"Vua" sáng chế miền Tây đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân

11:11, 05/11/2016

Ông Nguyễn Văn Dũng (thường gọi Tám Thơ) được nông dân trong xã Bình Thủy (huyện Châu Phú- An Giang) gọi là "nhà nông sáng chế". Tuy mới học hết lớp 9 nhưng ông Dũng đam mê sáng chế kỳ lạ.

Ông Nguyễn Văn Dũng (thường gọi Tám Thơ) được nông dân trong xã Bình Thủy (huyện Châu Phú- An Giang) gọi là “nhà nông sáng chế”. Tuy mới học hết lớp 9 nhưng ông Dũng đam mê sáng chế kỳ lạ.

Hiện nay ông Dũng đã sáng chế gần 10 loại máy móc phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả cho nông dân.
Hiện nay ông Dũng đã sáng chế gần 10 loại máy móc phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả cho nông dân.

Ông Dũng đã sáng chế ra nhiều máy móc, thiết bị rất thiết thực cho bà con nông dân như: máy đào rãnh, máy cắt cây đậu bắp, máy rải phân, máy bơm “3 trong 1”, máy bắt sâu rầy... 

Năm 2007, tại huyện Châu Phú, ngành nông nghiệp khuyến cáo chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Thời điểm đó cây mè đen rất thích hợp cho vụ Xuân Hè và phù hợp với vùng đất cù lao Bình Thủy, lợi nhuận gấp 2- 3 lần trồng lúa.

Đặc biệt, loại cây này chịu úng kém nên nông dân cần làm rãnh thoát nước để chống úng. Tuy nhiên, làm rãnh thoát nước bằng thủ công như đào mương bằng leng, cuốc thì chi phí cao, trong khi lao động ở địa phương thì thiếu.

Từ đó, ông Dũng đã mày mò và sáng chế ra máy đánh rãnh thoát nước có công suất 15 mã lực. Công suất máy đánh rãnh một ngày đạt từ 1- 2ha, gấp 40 lần nhân công lao động thủ công trong khi chi phí chỉ khoảng 30% so với lao động thủ công.

Song song đó, việc gieo giống cho cây mè đen cũng gặp nhiều khó khăn vì hạt mè nhỏ nên việc gieo giống bằng phương pháp thủ công (sạ bằng tay) rất khó đều, dẫn đến năng suất thấp.

Một lao động gieo sạ 1 ngày được khoảng 1ha nếu thời tiết thuận lợi. Vì lẽ đó ông Dũng đã sáng tạo ra máy sạ mè có công suất 4- 5 ha/ngày với một lao động. Giải pháp đó giúp giảm được lượng giống, chi phí và đẩy nhanh tiến độ xuống giống, mè sạ đều giúp tăng
năng suất, sản lượng.

Không dừng ở đó, ông Dũng lại tiếp tục cho ra đời xe phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả gấp 4 lần xịt tay nhằm giảm sức lao động, tiết kiệm thuốc và bảo vệ sức khỏe cho nông dân.

Trong trồng hoa màu, việc bón phân không thể rải như trồng lúa mà phải bón ở từng gốc cây mất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, ông Dũng lại nghiên cứu chế ra thiết bị bón phân rất độc đáo. Nó như chiếc xe cút kít một bánh dễ di chuyển trên ruộng rẫy, trên đầu gắn 2 thùng nhỏ chứa phân hóa học.

Khi đẩy xe di chuyển giữa 2 luống cây trồng, bộ phận nhông chuyền từ bánh xe sẽ làm cái trục có rãnh xoắn dưới đáy thùng quay đều đưa hạt phân theo 2 cái ống ra ngoài rớt xuống ngay từng gốc cây. Giải pháp này giảm chi phí, một ngày có thể bón phân từ 1- 2ha so với bón phân thủ công bằng tay.

Kế đến máy đánh rãnh trồng cây đậu bắp và cắt cây đậu bắp, sau khi thu hoạch xong cần cắt thân cây đậu bắp để cày xới gieo trồng cây khác. 

Đặc điểm máy này là dùng một bánh xe đạp, trên khung xe đặt các lưỡi dao, khi kéo xe các lưỡi dao sẽ cắt ngang cây đậu bắp và gạt ra bên phải và xếp thành hàng. Nhờ máy cắt đã tăng năng suất cao hơn cắt tay 4- 5 lần...

Và ấn tượng nhất sáng chế máy thu hồi lúa thất thoát sau thu hoạch ở ngoài đồng ruộng. Máy to gần giống như máy suốt lúa có 2 bánh xe hơi để dễ dàng di chuyển trên đồng ruộng. Trên đó lắp động cơ cùng với hệ thống liên hợp gồm các bộ phận như vòi hút, giần sàng, giàn tách hạt lúa, tách tạp chất...

Khi máy vận hành lưỡi cắt dưới gầm sẽ hạ xuống cắt gốc rạ, đồng thời vòi hút ở đuôi máy di động qua lại để hút những hạt lúa rơi vãi từ dưới đất lên tháp. Qua hệ thống sàng, những hạt lúa to chắc sẽ được tách riêng tự động đổ vào thùng chứa được thu hồi lại để sử dụng.

Ông Dũng cho biết: “Hiện nay việc thu hoạch lúa trên đồng bị thất thoát rất nhiều, trung bình thường mất 300- 500kg lúa/ha, với ruộng lúa bị ngã đổ còn cao hơn. Qua nhiều năm, mặt ruộng ở ĐBSCL chứa rất nhiều lúa rơi rụng ở các vụ trước để lại, gây khó khăn cho sản xuất cũng như ảnh hưởng đến năng suất. Như vậy vừa uổng phí, vừa làm chất lượng gạo kém đi. Từ đó, tôi muốn làm ra máy thu hồi lượng lúa hao hụt khi thu hoạch để không chỉ tận dụng lại mà còn loại trừ được nạn lúa cỏ, lúa lẫn tạp chất cho bà con”.

Ông Nguyễn Hữu Danh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thủy nhận xét, hầu như cứ sau mỗi mùa vụ, ông Dũng lại cho ra một sản phẩm mới. Nói chung cái nào cũng đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Từ máy cắt đậu bắp, xe phun thuốc bảo vệ thực vật, cho đến máy xạ phân, máy tưới di động… Tất cả đều giúp cho nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Máy móc thiết bị do ông Dũng sáng chế đã đoạt được nhiều giải thưởng trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật trong và ngoài tỉnh, được tặng nhiều bằng khen của Hội Nông dân và UBND tỉnh An Giang. Và đặc biệt, cuối năm 2015, ông Dũng vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo Nông Nghiệp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh