gia, nhà khoa học triển khai nghiên cứu “Thiết kế chế tạo thử nghiệm máy bóp thở”; nghiên cứu “Xây dựng giải pháp hỗ trợ giám sát cách ly tại nhà” và triển khai dự án “Sản xuất dung dịch sát khuẩn phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại nhà”.

Những nghiên cứu góp phần phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác từ nhiều nguồn ngân sách để nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đóng góp nhanh, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, Vĩnh Long trở thành vùng đô thị sinh thái, xanh, sạch, đẹp, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Công nghiệp và dịch vụ được đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghệ và chất lượng cao. Từng bước hình thành nền kinh tế tri thức dựa trên nguồn nhân lực có chất lượng. Vĩnh Long liên kết với TP Cần Thơ để phát triển thành vùng kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đào tạo, văn hóa và khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL.

Xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và chuyển dịch kinh tế theo hướng hiện đại của tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030”.

PGS. TS. Võ Thành Danh trình bày đánh giá thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế; xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; dự báo tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động tới mô hình tăng trưởng kinh tế; xây dựng bộ tiêu chí và bộ chỉ số tổng hợp đo lường mô hình tăng trưởng.

Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và kế hoạch theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện mô hình tăng trưởng…

Kết quả nghiên cứu đối với hoạt động của doanh nghiệp theo khảo sát năm 2020 cho thấy, trong 3 năm qua nhiều doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu sản xuất, kinh doanh, quản lý.

Tuy nhiên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Vĩnh Long là thấp và cần được cải thiện. PGS. TS. Võ Thành Danh đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển và các chương trình, đề án, dự án đầu tư lớn nhằm đẩy mạnh quá trình tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn 2030.

Phát huy hiệu quả dưới nhiều hình thức, việc ứng dụng khoa học, công nghệ là nhân tố quan trọng góp phần cùng người dân vượt qua những khó khăn, giúp cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: THÚY- HẠNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh