Chuyển đổi số hướng đến người dân và doanh nghiệp

03:01, 31/01/2022

Hỗ trợ xây dựng, khai thác website, marketing bán hàng, tham gia thương mại điện tử cho hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp,… Đó là một trong những bước đi trong thực hiện kinh tế số ở lĩnh vực nông nghiệp, nhằm từng bước đưa nông sản của nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh của Vĩnh Long tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số bằng hình thức trực tuyến, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh- thành trong cả nước. Ảnh chụp màn hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số bằng hình thức trực tuyến, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh- thành trong cả nước. Ảnh chụp màn hình.

Hỗ trợ xây dựng, khai thác website, marketing bán hàng, tham gia thương mại điện tử cho hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp,… Đó là một trong những bước đi trong thực hiện kinh tế số ở lĩnh vực nông nghiệp, nhằm từng bước đưa nông sản của nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh của Vĩnh Long tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.

Hỗ trợ “làm quen” nền tảng số

Anh Nguyễn Thanh Việt- người sáng lập Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc cho biết: “Nhờ được hỗ trợ xây dựng trang web, công ty tạo ra kênh thông tin quan trọng, giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng trên mạng và đặt niềm tin hơn về sản phẩm”.

Anh nhận định: “Xây dựng trang web là một trong những nền tảng giúp doanh nghiệp có hướng đi đúng trong thời đại 4.0”.

Anh bày tỏ sự phấn khởi khi việc kết nối giữa quản lý thông tin, hình ảnh quảng bá công ty trên web để bán hàng thông qua mạng, đặc biệt là trang web công ty, sàn thương mại điện tử- đó là một trong những kênh tốt nhất trong giai đoạn hiện nay để đưa sản phẩm của mình đến tay khách hàng.

Hệ thống hội nghị trực tuyến, kết nối giữa UBND tỉnh với các địa phương nâng cao hiệu quả làm việc trong thời đại công nghệ số, đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.
Hệ thống hội nghị trực tuyến, kết nối giữa UBND tỉnh với các địa phương nâng cao hiệu quả làm việc trong thời đại công nghệ số, đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

Việc hỗ trợ này để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online, kinh doanh hiện đại.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Thanh Việt, việc này cần làm bày bản, cũng cần phải am hiểu, chứ không chỉ xây dựng theo trào lưu vì một số doanh nghiệp còn đang thiếu lực lượng đáp ứng nhu cầu để quản lý và sử dụng hiệu quả trang web.

Anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc- chủ Cơ sở Sản xuất trà Trường Ái (ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Đức- Long Hồ) cũng cho rằng, việc xây dựng được trang web đã giúp khách hàng đặt niềm tin đối với cơ sở và số lượng đơn hàng ngày càng tăng lên.

Nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng website. Trong ảnh: Anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc được hỗ trợ xây dựng website cho sản phẩm trà Trường Ái.
Nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng website. Trong ảnh: Anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc được hỗ trợ xây dựng website cho sản phẩm trà Trường Ái.

Trước đó, 3 sản phẩm của trà Trường Ái đạt chứng nhận OCOP 3 sao và phần lớn là bán qua sàn thương mại điện tử của tỉnh, các nền tảng Zalo, Facebook, đồng thời đang nghiên cứu thực hiện thêm trên các sàn thương mại điện tử khác như postmart.vn và voso.vn,…

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Vĩnh Long, việc xây dựng website cho các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Sở TT-TT phối hợp Nhà đăng ký tên miền “.vn” iNET.

Đây là một trong những kết quả ban đầu của chương trình “Thúc đẩy sử dụng tên miền quốc gia “.vn” tại tỉnh Vĩnh Long với các hoạt động đồng hành hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số.

Theo ông Huỳnh Hoàng Thành- Phó Giám đốc Sở TT-TT Vĩnh Long, bên cạnh phát triển hỗ trợ xây dựng website, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ đưa nông sản của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu lên sàn thương mại điện tử của tỉnh như trade.vinhlong.gov.vn; nsvl.com.vn.

Ngày càng nhiều người dân sử dụng và đánh giá mức độ hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Ngày càng nhiều người dân sử dụng và đánh giá mức độ hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Đặc biệt là hỗ trợ miễn phí trên 2 sàn thương mại điện tử lớn là postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel.

“Trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị hướng dẫn về cách đăng ký tham gia, tạo tài khoản. Qua đó, hỗ trợ miễn phí, đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác,… đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm”- ông Huỳnh Hoàng Thành cho biết.

Lấy người dân làm trung tâm

Bên cạnh hỗ trợ tham gia thương mại điện tử- một trong những bước đi trong thực hiện phát triển kinh tế số lĩnh vực nông nghiệp. Theo bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở TT-TT tỉnh, thực hiện chuyển đổi số năm 2021, Vĩnh Long đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Đặc biệt là tăng cường ứng dụng, dịch vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hoàn thiện cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, thực hiện đưa các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4,...

Hỗ trợ nông dân, hộ kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử, giúp nông sản tiếp cận thị trường trong và ngoài nước dễ dàng hơn.
Hỗ trợ nông dân, hộ kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử, giúp nông sản tiếp cận thị trường trong và ngoài nước dễ dàng hơn.

Về kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới, sở đã tham mưu trình nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đang xây dựng Đề án xây dựng dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Long và Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long; phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng chương trình phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo Kế hoạch số 37/KH-UBND, ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong cuộc họp phiên đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Bộ Trưởng Bộ TT-TT nêu quan điểm: Nếu việc ứng dụng công nghệ thông tin là số hóa các chức năng cũ của tổ chức, tức là số hóa theo chiều dọc, nó không đòi hỏi phải thay đổi nhiều về các quy trình hoặc vận hành của tổ chức, thì chuyển đổi số là số hóa theo chiều ngang, là số hóa toàn bộ tổ chức và tiếp theo là thay đổi quy trình, cách vận hành của tổ chức.

Do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra các thể chế số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết: “Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đã xác định việc rất quan trọng là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”.

Thủ tướng nêu rõ: Chuyển đổi số tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương, vì vậy, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông từ Trung ương tới cơ sở.

Do đó, việc chia sẻ dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau cùng làm, tránh tình trạng cục bộ, luôn phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết.

“Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh..

 Bài, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh