Đưa siêu kính viễn vọng tỉ đô vào không gian

07:12, 25/12/2021

Kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb, chiếc kính đã mất 3 thập kỷ và tốn hàng tỉ USD để chế tạo, sẽ bắt đầu hành trình triệu dặm vào không gian ngay trong dịp Giáng sinh.

Kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb, chiếc kính đã mất 3 thập kỷ và tốn hàng tỉ USD để chế tạo, sẽ bắt đầu hành trình triệu dặm vào không gian ngay trong dịp Giáng sinh.

Ảnh chụp tên lửa Ariane 5 trên bệ phóng ở French Guiana ngày 23/12, chuẩn bị đưa kính viễn vọng James Webb vào không gian - Ảnh: REUTERS
Ảnh chụp tên lửa Ariane 5 trên bệ phóng ở French Guiana ngày 23/12, chuẩn bị đưa kính viễn vọng James Webb vào không gian - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, siêu kính viễn vọng này sẽ được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên không gian bằng tên lửa Ariane 5 khoảng 19h20 (giờ Việt Nam) ngày 25/12 tại Trung tâm vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp, một tỉnh của Pháp ở Nam Mỹ.

Sau khi phóng khoảng 26 phút, thiết bị nặng hơn 6 tấn và lớn gần bằng 1 sân tennis này sẽ tách khỏi tên lửa để bắt đầu hành trình của mình.

Trong 1 tháng tiếp theo đó, kính viễn vọng Webb sẽ di chuyển đến điểm nằm trong quỹ đạo Mặt trời cách Trái đất khoảng 1,6 triệu km, tức gấp 4 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng. Đường quỹ đạo đặc biệt sẽ giúp nó luôn thẳng hàng với Trái đất khi cả 2 cùng quay song song quanh Mặt trời.

Để so sánh, kính viễn vọng không gian Hubble, có trước kính Webb 30 năm, quay quanh Trái đất ở khoảng cách 547km và bị Trái đất che khuất sau mỗi 90 phút.

Kính Webb, đặt theo tên một cựu giám đốc của NASA, có độ nhạy gấp 100 lần so với Hubble và được kỳ vọng là con mắt khổng lồ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về nguồn gốc của vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh giống Trái đất.

Webb là một siêu kính viễn vọng có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy. Phần gương của nó có đường kính đến 6,5m, gấp ba lần so với Hubble, được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác. Nó lớn đến mức NASA phải gấp lại để lắp kính vào tên lửa.

Việc di chuyển cũng phải vô cùng chính xác và nghiêm ngặt, hạn chế để phần gương dính bất cứ hạt bụi nào, thậm chí không được tiếp xúc với hơi thở người.

Thử thách tiếp theo sẽ là mở phần gương này ra khi kính đến được quỹ đạo. Quá trình phức tạp này dự kiến sẽ mất 2 tuần. Kính Webb dự kiến sẽ chính thức hoạt động từ tháng 6/2022.

Theo TRẦN PHƯƠNG/Tuổi Trẻ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh