TS Blockchain hiến kế xóa bỏ gian lận thi cử

03:08, 12/08/2018

Trước vấn nạn tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang và Sơn La, đã có không ít những ý kiến được các nhà khoa học đưa ra nhằm tìm giải pháp triệt để cho hiện tượng gian lận này.

Trước vấn nạn tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang và Sơn La, đã có không ít những ý kiến được các nhà khoa học đưa ra nhằm tìm giải pháp triệt để cho hiện tượng gian lận này.

TS. Đặng Minh Tuấn cũng chính là “cha đẻ” của phần mềm bộ gõ tiếng Việt Vietkey.
TS. Đặng Minh Tuấn cũng chính là “cha đẻ” của phần mềm bộ gõ tiếng Việt Vietkey.

Trong quá trình đi tìm lời giải cho việc minh bạch hóa thi cử tại Việt Nam, PV VietNamNet đã tìm đến với TS. Đặng Minh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Blockchain QNET, Trưởng Lab Blockchain của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Theo TS. Đặng Minh Tuấn, nếu được áp dụng, công nghệ Blockchain sẽ hạn chế được vấn đề tiêu cực trong thi cử ở Việt Nam, điển hình là 2 vụ sửa kết quả thi tại Hà Giang và Sơn La. Điều này được thực hiện nhờ những đặc tính mà công nghệ Blockchain mang lại.

Đặc tính của Blockchain là dữ liệu được đóng thành các block (khối dữ liệu). Các dữ liệu này được niêm phong bằng việc mã hóa với tem thời gian.

Để can thiệp sửa đổi dữ liệu, kẻ xấu phải bóc tem thời gian này ra. Nếu mất tem thời gian, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận biết dữ liệu đã bị thay đổi. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain cũng giúp dữ liệu nằm phân tán, giảm phát sinh tiêu cực.

Theo TS Đặng Minh Tuấn, để giảm thiểu tình trạng tiêu cực phòng thi, chúng ta phải cố gắng tự động hóa càng nhiều càng tốt.

Việc tự động hóa nhằm giảm thiểu sự can thiệp của con người trong suốt cả quá trình thi cử. Điều này giúp loại bỏ hành vi cố tình gian lận do con người, khi họ không thể thắng nổi lòng tham.

Quy trình thiếu chặt chẽ dẫn đến hiện tượng sửa điểm tại Hà Giang, Sơn La. Đồ họa: Lê Huyền- Diễm Anh
Quy trình thiếu chặt chẽ dẫn đến hiện tượng sửa điểm tại Hà Giang, Sơn La. Đồ họa: Lê Huyền- Diễm Anh

Nói về kịch bản một kỳ thi ứng dụng công nghệ Blockchain, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng, có thể triển khai kỳ thi trên giấy theo cách thông thường. Sau đó, bài thi của thí sinh sẽ được scan (quét) để đưa vào máy tính.

Dữ liệu bài thi được niêm phong bằng cách mã hóa qua giải thuật hàm băm. Các đoạn mã này sẽ được đưa lên Blockchain để lưu giữ và bảo mật.

Theo TS. Đặng Minh Tuấn, Blockchain cho phép thực hiện điều đó bằng cách đóng dữ liệu thành từng block. Dấu niêm phong của các block này liên quan trước sau với nhau theo trình tự thời gian. Với khâu chấm thi, vẫn có thể dùng phần mềm chấm điểm như cách cũ.

Trước thắc mắc về việc thầy Lương tự ý sửa điểm dễ dàng ở Hà Giang, TS. Tuấn cho rằng các phần mềm sử dụng trong quy trình chấm thi có thể do các đơn vị khác nhau phát triển.

Mỗi phần mềm này đều độc lập và không có sự kết hợp với nhau. Đây có thể là lý do dẫn đến tình trạng dữ liệu kết quả thi được lưu dưới dạng file text (không mã hóa).

Khi ứng dụng Blockchain, cần tìm cách kết hợp các phương án với nhau để dữ liệu điểm thi không được lưu giữ ở dạng text nữa. Lúc này, sẽ phải có một lược đồ mã hóa riêng để tránh trường hợp khóa bị lộ.

Khi được hỏi về vấn đề chi phí, TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng việc triển khai Blockchain không đòi hỏi số tiền quá lớn.

Tùy theo cơ sở hạ tầng của từng địa phương, chúng ta có thể cho ra đời những giải pháp phù hợp. Minh họa về điều này, ông nói về cách mà đất nước Estonia ứng dụng mạnh mẽ công nghệ Blockchain vào Chính phủ điện tử hay rất nhiều các dịch vụ công trực tuyến.

Không chỉ riêng TS. Đặng Minh Tuấn, nhiều cá nhân và tổ chức trong nước đã có ý tưởng về việc ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm giải quyết vấn đề thi cử tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có một điểm chung khi họ đều lắc đầu trước vấn đề cơ chế, vì phụ thuộc rất nhiều vào phía cơ quan quản lý.

Trên thực tế, tồn tại nhiều hệ thống dữ liệu đóng mà người quản lý cũng chính là người thao tác, quản trị hay vận hành. Lúc đó, người dân bắt buộc phải tin vào kết quả này và không có cơ chế giúp đảm bảo tính tin cậy hay sự minh bạch.

Ở 2 vụ gian lận điểm tại Hà Giang và Sơn La, nếu phổ điểm không được công bố rộng rãi, sẽ chẳng thể nào phát hiện ra điểm bất thường. Trên thế giới, chúng ta cũng có thể nhận ra điều này thông qua vụ rò rỉ dữ liệu của 80 triệu người dùng Facebook.

Theo TS. Đặng Minh Tuấn, còn nhiều vụ việc khác nữa mà chúng ta chưa thể phát hiện. Do đó, những nơi cần đến sự tin cậy của dữ liệu đều có thể đảm bảo tính minh bạch bằng việc ứng dụng công nghệ Blockchain.

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo VietNamNet)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh