Giữa đêm khuya thanh vắng, gió thổi làm đung đưa mấy nhánh cây nghe xào xạc, cả xóm chìm trong giấc ngủ mơ màng của đêm đen tĩnh lặng. Con mực đang nằm co ro trong góc nhà bỗng nhiên sủa inh ỏi.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
TUYẾT LUÔN VÕ
Giữa đêm khuya thanh vắng, gió thổi làm đung đưa mấy nhánh cây nghe xào xạc, cả xóm chìm trong giấc ngủ mơ màng của đêm đen tĩnh lặng. Con mực đang nằm co ro trong góc nhà bỗng nhiên sủa inh ỏi.
Tôi giật mình tỉnh giấc rồi vén mùng bước xuống giường. Con mực nhà tôi giữ nhà rất giỏi, chỉ cần có hơi người nó nhất định sẽ sủa. Tiếng sủa của nó đã làm ba má tôi thức giấc. Cả nhà ba người gặp nhau ở nhà trên, tôi ra hiệu ba má ở yên trong nhà để tôi ra ngoài xem thử. Nhà tôi chẳng có gì đáng giá chỉ có mấy con vịt xiêm, vài con gà mái đẻ để dành khi giỗ chạp hay khi có khách đến chơi làm thịt tiếp đãi cho nhanh. Dạo này tôi lo bọn trộm vặt lộng hành.
Tôi nhẹ đẩy cửa bước ra ngoài rồi rón rén đi về phía sau chuồng vịt, chuồng gà xem thử. Con mực đang rống cổ sủa về phía đó. Tôi nghe tiếng gà vịt kêu la chạy tán loạn càng chắc chắn có kẻ trộm đang lùa bắt. Tôi đến gần hơn rồi bật đèn pin soi vào bên trong.
“Là ai? Ai trộm gà vịt của nhà tôi? Tôi đã gọi công an rồi, mấy người không chạy thoát được đâu”.
Có bóng người chạy vụt qua tôi nhưng tôi nhanh tay lẹ chân bắt lại rồi quật tên trộm xuống đất. Ba má tôi bật đèn lên, nhà hàng xóm cũng chạy sang tiếp ứng.
Tôi ngỡ ngàng khi nhìn rõ mặt tên trộm, ba má tôi cũng không khỏi ngạc nhiên.
“Khải, sao lại là con?”
“Ông bà Hai tha cho con, chú Hưng tha cho con, xin tha cho con lần này”.
Tôi buông thằng Khải ra rồi giả vờ làm dữ cảnh cáo nó.
“Lần này tao tha, mày mà còn chứng nào tật nấy thì tao báo công an”.
***
Cha mẹ Khải ly hôn khi Khải vừa lên 5. Mẹ nó bỏ quê đi biệt xứ, chẳng một lần về thăm hay điện đài gì. Khải ở với cha, nhưng cha nó là người cộc tính, lại không biết cách dạy con. Căn nhà nhỏ chỉ còn hai cha con nương tựa nhưng suốt ngày chỉ nghe tiếng khóc thút thít của thằng Khải và tiếng mắng chửi của cha nó mỗi khi cha nó đi làm về trong cơn say.
Rồi thằng Khải đi học. Sáng sớm hai cha con đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng có tiếng động cơ nổ vang vọng khắp xóm, mỗi lần xe của cha thằng Khải đi đâu về là từ xa mọi người đã nhận ra.
Ở cái tuổi còn mê chơi hơn mê học, cần phải được kèm cặp chỉ dạy từ con chữ vỡ lòng thì ngoài nhờ cô giáo ở trường còn phải có phụ huynh bên cạnh đồng hành. Nhưng thằng Khải lại không có ai, mẹ bỏ đi, cha nặng lo chén cơm manh áo, nên chuyện học hành của nó cũng chỉ cực chẳng đã. Nó có biết chữ hay không anh cũng chưa từng hỏi thăm cô giáo tình hình học tập của nó.
Chỉ những lần nó dành đồ chơi với bạn rồi lỡ tay đánh bạn, cô giáo gặp anh để nhắc nhở. Khi về nhà anh không nói tiếng nào cầm roi quất tới tấp vào người thằng Khải. Nó khóc rùm trời. Dì Tư hàng xóm nghe nó khóc mà xót xa chạy sang can ngăn, nếu không có dì Tư biết đâu thằng Khải bị cha nó đánh đến chết cũng không chừng.
Có lần dì Tư sang nhà tôi kể, mấy lần dì sang bênh vực thằng Khải, nhìn thấy những vết lằn roi trên chân tay nó mà tức đến phát khóc, không phải con cháu ruột thịt mà sao vẫn thấy đau lòng xót dạ. Rồi dì lên tiếng trách cha nó.
Dì bảo con nít ở cái tuổi này thì đứa nào hổng mê chơi, hiếu động nên cha mẹ cần phải kiên nhẫn biết cách quan tâm, uốn nắn từng ngày sửa dạy mọi thứ thì bọn chúng sẽ ngoan. Đòn roi không phải là biện pháp giải quyết hữu ích, nó làm sai cứ đè ra đánh mà không nói lời nào. Rồi đứa trẻ cũng không biết nó sai ở đâu, không biết phải làm thế nào mới đúng.
Tôi cũng đồng suy nghĩ với dì Tư cho nên được hôm không phải đi trực ở bệnh viện, tôi thả bộ đến nhà thằng Khải, nhà nó cách nhà tôi vài trăm mét. Vừa đến trước cửa căn nhà, tôi nghe tiếng khóc lóc vang xin của đứa trẻ, tiếng đòn roi chan chát. Tôi chạy vội vào nhà đúng vào lúc anh đang dùng chổi lông gà đánh tới tấp vào người thằng nhỏ đang quỳ gối van xin.
“Cha tha cho con, con hứa lần sau không dám vậy nữa”.
“Tao đánh cho mày chết, cho mày bỏ thói ăn trộm đồ của người ta. Cho mày không làm xấu mặt tao”.
Tôi chạy đến kéo thằng Khải về phía mình rồi khuyên can cha nó.
“Anh Tín bình tĩnh, có chuyện gì thì từ từ mình chỉ dạy khuyên bảo nó, chứ anh đánh nó thế này nó chỉ biết đau chứ có biết gì nữa đâu”.
Anh Tín vứt cây chổi lông gà xuống đất rồi giận dữ bỏ đến ghế ngồi xuống. Tôi dỗ cho thằng Khải nín khóc rồi đi đến ngồi nói chuyện với anh Tín. Tôi bảo anh, Khải vẫn còn là một đứa trẻ, vẫn còn chưa phân biệt rõ đúng sai. Bổn phận là người lớn, người cha, anh phải từ từ chỉ dạy để nó biết điều nào không nên làm mà tránh đi. Trước lúc ra về, tôi nhận ra trong đôi mắt của người đàn ông đượm nỗi u sầu, có lẽ anh đang dần nhận ra lỗi sai của mình chăng.
***
Nắng chiều hiu hắt chạy theo bóng tôi, vừa về đến cổng rào tôi đã ngửi thấy mùi thơm của món mắm kho. Bụng cồn cào dắt xe đi nhanh vào nhà.
“Chú Hưng về rồi, bà Hai ơi ăn cơm được chưa?”
Tôi khựng người khi nhìn thấy thằng Khải đang ngồi sẵn bên bàn cơm vừa nhìn thấy tôi mắt nó sáng lên. Sau đó tôi mới biết hóa ra nó chạy sang nhà tôi ăn cơm ké. Ba má tôi thương nó như con cháu ruột thịt trong nhà nên cũng không tiếc gì với nó bữa cơm.
Có lẽ lâu ngày không được ăn bữa cơm gia đình có cha, có mẹ, nên bữa cơm với mắm kho làm nó khó có thể đợi được lâu, ăn lấy ăn để, mồ hôi túa ra, thỉnh thoảng cười hì hì khen má tôi làm mắm kho ngon nhất. Tôi chợt nghĩ ở cái tuổi của nó, có mấy đứa con nít chịu ngồi ăn liền ba bốn chén cơm với món mắm kho với cá tra. Nhìn nó cuộn rau sống chấm vào nước mắm kho rồi bỏ vào miệng nhai mà tôi thấy thèm.
Kể từ bữa ba má tôi cho thằng Khải ăn cơm nhờ thì ngày nào nó cũng chạy qua nhà tôi, liền mấy hôm không thấy cha nó về nhà. Sau đó tôi mới biết cha nó quen với cô gái nào đó rồi dọn về ở luôn với người ta, bỏ luôn thằng Khải, không ngó ngàng.
Thằng Khải một mình sống trong căn nhà nhỏ, bà con lối xóm thương tình người cho chút tiền, người bới cho tô cơm đem sang nhà. Cha nó cũng thỉnh thoảng có về thăm nhưng rồi cũng vội vã bỏ đi chẳng kịp để ai nói lời nào khuyên bảo.
Mấy hôm mưa to gió lớn, ba má tôi lo cho thằng Khải nên kêu tôi mặc áo mưa chạy sang nhà coi nó thế nào. Tôi còn chưa vào nhà đã thấy nó ngồi co ro trong góc, hai tay ôm đầu gối run rẩy vừa khóc vừa kêu rên “cha ơi! con sợ, mẹ ơi! con sợ”. Nghe mà nhói lòng. Tôi bàn với ba má đưa nó về nhà sống cùng, nhà tôi không khá giả nhưng cũng không đến nỗi nào khi cưu mang thêm một đứa trẻ.
Thế nhưng thằng Khải chứng nào tật nấy, tụ tập với đám bạn tập tành chơi game. Mấy hôm nó trốn học, chơi từ sáng sớm cho đến chiều tối mới thấy nó về nhà. Cô giáo gọi cho tôi mắng vốn. Tôi và ba má chưng hửng.
Tôi giận quá gọi nó về nhà dạy dỗ mắng nó ít câu. Ngày hôm sau, nó trộm của tôi cái đồng hồ đeo tay cùng với vài trăm ngàn má tôi đặt trong hộc tủ để chuẩn bị đóng tiền điện, rồi bỏ nhà trốn đi mất. Tôi có tìm kiếm nó mấy hôm nhưng không thấy nó về nhà, thằng nhỏ mới hơn 10 tuổi đã bỏ nhà đi bụi.
Bẵng đi mấy tháng, tôi nghe nói thằng Khải bị công an bắt với một nhóm thiếu niên vì tội trộm cắp nhưng sau đó nó cũng được thả. Tôi có đến tìm cha nó để hỏi thăm nhưng cha nó bảo đã từ mặt nó không nhận thằng trộm cắp là con. Tôi nhìn anh ta đang bế đứa bé gái nhỏ cưng chiều yêu thương mà thấy chạnh lòng cho thằng Khải.
Có lẽ nó đã tìm về với cha nó và nhìn thấy cảnh này nên mới dứt khoát bỏ nhà đi luôn. Anh ta có thể dành tình cảm cho đứa con gái nhỏ vừa chào đời với người vợ sau nhưng lại không với đứa con trai đã bị mẹ bỏ rơi và bây giờ chính anh cũng từ mặt nó. Nó mồ côi ngay khi cha mẹ nó vẫn còn hiện diện trên cõi đời này…
***
“Chú Hưng, hôm nay còn 10 tờ nữa là con bán hết 100 tờ rồi đó, thấy con giỏi không”.
Tôi nhìn thằng nhóc đầu đội nón tai bèo mỉm cười vẫy tay với tôi rồi đi nhanh về phía đường lớn. Dạo này thằng Khải đã thay đổi rất nhiều. Kể từ ngày mà nó quay trở lại định trộm mấy con gà, con vịt của gia đình đã từng cưu mang nó. Bỏ qua mọi lỗi lầm, gia đình khuyên giải nó đủ điều, rồi bàn bạc là trước mắt sẽ giúp cho một số vốn để lấy vé số đi bán, kiếm tiền nuôi sống được bản thân.
Nó rươm rướm nước mắt, hứa sẽ bỏ thói hư tật xấu, không để ông Hai, bà Hai và chú Hưng buồn. Và rồi nó cũng tu tâm dưỡng tánh thật, ngày nào cũng chịu khó đi bán vé số. Bà con lối xóm thấy thương nên cũng mua ủng hộ. Kiếm được chút tiền, hàng tháng nó còn gửi má tôi vài trăm phụ tiền chợ. Mới đầu má tôi tính không lấy, nhưng nghĩ lại thì coi như bỏ ống heo dùm nó và sẽ thuyết phục nó đi học trở lại.