Diệt trừ sâu hại bằng hạt bình bát

08:12, 21/12/2020

Nhận thấy sự nguy hiểm ngày càng tăng của các loại thuốc trừ sâu đối với môi trường và sức khỏe con người, nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh đã nghiên cứu cho ra đời chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát. Chế phẩm này được đánh giá cao không chỉ ở sự sáng tạo, khả năng ứng dụng vào thực tế cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

Nhận thấy sự nguy hiểm ngày càng tăng của các loại thuốc trừ sâu đối với môi trường và sức khỏe con người, nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh đã nghiên cứu cho ra đời chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát. Chế phẩm này được đánh giá cao không chỉ ở sự sáng tạo, khả năng ứng dụng vào thực tế cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

Tiểu Mi đang thực hiện việc nghiên cứu chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát. Ảnh: TVU
Tiểu Mi đang thực hiện việc nghiên cứu chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát. Ảnh: TVU

Tận dụng nguyên liệu có sẵn

Bạn Nguyễn Thị Tiểu Mi, lớp ÐH Ngôn ngữ Anh A khóa 2017, Trường ÐH Trà Vinh, cho biết: Có rất nhiều chế phẩm bảo vệ thực vật (BVTV) ra đời để phòng trừ nấm bệnh và vi khuẩn trên cây trồng. Tuy nhiên, các loại chế phẩm này vẫn tồn tại một số hạn chế như có nguồn gốc hoàn toàn từ hóa chất sẽ gây độc hại với người sử dụng, ô nhiễm môi trường và có thể ảnh hưởng đến cây trồng như cháy lá, hoặc chết cây nếu không kiểm soát tốt liều lượng. Ðối với các chế phẩm sinh học như dịch chiết thực vật hay vi sinh đối kháng thì tác động chậm, hiệu quả phòng trừ thấp và tính đặc hiệu chưa cao.

“Trong một lần đi tham quan các dự án khởi nghiệp, tôi thấy cây bình bát mọc ven đường rất tốt, lại nghe bà con nói từng sử dụng lá, thân, rễ, trái và hạt để diệt trừ sâu hại. Trong đó, phổ biến nhất là phơi khô hạt bình bát, sau đó nghiền nhuyễn và pha trộn thêm nước, làm ra thuốc trị sâu, rệp. Tuy nhiên, do làm thủ công tại gia đình nên hiệu quả sử dụng không cao. Từ thực tế trên, tôi quyết định đi sâu nghiên cứu để cho ra đời chế phẩm sinh học diệt sâu từ hạt bình bát” - Tiểu Mi chia sẻ.

Hiện nay, bình bát là một trong những loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu vì có thể thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau: trên khô, dưới nước, ở cả vùng nước mặn, nước ngọt và nước phèn. Do đó, nếu khai thác sản phẩm từ loại cây này sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào. Tuy vậy, theo Tiểu Mi, từ ý định ban đầu đến triển khai thực hiện là một khoảng cách đầy khó khăn, nhất là phải tìm các bạn có cùng chí hướng, tâm huyết để kết hợp thực hiện. Song song đó, nhóm phải tính toán, sắp xếp thời gian để cùng đi thực tế tìm nguyên liệu cũng như tiến hành các bước nghiên cứu đầu tiên. Sau khi Nguyễn Phương Khánh, lớp ÐH Hóa học ứng dụng khóa 2016, và Nguyễn Thị Ngọc Hân, lớp ÐH Quản trị Kinh doanh tổng hợp B khóa 2018, đồng ý cùng hợp tác, nhóm đã phân công nhiệm vụ cụ thể và triển khai đạt kết quả rất tốt.

“Chúng tôi mong muốn đem đến cho cộng đồng một sản phẩm trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ thiên nhiên, tiện ích, tiết kiệm thời gian, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta. Ðặc biệt là tạo ra sản phẩm sinh học thay thế các sản phẩm khác bảo vệ môi trường, tạo cơ hội việc làm cho bà con lao động, khẳng định bản thân và làm giàu chính đáng” - Nguyễn Phương Khánh, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát do nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh chế tạo rất có tiềm năng ứng dụng vào thực tế sản xuất. Ảnh: TVU
Chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát do nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh chế tạo rất có tiềm năng ứng dụng vào thực tế sản xuất. Ảnh: TVU

Sản phẩm bảo vệ môi trường

Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta chi từ 500-700 triệu USD để nhập khoảng 35.000 tấn hóa chất BVTV. Trong số đó, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19.000 tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh trên cây, khoảng 16.000 tấn. Theo Tiểu Mi, đây là cơ hội cho các sản phẩm BVTV sinh học, đặc biệt là sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học kết hợp nano kẽm từ hạt cây bình bát, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu có từ thiên nhiên, áp dụng công nghệ nano nhằm tăng tính hiệu quả trừ sâu. Nhưng hơn cả là an toàn cho người dùng, bảo vệ môi trường, phù hợp xu thế nông nghiệp xanh với quy trình độc đáo, sáng tạo, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Chia sẻ về quy trình sản xuất chế phẩm, bạn Nguyễn Thị Ngọc Hân cho biết: Ðể sản xuất sản phẩm, cần lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu sau khi đạt chuẩn và được chọn, sẽ tiến hành rửa sạch, loại bỏ phần vỏ và thịt, lấy hạt và sấy khô hạt. Sau khi đã có hạt sấy khô, tiến hành nghiền nhuyễn hạt, trích ly, lọc và thu được dịch chiết từ hạt bình bát theo quy trình tách chiết. Sau đó, tổng hợp chế phẩm sinh học theo quy trình kết hợp với một số tinh dầu và dược liệu trong tự nhiên, rồi đóng chai thành phẩm.

Theo Tiểu Mi, ưu điểm của sản phẩm là hiệu quả diệt sâu, rệp với liều lượng nhỏ, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy trình tổng hợp chuyên nghiệp, an toàn đã đánh dấu sự khác biệt và nổi bật của sản phẩm. Ðể sản phẩm tiếp cận được với nhà nông, bước đầu nhóm sẽ xây dựng website cho sản phẩm, bên cạnh đó sẽ lập fanpage, chạy quảng cáo. Ðặc biệt là gửi sản phẩm sử dụng thử tại các khu vực chuyên canh tác rau màu trong tỉnh, sau đó thu kết quả và truyền thông giới thiệu sản phẩm.

Chế phẩm sinh học diệt sâu từ hạt bình bát được tổng hợp từ dịch chiết thực vật và muối kẽm với những ưu điểm có thể phòng trừ sâu bệnh trên cây rau màu, cây ăn trái, thân thiện môi trường, an toàn với người sử dụng. Do nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên nên sản phẩm góp phần giải quyết được “gánh nặng” về ô nhiễm môi trường do các loại thuốc hóa học gây ra.

Ông Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Chế phẩm sinh học này còn có vai trò như chất điều hòa sinh trưởng, giúp cây tăng cường quá trình quang hợp, tổng hợp protein, giảm rụng hoa, trái non… góp phần tăng năng suất cây trồng”.

Theo Báo Cần Thơ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh