Theo ông Phạm Anh Tuấn- Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học- Công nghệ Việt Nam), sắp tới Việt Nam sẽ phóng vệ tinh do chính người Việt Nam thiết kế, chế tạo lên vũ trụ.
Theo ông Phạm Anh Tuấn- Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học- Công nghệ Việt Nam), sắp tới Việt Nam sẽ phóng vệ tinh do chính người Việt Nam thiết kế, chế tạo lên vũ trụ.
Đài thiên văn Nha Trang. |
Đầu tháng 8/2017, lễ bàn giao kỹ thuật Đài thiên văn Nha Trang- đài thiên văn đầu tiên của Việt Nam- được đánh giá là khởi đầu quan trọng cho ngành khoa học vũ trụ ở Việt Nam.
Đài thiên văn Nha Trang là một hợp phần của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được triển khai từ 2012- 2022 với tổng giá trị lên tới 13.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Đất Việt, ngày 20/8, GS.TS Khoa học Nguyễn Đức Cương- Chủ tịch Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam- cho biết: Việc đưa Đài thiên văn Nha Trang vào hoạt động có tính chất để nghiên cứu và tìm hiểu về vũ trụ, khuyến khích thế hệ trẻ quan tâm tới thiên văn, còn về mặt công nghệ vũ trụ rất ít liên quan.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Cương, riêng vệ tinh thì hiện tại chúng ta mới chế tạo được vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon- trọng lượng 1kg, vệ tinh hợp tác với Nhật Bản để phóng lên- nhưng mới chỉ mang tính chất học tập. Vệ tinh này cũng bay được một thời gian, truyền được tín hiệu về mặt đất và đó là thành công bước đầu.
Cũng như vệ tinh Sputnik 1 của Nga năm 1956 chỉ mang máy phát tín hiệu nên chúng ta mới đạt được trình độ năm 1956 của Nga (nếu không kể tên lửa đẩy).
Nhưng tín hiệu tít tít của Nga còn tồn tại được mấy vòng quanh Trái đất, còn chúng ta chỉ phát được một thời gian ngắn rồi không phát được nữa. Hiện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang có sự giúp đỡ của Nhật Bản, tự chế vệ tinh nano, có trọng lượng khoảng 10kg.
Theo hợp tác của Việt Nam với Nhật, chúng ta sẽ làm vệ tinh MicroDragon nặng 50kg, có kích thước 50 x 50 x 50cm.
Bởi vì, vệ tinh càng to thì càng đầy đủ chức năng, thời gian sống trên quỹ đạo lâu hơn. MicroDragon sẽ có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh số liệu khí quyển; thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái đất.
Ở góc độ khác, GS.TS Nguyễn Đức Cương cho biết: “Việt Nam sẽ phóng vệ tinh nano khoảng 10kg, sau đó, tiến lên 50kg, thời gian sống lâu hơn, mang nhiều thiết bị lên, còn hiện tại chúng ta đang hợp tác với Nhật làm 2 vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 theo công nghệ radar tiên tiến hiện nay.
LOTUSat-1 có khối lượng tới 600kg, kích thước là 1,5m x 1,5m x 3m, tồn tại trên vũ trụ 5 năm. Vệ tinh sử dụng công nghệ radar, có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết và có thể phát hiện các vật thể trên bề mặt Trái đất có kích thước từ 1m trở lên.
Bởi nếu quan sát bằng dải quang học, nhìn xuống lãnh thổ Việt Nam rất nhiều mây che, nên vệ tinh quang học tác dụng hơi hạn chế, còn radar có thể nhìn xuyên qua mây.
“Chúng ta được tham gia học tập làm LOTUSat-1, nhưng đến LOTUSat-2 chủ yếu sẽ làm ở Việt Nam, có chuyên gia của Nhật hướng dẫn. LOTUSat-2 phải đến 7- 8 năm mới có thể hoàn thành, còn LOTUSat-1 thì chắc 1-2 năm nữa sẽ phóng lên quỹ đạo”- ông nói.
ĐÔNG PHƯƠNG (Lược trích từ ĐVO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin