Giải thưởng khoa học triệu đô của Việt Nam sắp có chủ nhân

02:01, 18/01/2022

Dù trở ngại do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới ở nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ đang có mặt tại Hà Nội, chuẩn bị cho một sự kiện thu hút được sự chú ý của giới khoa học toàn cầu.

Dù trở ngại do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới ở nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ đang có mặt tại Hà Nội, chuẩn bị cho một sự kiện thu hút được sự chú ý của giới khoa học toàn cầu. 

GS Richard Henry Friend , Chủ tịch hội đồng giải thưởng VinFuture và GS Nguyễn Thục Quyên, đồng chủ tịch hội đồng sơ khảo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
GS Richard Henry Friend , Chủ tịch hội đồng giải thưởng VinFuture và GS Nguyễn Thục Quyên, đồng chủ tịch hội đồng sơ khảo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nữ giáo sư Katalin Kariko, phó chủ tịch cấp cao của BioNTech, người nổi tiếng toàn cầu với vai trò đặt nền móng cho công nghệ mRNA đã làm nên các loại vắc xin thế hệ mới trong cuộc chiến chống COVID-19; giáo sư - Sir Richard Henry Friend, hiện là giáo sư vật lý tại Đại học Cambridge (Anh), người tạo ra công nghệ OLED; giáo sư Gérard Albert Mourou, nhà khoa học người Pháp là chủ nhân giải Nobel vật lý 2018... cùng nhiều nhà khoa học tên tuổi đến từ những trường ĐH, viện nghiên cứu danh tiếng trên toàn cầu sẽ có mặt tại Hà Nội để tham dự Tuần lễ khoa học do quỹ VinFuture tổ chức từ ngày 18 đến 21/1/2022.

Thông điệp mạnh mẽ từ Việt Nam

Sự kiện này được tổ chức nhân dịp lần đầu tiên trao Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture.

"Khoa học công nghệ, một sứ mệnh của nó là làm sao để kết nối mang lại lợi ích cho xã hội. Đáng lẽ đó là điều tất nhiên nhưng nguyên tắc này dường như đang bị lãng quên. Khoa học nhiều khi chưa để ý tới khía cạnh kết nối để mang lại lợi ích cho xã hội.

Ý tưởng của VinFuture là kết nối các phát kiến khoa học công nghệ mang lại lợi ích cho xã hội. Đây là một ý tưởng đáng hoan nghênh mà tôi rất ủng hộ. Tôi rất hân hạnh vì được tham gia từ đầu của giải thưởng" - GS Richard Henry Friend chia sẻ với các phóng viên về lý do trở thành chủ tịch hội đồng giải thưởng VinFuture trong cuộc gặp chiều 17-1, khi vừa tới Hà Nội.

Đánh giá thêm về giải thưởng VinFuture, GS Richard Henry Friend bày tỏ: Với một giải thưởng khoa học lớn, có hai tiêu chí cốt lõi. Một là có tính đổi mới sáng tạo thực sự rõ nét, hai là mang lại lợi ích xã hội to lớn.

Đây cũng là giá trị cốt lõi mang lại nét đặc trưng, tạo ra nét đặc biệt của giải thưởng này với các giải thưởng khác trên thế giới. "Đổi mới sáng tạo không chỉ đến từ các quốc gia có nền tảng lâu đời khoa học, mà với sự toàn cầu hóa hiện nay, chỉ cần đất nước có khát vọng và nền giáo dục tốt hoàn toàn có thể có các công trình tác động đến xã hội", ông khẳng định.

Còn giáo sư Nguyễn Thục Quyên (ĐH California, Mỹ) - đồng chủ tịch hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture - cho biết việc quyết định tham gia quỹ:

"Là người Việt Nam, tôi cảm thấy vinh dự, hãnh diện vì đất nước mình có giải thưởng to lớn, ý nghĩa như vậy, tạo ra sự chú ý của thế giới. Tôi luôn hãnh diện nghĩ rằng giải thưởng không chỉ là của quỹ VinFuture, giải thưởng là của đất nước Việt Nam, tạo ra tên tuổi cho Việt Nam".

Giáo sư Quyên lý giải về sức hút của giải thưởng đối với giới khoa học trên thế giới, dù là một giải thưởng mới nhưng giá trị lớn nhất và cũng là sứ mệnh của giải thưởng VinFuture chính là thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại, tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

"Với Việt Nam, giải thưởng VinFuture không chỉ góp phần nâng tầm vị thế đất nước trên bản đồ khoa học và công nghệ toàn cầu, mà còn là cầu nối với cộng đồng khoa học trong nước với các nhà khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, tạo động lực cho việc phát triển của khoa học công nghệ cao", bà Quyên chia sẻ.

Nghiên cứu có ảnh hưởng toàn cầu

Chia sẻ "các công trình nghiên cứu được đề cử tham dự giải thưởng năm đầu tiên đã gây bất ngờ về cả số lượng và chất lượng, vượt xa kỳ vọng của hội đồng", giáo sư Quyên hé lộ: giải nhất sẽ được trao cho một công trình nghiên cứu mà "không chỉ do yếu tố đổi mới, sáng tạo mà còn tác động đến nhiều triệu người trên toàn thế giới".

Là một nhà khoa học nữ, từ trải nghiệm của bản thân, giáo sư Nguyễn Thục Quyên cũng bày tỏ hãnh diện vì giải thưởng có giải dành riêng cho các nhà khoa học nữ.

Hãnh diện vì không có nhiều giải cho phụ nữ mà lớn tầm cỡ thế này. Đây chính là một điểm đặc biệt của giải thưởng - ghi nhận thành tích của phụ nữ làm khoa học, góp phần để thế giới sẽ thay đổi quan niệm về nữ khoa học gia, nhìn nhận sự đóng góp của nữ khoa học gia hơn.

Được thành lập bởi quỹ VinFuture do tỉ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập, Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture gồm bốn hạng mục.

Trong đó giải thưởng chính - trị giá 3 triệu đôla Mỹ - là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó là ba giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 đôla Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ; các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Với việc được tổ chức thường niên, giải thưởng VinFuture được kỳ vọng sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới.

Đặc biệt, VinFuture cũng cam kết sẽ mở ra cơ hội kết nối trí tuệ đỉnh cao giữa giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội tụ các nguồn lực để cùng chung tay thúc đẩy quá trình thương mại hóa. Từ đó đưa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả đúng như sứ mệnh "khoa học phụng sự nhân loại" mà giải thưởng đề ra.

Ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ gần 800 trường đại học hàng đầu, viện nghiên cứu nổi tiếng và 42 viện hàn lâm khoa học quốc gia uy tín toàn cầu.

Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỉ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên.

Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như giải thưởng Nobel, giải thưởng Breakthrough, giải thưởng Tang Prize, giải thưởng Japan Prize...

Giải thường VinFuture ghi nhận sự tham gia của các nhà khoa học từ 60 quốc gia ở sáu châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm tỉ trọng 52,6%. Việt Nam có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án.

"Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture" - giáo sư Gerard Mourou (ĐH École Polyttechnique, Pháp), giải Nobel vật lý năm 2018, thành viên hội đồng giải thưởng, nhấn mạnh.

599 dự án được đề cử năm nay được hội đồng đánh giá có chất lượng cao, vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, hứa hẹn mang lại tác động tích cực cho hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người trên thế giới.

Những vấn đề mà các dự án này tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm; sáng tạo vật liệu mới để lưu trữ và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững; công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục...

Theo THANH HÀ - LAN HƯƠNG/Tuổi Trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh