Hồi tôi còn nhỏ, má dặn thấy cái gì trôi nổi dưới sông thì đừng vớt lên, để cho nó trôi đi luôn. Hoặc vì người ta không dùng nữa nên mới liệng xuống sông, hoặc vì vô tình làm rớt mà con nước trôi nhanh quá không sao lấy lại kịp. Xóm tôi có thói quen xấu khó bỏ, vật nào hỏng hóc hay con gì chết giẫm cũng tiện tay liệng xuống sông. Thói quen ấy bắt đầu từ nhiều năm về trước, đến giờ vẫn còn, dần dần dưới đáy sông đầy rác.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Hồi tôi còn nhỏ, má dặn thấy cái gì trôi nổi dưới sông thì đừng vớt lên, để cho nó trôi đi luôn. Hoặc vì người ta không dùng nữa nên mới liệng xuống sông, hoặc vì vô tình làm rớt mà con nước trôi nhanh quá không sao lấy lại kịp.
Xóm tôi có thói quen xấu khó bỏ, vật nào hỏng hóc hay con gì chết giẫm cũng tiện tay liệng xuống sông. Thói quen ấy bắt đầu từ nhiều năm về trước, đến giờ vẫn còn, dần dần dưới đáy sông đầy rác.
Vậy rồi tôi đã quên lời má.
Đó là một buổi chiều nắng vẫn còn le lói. Những buổi chiều mùa hạ rực đỏ in xuống con sông chảy ngang qua trước nhà mà người xưa đặt cho nó cái tên là Phiêu Bạt. “Cái tên sông nghe mông lung dễ sợ”, út Lượm nói vậy. Mông lung thật!
Đời có nhiều cái tên ngộ ghê, như tên “Phiêu Bạt”, tên “Lượm”. “Phiêu bạt” nghĩa là trôi nổi, lênh đênh. “Vậy còn tên Lượm nghĩa là gì vậy hai?”, út Lượm vọt miệng hỏi. Là lượm, là nhặt thứ này thứ nọ ngoài đường, dưới sông. “Vậy ra má lượm em chứ không phải đẻ em như má đẻ hai ra. Phải không hai?”. Út Lượm nói vậy, mặt buồn thiu. Tôi thì cười nắc nẻ.
Trở lại với chuyện quên lời má dặn, đừng lượm đồ trôi nổi trên sông. Chiều tôi ngồi trên bến sông như bao chiều khác, ngó thấy lẫn trong sóng dòng Phiêu Bạt một vật thể lạ. Nó dài dài, màu của phù sa, của sông nước. Khi nó nổi, khi lại chìm, bất định.
Tôi trờ người ra sông, một tay nắm lấy rễ cây gừa ba trồng để giữ đất, một tay cầm cái cây khều cái vật thể lạ bởi sông chiều chảy xiết, không khéo nước sẽ cuốn trôi cái vật thể lạ đó ra khỏi dòng sông Phiêu Bạt, ra sông lớn thì coi như mất toi.
Gắng gượng, hì hụp một lúc, mấy lần suýt ngã lộn nhào xuống sông nhưng cũng chẳng sao vì tôi bơi giỏi như cá. Cuối cùng tôi cũng giữ được vật thể đó lại.
Một con búp bê, tôi hốt hoảng, như không tin vào mắt mình. Con búp bê màu da đã bủn đi vì ở lâu dưới sông, tóc bết lại, sóng xiết rụng gần hết. Chơi búp bê từng là ước mơ của tôi và út Lượm nhưng má chẳng bao giờ mua cho. “Hình nhân, thấy ghê!”- má nói vậy.
Chị em tôi chưa bao giờ biết được cảm giác chơi búp bê là thế nào, tết tóc búp bê có sướng tay như tết tóc người hay không. Tôi định bụng đem đi khoe út Lượm, nhưng rồi lại thôi! Cái miệng út Lượm dữ lắm, nó biết là má biết, thế nào má cũng quất vào mông tôi mấy roi đau điếng dù khi ấy tôi đã sắp thành thiếu nữ...
***
Sau này lớn lên, ba má tôi theo ngọn gió về trời, tôi lấy chồng xa, út Lượm lo khói hương cho ba má và nấn níu thời son sắt nên chưa chịu mở lòng với bất kỳ ai... tôi vẫn giữ khư khư con búp bê ấy trong ngăn tủ.
Ba má không biết, út Lượm cũng không, đối với họ, con búp bê tôi vớt lên từ dòng sông Phiêu Bạt mãi là một bí mật. Nghĩ tôi thấy mình giấu hay thật. Cái nhà tum húm, rúm ró, ra vào đụng mặt nhau, ngó thấy hết đồ đạc cất trong chạn, trong tủ để trên đầu giường, vậy mà con búp bê tôi ém dưới góc tủ không ai thấy.
Lấy chồng, tôi gói con búp bê trong giấy đỏ mang về nhà chồng, cũng giấu nhẹm không cho chồng và người nhà chồng hay biết, sợ nói tôi con nít quá, lớn tồng ngồng có chồng vẫn còn chơi tết tóc cho búp bê mỗi đêm trăng sáng.
Đời thay đổi, nhưng dòng Phiêu Bạt vẫn cứ trôi. Có một dòng sông trong tôi cũng êm đềm chảy từ ngày này qua tháng nọ...
Lấy chồng, tôi già đi thấy rõ. Gần một năm sau ngày má nằm lại dưới mảnh đất vườn âm ấm, chỗ cây cam sành tháng ba tháng tư trổ bông thơm phức, tôi trở về nhà thăm út Lượm. Gặp tôi, con nhỏ nhận không ra, khóc mướt.
“Trời, chị hai, sao chị khác quá vậy”. Tôi cười mà lòng cũng bời bời như có gió thổi vào hoang hoải. Ừ, ai cũng phải già, đâu thể như con búp bê cứ trẻ hoài, dù 5 năm, 10 năm hay hết một đời người thì búp bê vẫn vậy.
Nó bằng nhựa chứ đâu phải bằng da thịt như mình để muốn nhão đi lúc nào thì nhão. Út Lượm ôm cháu ra sân, nói để dì ba thắt tóc, ra bộ người lớn rầy tôi đừng cho con nít để tóc dài, bao nhiêu chất bổ đi nuôi tóc hết. Tôi lắc đầu, con nhỏ chưa chồng, còn xuân sắc hẳn hoi mà ra chiều già trước tuổi, giống hệt má không xê một nét.
Có ngờ đâu đó là lần cuối cùng út Lượm tết tóc cho con tôi.
Nhà chồng tôi sa sút. Một sáng có người đến đứng trước cửa nhà tôi tru tréo chửi, đòi nợ, bởi chồng tôi sinh tật cờ bạc từ hồi cưới tôi về nhà. Má chồng tôi vốn đã mang bệnh tim, chứng kiến cảnh đó không thể chịu nổi được nên trở thành người thiên cổ.
Việc hậu sự xong xuôi, nhà cửa ruộng vườn người ta lấy sạch, chỉ còn mỗi mảnh vườn hương hỏa có mấy ngôi mộ cỏ xanh um. Chúng tôi quyết định sống trên ghe. Út Lượm kêu về ở với út, sớm muộn gì út cũng có chồng chứ có ở hoài trong căn nhà cũ được đâu. Nhưng tôi lắc đầu, từ từ đã, để ổng biết được cái tội của ổng.
Tội ổng lớn lắm, Lượm ơi! Dọn đồ đạc từ căn nhà xuống ghe, thấy đồ đạc chẳng còn bao nhiêu. Những gì có giá trị chúng tôi đều đem đi bán. Sống đời lênh đênh cho biết, tôi giận quá nói vậy, ổng cũng không hó hé gì vì mọi sự đều do ổng gây ra.
Chúng tôi lấy hàng bông về bán, nay xứ này, mốt xứ nọ, có hôm đi ngang qua dòng sông Phiêu Bạt, tôi tự nghĩ chắc cái tên sông nó vận vào cuộc đời nổi chìm phiêu bạt của những người sống ở hai bên bờ sông. Tôi kêu con út đổi tên sông đi, đừng gọi nó là Phiêu Bạt nữa, sau này út Lượm cũng phiêu bạt như chị hai thì khổ lắm!
Út Lượm cười: “Đời thuở nay người ta gọi vậy, chị hai kêu đổi em biết đổi tên gì, ai mà chịu nghe”. Tôi lặng đi.
Ghe rời bến. Ghe là nhà, sông là quê hương, là xóm làng thân thuộc của tôi. Con bé không chịu cảnh sống tù đọng trên ghe nên khóc hoài, tôi nói hay gửi con lên bờ sống với dì út thì nó không chịu. “Con muốn sống với má hơn. Thôi con không khóc nữa, cực gì cũng chịu”- Nó nói vậy, tôi nghe mà rớt nước mắt.
Cha làm con chịu, trời ơi! Tôi giận quá lại thốt lên. Ổng ngồi trước mũi ghe nghe tôi nói vậy chỉ biết di di cắm cây sào xuống sông chứ không nói lại. Cây sào đụng rác, đụng nhựa bể, đụng miểng chai nằm dưới đáy sông kêu rộp rộp.
Một dạo nọ, con bé tìm thấy trên ghe có con búp bê. Nó reo lên: “Trời ơi, má, con búp bê đẹp quá!”. Tôi bần thần, rồi nghĩ có gì đâu mà giấu hoài, tôi đưa cho con tôi chơi, nói dối là dì út mua cho trong lần đi chợ tỉnh.
Con bé mê búp bê lắm, nó cứ ôm khư khư, hôn hít khắp cái vật thể bằng nhựa đã bạc màu vì nước sông năm tôi mười lăm, mười sáu. Nó thường tết tóc cho búp bê, thắc mắc sao tóc con búp bê thưa và xơ rối quá, không mượt như tóc mình.
Tôi vờ nói tóc búp bê làm bằng nhựa, bằng thứ dây nào đó má không rõ. Không lẽ tôi nói với con rằng đó là con búp bê tôi vớt được dưới dòng sông Phiêu Bạt trong chiều mùa hạ năm nào...
*
Chiếc ghe vẫn lênh đênh ngày này qua tháng nọ. Tôi nói với chồng tôi rằng ráng dành dụm thêm chút đỉnh rồi lên bờ sống, bên anh không có chỗ thì về bên em, trước mắt là dựng cái nhà nhỏ cạnh nhà ba má (mà nay có út Lượm coi sóc), chừng út Lượm đi lấy chồng thì tính tiếp. Chị em thì chị em chứ sống chung rầy rà, dễ sinh chuyện.
Ổng gật đầu. Làm gì dám cãi?
Con nước rạt rào. Một mùa hạ nữa đã đến. Ghe chúng tôi sắp đi qua dòng sông Phiêu Bạt. Khúc này nước xoáy, bởi nó là ngã ba sông, nó có ba nhánh trôi về ba hướng. Tôi rành sông như rành sáu câu vọng cổ. Tôi là người của sông mà! Xưa giờ vẫn vậy. Tôi bơi giỏi như cá, lặn cũng giỏi, thấy dưới đáy sông có gì hết.
Má không cho tôi lượm bất cứ thứ gì dù có lần tôi thấy phía dưới là cái quạt máy nhà kia cãi nhau người chồng quăng xuống sông, rồi cái xô đựng nước đá bằng thiếc còn mới, cái cối đâm tiêu...
Tính ra chắc tôi bơi còn giỏi hơn ổng. Ổng bài bạc, số má vậy chứ yếu xìu, ngâm mình dưới nước một lát mà xanh xao mình mẩy, run cầm cập, tôi phải tấp ghe vào tiệm mua cho ổng thuốc cảm, uống vào một chút sẽ khỏi.
Chiều hạ rơi rớt trên sông. Ngã ba dòng Phiêu Bạt sóng vỗ ràn rạt. Tôi cắm sào cập mé bờ, dưới tán một cây bần ổi ong bầu kêu võ vẽ. Ổng lên bờ tự hồi nãy, không biết là đi đâu (nhưng tôi dám chắc là ổng không ló đầu vô mấy sòng bạc, một lần tởn tới già). Tôi ngồi sau lái rửa chén, con nhỏ ngồi trước mũi chơi búp bê.
Chiều như mọi buổi chiều. Chiều êm ả có tiếng sóng nước vỗ về tâm hồn, có ánh nắng vàng len lỏi vào trong mui ghe làm đổ bóng con bé có đôi môi đỏ mọng. Tôi nhìn con, cười hạnh phúc rồi xoay sang rửa chén.
Nước đưa đám lục bình ngang qua chỗ tôi ngồi rồi trôi tuốt. Sau này đi ghe tôi không hay vớt đồ dưới sông nữa, ghe nhỏ quá biết chứa ở đâu. Mà tôi thì chẳng muốn vứt bất cứ thứ gì đi, kể cả đồ vớt được, tức là không phải mình bỏ tiền ra sắm để rồi phải tiếc đứt ruột đứt gan.
Tôi mãi dõi mắt theo con chuồn chuồn kim đáp xuống trước mặt tôi, đậu trên cây ớt hiểm sâu ăn lá, rồi bay đi. Tôi nhìn theo nó bay hút về phía đường chân trời. Cánh nó mỏng mà đủ màu, ánh sáng rọi qua lấp lánh sắc xanh- vàng- tím- đỏ.
Ký ức đưa tôi trở về những ngày xưa còn má, tôi còn là thiếu nữ, chiều tôi hay xuống bến sông ngồi nhìn con nước dòng Phiêu Bạt trôi, khi lành khi dữ, dõi theo một vật thể nào đó lơ lửng trên mặt nước. Má nói có gì đẹp đâu mà nhìn, út Lượm nói tôi khùng.
Ngộ ha, nhìn sông nước cũng bị nói khùng, thiệt kỳ. Má nói đừng có nấn ná trên dòng sông Phiêu Bạt, đời phiêu bạt y vậy. Tôi không tin. Tên thôi mà, sao vận vào đời người được. Rồi những đoàn người phiêu bạt xa quê. Rồi tôi cũng phiêu bạt trên sông. Lúc bấy giờ tôi mới tin điều má nói.
Tiếng bì bõm khiến tôi giật mình ngoái lại thì thấy nước đã cuộn xoáy đưa một vật thể nào đó xuống tận đáy sâu. Tôi nhìn lại, hốt hoảng, con gái tôi đâu rồi? Trời ơi! Anh ơi! Con ơi! Ông trời ơi! Tôi thét lên, tiếng thét xé nát cả buổi chiều quê yên tĩnh.
Tôi phóng xuống nước, bơi như một loài cá lạ. Tìm con. Tôi xé nước chui tọt xuống đáy sông, chân chạm mớ miểng chai ngổn ngang, máu me cuộn đỏ ngầu trong nước. Tôi nắm. Tôi hốt. Tôi quờ quạng kiếm tìm. Nước mắt tôi ứa ra, hòa trong nước ngã ba dòng sông Phiêu Bạt. Rã rời. Trên mặt sông trôi là đà con búp bê nằm úp...
Người ta nói chắc con nhỏ trôi về một trong ba hướng, hoặc Phiêu Bạt, hoặc hai hướng còn lại. Nói vậy cũng nói, tôi đang đau đứt ruột đây nè!
Tôi nhìn con búp bê. Hận. Tôi hận nó quá! Con tôi vì vớt búp bê nên đã bỏ tôi đi. Rồi tôi hận chính mình. Tôi đã vớt con búp bê năm nào trôi qua bến sông trước nhà. Mọi chuyện cứ như sắp đặt vậy. Tôi không tin cũng phải tin. Lời má nói là chân lý- chí ít với tôi.
Đêm chồng tôi nằm trong ghe ôm tôi, xuýt xoa, nước mắt giọt vắn giọt dài. Thiếu con bé, đời tôi như vô nghĩa. “Thôi em, nó ở được với mình đến đây thì mình quý đến đây! Mọi thứ đều do duyên số cả”. Ổng nói vậy. Đó là lời sau chót mà tôi nghe được từ ổng trước khi ổng rời đi, không biết là đi đâu.
Gần mười năm rồi... còn gì? Như một cái chớp mắt.
***
“Sau này gặp lại ổng, điều đầu tiên mà hai nói với ổng là gì?”- Út Lượm hỏi tôi. Con nhỏ về thăm nhà sau khi đi du lịch cùng chồng trên Đà Lạt. Xứ đó thì tôi chưa từng đến.
Tôi lắc đầu, im lặng, nhìn ra con sông Phiêu Bạt, thấy cái gì thấp thoáng như con búp bê tôi thả đi sau đợt con tôi về với sông. Chuyện vợ chồng người ta, nói ra thì còn gì bí mật, tôi cười- lòng đau. Chớ không lẽ tôi nói với con út rằng, gặp anh rể, tao nói với ổng là tao có trách móc gì ổng đâu mà ổng bỏ đi. Đi làm chi vậy, không biết! Tui tha thứ cho ông mà. Mình ơi!
HOÀNG KHÁNH DUY